So với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016, kịch bản cập nhật năm 2020 nhận định về mức độ ngập lụt của đồng bằng sông Cửu Long có thể tồi tệ hơn.
Ở kịch bản năm 2016, nếu mực nước biển dâng 100 cm, 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập cao, thì kịch bản cập nhật năm 2020, nguy cơ ngập có thể lên đến 47,29% diện tích vùng đất này.
Theo kịch bản này, đối với tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng Nếu mực nước biển dâng 80 cm, khoảng 1,59% diện tích của tỉnh Quảng Ninh và 8,4% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng có nguy cơ bị ngập. Trong đó, tỉnh Thái Bình (25,06%) và tỉnh Nam Định (29,29%) là 2 tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất. Nếu mực nước biển dâng 100 cm, 1,94% diện tích của tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ bị ngập. Nam Định là tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất khoảng 43,67%, trong khi đó toàn Đồng bằng sông Hồng là 13,20%
Đối với các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận Nếu mực nước biển dâng 80 cm, khoảng 1,21% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có nguy cơ ngập. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế có nguy cơ ngập cao nhất (4,51%). Nếu mực nước biển dâng 100 cm, toàn khu vực ven biển miền Trung nguy cơ ngập khoảng 1,53% diện tích. Thừa Thiên Huế là tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất khoảng 5,49%.
Đối với thành phố Hồ Chí Minh Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, nếu mực nước biển dâng 80 cm, khoảng 15,21% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập. Nếu mực nước biển dâng 100 cm khoảng 17,15% diện tích Thành phố có nguy cơ bị ngập (Bảng 5.8). Trong đó, quận Bình Tân, quận Thủ Đức có nguy cơ ngập cao nhất, tương ứng 80,35% và 64,47%.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng có thể sẽ khiến gần một nửa ĐBSCL ngập lụt
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập rất cao. Nếu mực nước biển dâng 80 cm, sẽ có khoảng 31,94% diện tích có nguy cơ bị ngập. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Cà Mau (64,42%) và Kiên Giang (66,16%). Nếu mực nước biển dâng 100 cm sẽ có khoảng 47,29% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập, cao nhất là tỉnh Cà Mau khoảng 79,62%.
Nếu mực nước biển dâng 100 cm, các đảo bị tác động mạnh nhất là các đảo có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, như cụm đảo Vân Đồn với 5.592 ha có nguy cơ ngập, cụm đảo Côn Đảo (692 ha) và Phú Quốc (1.271 ha). Một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa có diện tích ngập không đáng kể, trung tâm Trường Sa (Trường Sa lớn) có diện tích ngập là 1,16 ha. Cụm đảo Hoàng Sa diện tích ngập lớn hơn, nhất là các cụm đảo Lưỡi Liềm (2.623 ha) và Tri Tôn (66,7 ha).
Theo các nhà khoa học, nguy cơ ngập vì nước nước biến dâng do biến đổi khí hậu sẽ có thể gia tăng do cộng hưởng của các yếu tố khác như nâng hạ địa chất, thay đổi địa hình, sụt lún, thủy triều, nước dâng do bão. Trong đó, đặc biệt là hiện tượng sụt lún đất đang diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh với nền địa hình thấp nhất trên cả nước, do 2 nhóm nguyên nhân chính. Nguyên nhân tự nhiên như dịch chuyển các mảng kiến tạo, quá trình nén chặt của các lớp trầm tích trẻ, hoạt động tân kiến tạo. Nguyên nhân do con người như khai thác nước ngầm quá mức, đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu, rung động do hoạt động giao thông.