26/04/2021 Từ viết tắt Đọc bài viết

Tây Nguyên chủ động ứng phó hạn hán

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại khu vực Tây Nguyên sẽ diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4/2021, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ. Trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước quan trắc thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Do đó, các địa phương cần chủ động phương án ứng phó, đảm bảo nguồn nước sản xuất và sinh hoạt.

Nguy cơ thiếu nước rất cao

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, do mùa khô kéo dài nên nguy cơ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt ở địa phương là rất cao. Hiện nhiều hồ thủy lợi ở các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng rơi vào tình trạng bị bồi lấp, giảm dung tích. Tính đến đầu tháng 3/2021, mực nước tại các hồ của thành phố Đà Lạt như: Cầu Cháy, Lộc Quý, Tà Nung, Đa Quý đều xuống thấp, không thể đảm bảo đủ nước tưới nếu mùa khô kéo dài.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng ghi nhận lượng nước ở các công trình này xuống thấp và nhiều khả năng khoảng 160ha đất nông nghiệp sẽ thiếu nước tưới, 200 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, mùa khô hạn kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng sản xuất nông nghiệp tại huyện Lâm Hà. Hiện nay, huyện này có khoảng 3.000ha đất sản xuất cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới.

Còn tại Đắk Lắk, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 627.031 ha, đất lâm nghiệp 519.721 ha, toàn tỉnh có khoảng 668.000 ha cây trồng các loại, trong đó cây hàng năm khoảng 327.000 ha, cây lâu năm 341.000 ha. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, đặc biệt trong mùa khô hàng năm.

Nắng hạn gây thiệt hại lớn với cây lúa, cà phê, hồ tiêu… Từ năm 2015 đến năm 2020, có khoảng 260.000 ha cây trồng các loại bị hạn, với gần 30.000 ha bị mất trắng, thiệt hại ước tính 6.500 tỷ đồng. Những năm xảy ra hán hán nghiêm trọng như: Năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 80.000 ha cây trồng các loại bị hạn, trong đó khoảng 16.000 ha bị mất trắng, thiệt hại ước tính 2.200 tỷ đồng; năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 109.000 ha cây trồng bị hạn, trong đó khoảng 8.700 ha mất trắng, thiệt hại ước tính 3.000 tỷ đồng.

Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu thì diện tích cây trồng phát triển nhanh, hệ thống công trình thủy lợi chưa đáp ứng kịp nhu cầu phục vụ sản xuất, diện tích rừng bị thu hẹp là những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ nửa cuối tháng 2 đến tháng 4/2021, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần. Lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15-50%.

Từ tháng 5 đến tháng 8/2021, trên các sông ở Bắc Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt dao động và lũ nhỏ; mực nước trên các sông khác có dao động. Lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20-50%, một số sông thấp hơn 60%.

Nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên vào khoảng thời gian từ tháng 3, 4/2021, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ. Trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước quan trắc thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ.

Thiếu nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất cây trồng tại Tây Nguyên. Ảnh minh họa: VGP/Thế Phong

Dự báo sớm, chủ động giải pháp

Đài KTTV tỉnh Lâm Đồng nhận định, mùa khô năm 2021 sẽ có lượng mưa ở mức bằng và cao hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng xuất hiện mưa trái mùa kèm theo các hiện tượng nguy hiểm như dông, lốc vào các tháng 3,4 và 5. Thời kỳ từ cuối tháng 12/2020 đến giữa tháng 6/2021, lưu lượng dòng chảy trên sông La Ngà sẽ giảm và đạt mức 95%-98% so với trung bình nhiều năm, lưu lượng trên sông Cam Ly sẽ tăng lên và đạt mức 120 đến 140% so với trung bình nhiều năm.

Theo đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên. Hiện tượng El Nino gây hạn hán kéo dài làm giảm 20-25% lượng mưa từ đó làm thiếu nước trầm trọng ở khu vực Tây Nguyên. Biến đổi khí hậu làm giảm dòng chảy trên các dòng sông từ đó làm thiếu nước tưới cho cây trồng, nhất là cây cà phê.

Để ứng phó với thời tiết khô hạn kéo dài, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã lên nhiều phương án. Trong đó bao gồm bố trí tái cơ cấu sản xuất cây trồng, tập trung phát triển các loại cây trồng chịu hạn. Đồng thời tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tăng cường hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm. Ngành nông nghiệp địa phương cũng lên phương án ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước phục vụ chăn nuôi gia súc và ưu tiên tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao khi khô hạn kéo dài.

Tại Đắk Lắk, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Mai Trọng Dũng cho biết, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai nhiều phương án phòng hạn như đắp đập tạm giữ nước, nâng cao ngưỡng tràn để tăng dung tích trữ đối với các hồ chứa, nạo vét kênh dẫn, lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm nước những vùng dễ bị khô kiệt, còn nước ao hồ, đập trữ lại dùng sau; khi hạn xảy ra thì ưu tiên nước cho sinh hoạt, gia súc gia cầm, cây cà phê, hồ tiêu có giá trị cao.

Theo ông Mai Trọng Dũng, về lâu dài, cần tiếp tục đầu tư các dự án trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn. Tiếp tục đầu tư xây dựng, đẩy nhanh các tiến độ các công trình thủy lợi lớn trọng điểm; nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ nhằm đáp ứng đủ nguồn nước vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện nguồn nước. Xây dựng chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm. Đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với nhu cầu dùng nước, tính chất đất đai theo Chỉ thị 04 của Tỉnh ủy Đắk Lắk. Nếu thực hiện được đồng bộ các giải pháp đó tôi tin rằng Đắk Lắk sẽ giảm thiểu hạn hán hằng năm.

Thanh Tùng

 MonrePortal.CMS - Block_TinTucLienQuan

 Content Editor ‭[7]‬