UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 271/QĐ-UBND, về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, nhằm đưa Sơn La thành địa phương có chỉ số chất lượng môi trường không khí luôn đạt mức tốt.
Chất lượng môi trường không khí duy trì ổn định
Theo UBND tỉnh, những năm qua, Sơn La đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn về quản lý chất lượng môi trường không khí. Kết hợp với việc đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về quản lý chất lượng môi trường không khí đến cán bộ quản lý môi trường các cấp, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường không khí, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường không khí.
Đồng thời, yêu cầu các huyện, thành phố rà soát, xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí phù hợp thực tiễn địa phương. Thường xuyên đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.
Duy trì quan trắc chất lượng môi trường tỉnh hàng năm. Qua kết quả quan trắc, cho thấy: Chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh nhìn chung ở mức ổn định, đa số các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hiện hành. Một số thông số như bụi và tiếng ồn vượt QCVN tập trung phần lớn tại khu vực ngã ba, ngã tư, nơi giao nhau của các trục đường chính, bến xe, chợ, bệnh viện, cơ sở công nghiệp và một số nơi diễn ra các hoạt động thi công xây dựng lớn.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng môi trường không khí, thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Sở TN&MT đã tham mưu xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ TN&MT, được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 271/QĐ-UBND, ngày 12/2/2025.
Kế hoạch đã tập trung đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí từ nguồn dữ liệu quan trắc; thực hiện kiểm kê phát thải để xác định các nguồn thải chính; đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ cộng đồng; đánh giá hiện trạng công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; phân tích, nhận định nguyên nhân ô nhiễm môi trường không khí; tổng hợp kết quả, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí, hiện trạng công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí…
Nhiều giải pháp trọng tâm
Theo kế hoạch, Sơn La đề ra mục tiêu, 100% cơ sở sản xuất công nghiệp phát sinh bụi và khí thải được kiểm soát, xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ phải thực hiện đầu tư, lắp đặt và kết nối dữ liệu theo quy định; không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng.
Đồng thời, xoá bỏ 100% các loại xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh trong khu vực đô thị; đẩy nhanh phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Kiểm soát tốt nguồn diện với 100% khu vực khai thác khoáng sản phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác. Giảm tỷ lệ xử lý chất thải rắn bằng hình thức chôn lấp, giảm tỷ lệ đốt phế thải nông nghiệp sau thu hoạch. Nâng cao hiệu quả kiểm soát bụi và khí thải từ hoạt động dân sinh và xây dựng; 100% các trang trại chăn nuôi có giải pháp xử lý chất thải rắn.
Kế hoạch sẽ được thực hiện trên toàn tỉnh, trước mắt, ưu tiên nguồn lực, tập trung vào một số nguồn thải chính, như: Khu vực đô thị thuộc thành phố Sơn La, thị xã Mộc Châu và các huyện Phù Yên, Mai Sơn, Thuận Châu cần ưu tiên giảm thiểu nguồn ô nhiễm từ hoạt động giao thông cơ giới đường bộ, vận tải phục vụ dân sinh và xây dựng.
Tại khu vực nông thôn, kiểm soát mùi và khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi tập trung tại các huyện Mai Sơn, Mường La, Bắc Yên, Vân Hồ, thị xã Mộc Châu; giảm dần tỷ lệ dùng than, gas trong sinh hoạt hộ gia đình. Với các khu, cụm công nghiệp, tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại các nhà máy, cơ sở có tải lượng xả thải lớn; triển khai các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông, vận tải…
Kế hoạch cũng đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm không khí, gồm: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục; dừng ngay hoạt động xả khí thải với các cơ sở không tuân thủ theo quy định và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, phát sinh lưu lượng khí thải lớn; áp dụng cơ chế thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm; đẩy mạnh phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan thanh tra và lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường.
Không thu hút đầu tư, mở rộng quy mô các cơ sở thuộc nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có lưu lượng khí thải phát sinh từ 100.000 m3/giờ trở lên trong khu đô thị, khu dân cư, ngoài khu/cụm công nghiệp; các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng lò đốt có công suất dưới 300kg/giờ.
Có lộ trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị vào các khu, cụm công nghiệp. Cải thiện hiệu quả kiểm soát chất lượng khí thải tại các cơ sở sản xuất theo công nghệ cũ, lạc hậu có phát sinh bụi, khí thải lớn thông qua việc lập kế hoạch thực hiện đầu tư, đổi mới cải tiến công nghệ sản xuất và xử lý khí thải, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật về khí thải trước khi thải ra môi trường.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ được duyệt, tiến tới số hóa dữ liệu quan trắc và nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí xung quanh. Rà soát, cập nhật mạng lưới quan trắc phù hợp với kế hoạch phát triển KT-XH địa phương; đầu tư ít nhất 1 trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn tỉnh gắn với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Nguyễn Nga