Từ tháng 2/2025, nhiều chính sách mới của ngành tài nguyên và môi trường có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; Bộ chỉ số và việc đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Kỹ thuật vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia; Kỹ thuật về quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn
Nghị định số 155/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn có hiệu lực từ ngày 1/2/2025. Theo đó, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn gồm: Vi phạm quy định về giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn; Vi phạm quy định về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Vi phạm quy định về truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Vi phạm quy định về quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; Vi phạm quy định về cung cấp, khai thác, sử dụng, trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn.
Trong khi đó, hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực khí tượng thủy văn mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.
Hành vi vi phạm quy định về sử dụng, kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn thì xử phạt theo quy định của pháp luật về đo lường.
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn đối với cơ quan báo chí được thực hiện theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm có liên quan tới hoạt động khí tượng trong lĩnh vực hàng không dân dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Trường hợp hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động khí tượng trong lĩnh vực hàng không dân dụng mà pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng chưa quy định thì áp dụng theo quy định tại Nghị định này để xử phạt.
Theo Nghị định số 155/2024/NĐ-CP, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
Hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ 1 tháng đến 12 tháng; Tịch thu tang vật, phương tiện đã sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Bộ chỉ số kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo
Từ ngày 14/2/2025, Thông tư số 52/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết bộ chỉ số và việc đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, Bộ chỉ số đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được cấu trúc thành hai nhóm: Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường biển và hải đảo.
Các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo gồm:
Năng lực quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo: Hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo đối với các tổ chức, cá nhân; Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo;
Bảo vệ chất lượng môi trường biển, hải đảo: Điều tra, thống kê, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo; Quản lý chất thải nguy hại và chất thải rắn thông thường các khu vực ven biển;
Bảo vệ hệ sinh thái biển, hải đảo: Phòng ngừa, phát hiện, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái các hệ sinh thái biển và hải đảo; Cải thiện và phục hồi các hệ sinh thái biển và hải đạo bị ô nhiễm và suy thoái; Bảo vệ và phát triển các khu vực rừng ngập mặn, rừng trồng, rừng phòng hộ ven biển.
Cũng theo Thông tư số 52/2024/TT-BTNMT, việc đánh giá kết quả kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được thực hiện bằng hình thức tính điểm đối với các chỉ số của Bộ chỉ số.
Tổng điểm đánh giá của các chỉ số được sử dụng để tính Chỉ số đánh giá kết quả kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, viết tắt là MEPCI.
Quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn
Cũng từ 14/2/2025, quy định kỹ thuật về quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn theo Thông tư số 47/2024/TT-BTNMT sẽ có hiệu lực.
Theo đó, các yếu tố đo trực tiếp gồm: Độ mặn, độ sâu và nhiệt độ nước.
Các yếu tố đo trực tiếp hoặc thu thập thông tin gồm: Mực nước; lượng mưa; quan sát hiện tượng thời tiết (mưa, nắng, gió); Thu thập các thông tin về vị trí, đặc điểm đoạn sông (bồi xói lòng sông, các nguồn xả thải hai bên bờ sông), tình hình xâm nhập mặn các năm trước đây.
Vị trí quan trắc mặn tự động là tại giữa dòng chảy nếu có thể gắn thiết bị vào các công trình cố định trên sông; gần bờ nếu đã có công trình cố định hoặc công trình được xây dựng độc lập; Đồng thời đảm bảo đầu đo phải thấp hơn mực nước thấp nhất (trong lịch sử đã xuất hiện) vào mùa kiệt tối thiểu 20cm và không bị bùn cát bồi lấp.
Từ vị trí quan trắc đã lựa chọn, lắp đặt đầu đo mặn ngập trong nước nhưng phải cách ít nhất 10cm từ bề mặt nước và ít nhất 15cm từ đáy nước, có tính tới đảm bảo việc đo đạc trong mùa kiệt.
Chế độ quan trắc tự động liên tục 24/24 giờ, tần suất truyền dữ liệu tối thiểu 10 phút/lần.
Vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám Quốc gia
Từ ngày 18/2/2025, Thông tư số 41/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia bắt đầu có hiệu lực.
Thông tư này quy định kỹ thuật vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia, bao gồm việc quản trị, tích hợp, duy trì dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin, kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia.
Tích hợp dữ liệu viễn thám vào cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia là quá trình đồng bộ các dữ liệu đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia dựa trên các kết quả giao nộp từ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh về đơn vị vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia.
Thông tư quy định rõ, các dữ liệu ảnh viễn thám được thu nhận tại trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia, dữ liệu ảnh viễn thám mua từ nguồn ngân sách nhà nước, siêu dữ liệu viễn thám tập hợp từ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh và sản phẩm viễn thám phải đảm bảo đã được kiểm tra, nghiệm thu theo quy định trước khi tích hợp vào cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia.
Cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia phải đảm bảo an toàn thông tin mạng tối thiểu cấp độ 3. Và, kết nối, chia sẻ dữ liệu siêu dữ liệu viễn thám quốc gia: Dữ liệu siêu dữ liệu viễn thám quốc gia được kết nối, chia sẻ liên tục thông qua môi trường mạng theo hình thức mặc định và không hạn chế với người dùng.