Trong năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quy chế công tác pháp chế của Bộ, quy định toàn diện quy trình thực hiện công tác pháp chế của Bộ, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả, khoa học trên cơ sở quy định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các đơn vị trực thuộc Bộ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Khối lượng văn bản xây dựng lớn nhất từ trước đến nay
Theo báo cáo của Vụ Pháp chế, trong năm 2024, khối lượng công việc về xây dựng pháp luật của Bộ là lớn nhất từ trước đến nay, với 70 văn bản. Trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng và cấp bách về tiến độ. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban cán sự đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ và sự cố gắng, nỗ lực rất cao các đơn vị được giao chủ trì và sự tham gia tích cực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị có liên quan nên tiến độ xây dựng văn bản của Bộ cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Tính đến cuối năm 2024, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 3 luật (Luật Đất đai 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Địa chất và Khoáng sản) và 2 Nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực đất đai.
Cùng với đó, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành đầy đủ 6 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 5 Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024; trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 3 Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước 2023 để bảo đảm triển khai thi hành đồng bộ cùng với Luật Đất đai 2024.
Bộ đã nỗ lực tham mưu Chính phủ, Quốc hội đẩy hiệu lực của Luật Đất đai trước 5 tháng so với kế hoạch; Hoàn thành trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền toàn bộ văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, không nợ đọng văn bản.
Hơn nữa, với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc để khơi thông nguồn lực cho phát triển, Bộ cũng đã tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi nhiều văn bản thuộc lĩnh vực môi trường, khoáng sản, tài nguyên môi trường biển và hải đảo.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật trước bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và trong bối cảnh tổ chức bộ máy mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; Tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và đối thoại chính sách trong xây dựng và thực thi pháp luật; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và học tập kinh nghiệm quốc tế.
Trong đó, Bộ sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ các cấp và chỉ đạo, kiểm tra, của Lãnh đạo Bộ đối với công tác xây dựng pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật; cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao chủ trì xây dựng VBQPPL nào thì chịu trách nhiệm về tiến độ, nội dung, tính hợp pháp của văn bản đó.
Đồng thời, kiện toàn, tăng cường nguồn nhân lực cho tổ chức pháp chế trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tăng cường nguồn nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế và có cơ chế huy động trí tuệ, chất xám của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý.
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và đổi mới các phương pháp, hình thức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân; chú trọng việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân, nhất là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật. Nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thực chất các ý kiến góp ý để nâng cao chất lượng và tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật tài nguyên và môi trường; chú trọng việc nội luật hóa những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên bảo đảm sự tương thích của pháp luật tài nguyên và môi trường với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ quốc tế; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật; Tích cực đề xuất xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề, xu hướng mới, nhất là các vấn đề liên quan đến cách mạng 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,… trong quản lý tài nguyên và môi trường, tạo đột phá phát triển đất nước.