Từ một vùng núi đói nghèo do thường xuyên bị mất mùa, thiên tai, Trấn Yên giờ đây là lá cờ đầu của Tây Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao và Nông thôn mới kiểu mẫu.
Mũi nhọn đột phá góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc” được Trấn Yên xác định là phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, hữu cơ.
Hiểu đất hiểu người, dám nghĩ dám làm, đi trước đón đầu, đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân dân… trái ngọt hạnh phúc gieo trên mảnh đất nông nghiệp xanh đang hiện hữu ở Trấn Yên, nhìn thấy được, chạm vào được, cầm nắm được.
Trở lại Việt Thành (Trấn Yên) ngày đầu đông, khi những vuông kén gần như cuối cùng đang được người nông dân chuẩn bị chuyển về Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái và lứa tằm vét của HTX Hạnh Lê cũng vừa kết thúc 24 tiếng ngủ 4, chuẩn bị dậy 5, chứng kiến nụ cười hồn hậu của người nông dân, có cảm giác như gần 3 tháng trước, cơn lũ lịch sử chưa từng quét qua đây.
Mặc dù đang hối hả chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao lịch sử sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình theo lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhưng Chủ tịch UBND xã Việt Thành Nguyễn Thị Tuyết Nga vẫn sắp xếp công việc và dành thời gian hiếm hoi trực tiếp đi cơ sở cùng chúng tôi. Đi cơ sở là công việc quen thuộc, nằm lòng đã được xây dựng thành phong cách lãnh đạo, văn hóa lãnh đạo trong đội ngũ cán bộ, đảng viên từ cấp tỉnh đến xã, thôn từ nhiều năm nay, đúng như những gì mà chủ nhân HTX Hạnh Lê nói với chúng tôi: “Ở đây cán bộ đi cơ sở như về nhà còn người dân chúng em đón cán bộ không khác gì đón người thân, cán bộ xã hay cán bộ cấp trên cũng đều tình cảm thế. Cũng nhờ các cán bộ truyền cảm hứng và định hướng mà em có được cơ ngơi dâu tằm như ngày hôm nay”.
Về Trấn Yên, Việt Thành mà không nói về con tằm cây dâu thì thật là chưa hiểu Trấn Yên. Nếu mở rộng tầm bao quát, người dân Việt Thành nói riêng, người dân Trấn Yên nói chung vẫn tự hào Trấn Yên đang là thủ phủ vùng dâu nuôi tằm lớn nhất, chất lượng nhất vùng Tây Bắc Việt Nam, thậm chí là trên cả nước. Cây dâu là cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp xanh, hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững huyện Trấn Yên; còn riêng với Việt Thành, cây dâu từ chỗ là cây xóa đói giảm nghèo, giờ đang soán ngôi nữ hoàng phát triển xanh, là cây mũi nhọn, chủ lực của chủ lực.
Xã Việt Thành hiện có tổng diện tích 223ha dâu với 300 hộ nuôi tằm và 3 hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm, tham gia vào chuỗi sản xuất trồng dâu, nuôi tằm ươm tơ mà điển hình như HTX Hạnh Lê. Với 56 thành viên, 2,5ha diện tích trồng dâu, 150m2 làm cơ sở nuôi tằm con, hàng năm cung ứng bình quân trên 2.000 vòng tằm cho các hộ nuôi tằm lớn ở các địa phương lân cận, HTX Hạnh Lê đang đảm bảo thu nhập bình quân đầu người cho các thành viên HTX trên 300 triệu đồng/năm/ha.
Thêm một lần khẳng định tính đúng đắn trong phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm của Yên Bái nói chung và Trấn Yên nói riêng, không phải vô cớ mà ông Nguyễn Văn Hà - Thôn Lan Đình, xã Việt Thành chia sẻ rằng hiện các con ông bà đang đi làm ăn xa nhưng tới đây, ông bà định hướng cho 2 con về giữ nghề truyền thống của gia đình vì theo ông Hà, trồng dâu nuôi tằm không phải đầu tư vốn liếng lớn và đổ quá nhiều tâm sức trong khi thu nhập lại cao hơn, ổn định hơn. “Ơn may là chúng tôi được các bác trên tỉnh trên huyện rồi cán bộ xã quan tâm, được HTX hỗ trợ từ những ngày đầu tiên nên đến nay gia đình có được cả cơ ngơi khang trang. Chẳng phải đi đâu xa, cứ làm giàu trên mảnh đất quê hương là ấm êm, an toàn nhất”.
Giờ đây diện tích đất sản xuất của Việt Thành cơ bản là trồng dâu, được quy hoạch bài bản lớp lang, phát triển thành cánh đồng mẫu lớn. Còn trên địa bàn huyện nói chung, mô hình HTX trồng dâu nuôi tằm đang được nhân lên và những diện tích cánh đồng dâu đang được mở rộng hơn trong chiến lược phát triển nông nghiệp xanh của huyện Trấn Yên.
Không chỉ Việt Thành mà đã lan rộng ra, từ các xã vùng bờ bãi ven sông Hồng như Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Hòa Cuông, Y Can, Quy Mông, đến những xã vùng sâu, vùng cao như Việt Hồng, Hưng Khánh, Hồng Ca...; không chỉ có một chị Lê, ông Hà mà có hàng trăm hàng nghìn những hộ trồng dâu nuôi tằm từ đói nghèo giờ đã trở thành chủ nhân của ấm no. “Mươi năm trở lại đây, từ con tằm cây dâu mà đời sống người dân và diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay. Âu cũng nhờ có những cơ ngơi cao tầng khang trang này mà cơn lũ vừa rồi bà con có chỗ tránh trú an toàn hơn”.
“
Hơn 1.000ha là tổng diện tích dâu của huyện Trấn Yên; Sản lượng kén tằm đạt 1.500 tấn/năm, giá trị thu nhập gần 300 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 25 cơ sở nuôi tằm con tập trung và 1.600 hộ nuôi tằm lớn; đã thành lập được 15 HTX, trên 100 tổ hợp tác với hơn 1.100 thành viên. Ngoài ra, trên địa bàn đã xây dựng 12 chuỗi liên kết giữa các HTX với Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái để sản xuất, thu mua sản phẩm kén tằm, ươm tơ.
Riêng Nhà máy ươm tơ của Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái với 4 giàn máy công suất ươm tơ 2.500kg kén/ngày. Sản phẩm tơ tằm sau chế biến được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Năm 2023, Công ty có doanh thu hơn 4 triệu USD. Hiện nay, Công ty tạo việc làm tại chỗ cho hơn 180 lao động với mức thu nhập bình quân 6 -12 triệu đồng/người/tháng.
Nói như ông Thành thì cây dâu đóng vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc níu chân những người con nơi đây gắn bó với quê hương, trụ vững trước thiên tai vì đã có sự hậu thuẫn trong đầu tư hạ tầng cơ sở mang lại từ cây dâu. Nhưng, từ góc nhìn khoa học, trực tiếp hơn, thông qua cuộc trò chuyện với Phó Bí thư huyện ủy Trần Ngọc Thư, thì cây dâu không chỉ là đại sứ của ấm no mà còn sứ giả xanh trong hành trình phát triển nông nghiệp xanh bền vững, ứng phó hiệu quả trước biến đổi khí hậu, thiên tai.
Chứng kiến quá trình từ thời điểm khó khăn nhất, khi cánh đồng Việt Thành những ngày đầu tháng 9 sau hoàn lưu bão số 3 và trở lại hôm nay mới thấy sức sống vô cùng mãnh liệt của cây dâu. Trong khi nhiều loại hoa màu bị úng gốc thối rễ thì cây dâu vẫn trụ vững bền bỉ sau những ngày ngập sâu trong bùn nước. Lũ qua, nước rút, chỉ vài ngày sau khi bà con được hướng dẫn ngắt lá, đốn phớt ngọn và triển khai các biện pháp chăm sóc, cây dâu đã bật mầm mới, và ngay trong tháng 10, đã cho lá phục vụ nhà tằm. Ngược lại, những ngày khô hạn, so với nhiều loài cây trồng khác, dâu vẫn là cây khẳng định được sức bền.
Người dân Việt Thành vẫn nói với nhau rằng, không hiểu có phải vì con tằm và cây dâu ưa sạch hay không mà tỷ lệ bệnh về đường hô hấp và bệnh hiểm nghèo ở các vùng trồng dâu nuôi tằm là rất thấp. Để có một kết luận chính xác phải cần đến các chuyên gia, nhưng rõ ràng, tằm là loại rất nhạy cảm nếu điều kiện sống, chăm sóc không bảo đảm dinh dưỡng và vệ sinh. Một tấm phủ nếu tẩm thuốc muỗi dù đã qua vài lần giặt cũng có thể gây ngộ độc cho tằm, hay những mùi lạ trong nhà như sơn cửa sắt, vécni đều ảnh hưởng. Để đảm bảo con tằm sống được, phát triển và cho chất lượng tơ tốt, dâu cho tằm ăn cũng phải rất sạch, không thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất can thiệp vào cây dâu.
Và không chỉ mang đến ấm no, con tằm cây dâu còn tạo ra một môi trường sống trong lành thanh khiết, một nếp sống, nếp lao động kỷ luật, một thái độ sống và sinh hoạt sản xuất tử tế với đất đai, thiên nhiên. Gây dựng cho người dân Trấn Yên nói chung và Việt Thành nói riêng nghề trồng dâu, các đồng chí lãnh đạo các cấp của tỉnh Yên Bái đã có những bước đi dài hơi mang tính tầm nhìn không chỉ vì mục tiêu kinh tế mà còn phát triển trong yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Bởi giá trị kinh tế, môi trường và tính bền vững trước thiên nhiên nên việc nhiều gia đình mong muốn các con các cháu của mình không phải đi đâu xa, chỉ cần gắn bó với quê hương, giữ lấy nghề trồng dâu nuôi tằm đã an yên no ấm. Vô hình dung, cây dâu Trấn Yên, Việt Thành còn là sứ giả bảo vệ làng nghề truyền thống và văn hóa làng nghề. Những giá trị của làng cũng vì thế được lưu truyền, con người cố kết với nhau hơn, vì nhau hơn, sống chậm hơn, trông sang hàng xóm để tránh sửa nhà sửa cửa lớn vào mùa tằm, ngóng lúc nông nhàn mới sử dụng đến việc phun sơn cửa giả, hoặc vì gấp gáp có chăng thì cũng nói với nhau một câu để nhà tằm đóng kín cửa, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng con tằm.
Trên cánh đồng dâu đã được quy hoạch lớp lang nhưng nhà nọ vẫn nhìn nhà kia mà cùng bảo nhau làm lụng, chăm bón sao cho hợp lý. Hàng xóm với hàng xóm chung vai sát cánh, dân với cán bộ, cán bộ với dân chung lòng, chung ý chí, ân nghĩa ân tình.
Chỉ riêng cái việc HTX chia quy trình nuôi tằm thành 2 giai đoạn tằm lớn, tằm con cũng đã thấy tinh thần tập thể vì cá nhân. Bởi câu ca dao “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” dường như đối với các gia đình nuôi tằm lớn đã không còn đúng nữa, 10 ngày chăm tằm lớn, cộng với khoảng 5 ngày đợi kén. 15 ngày cho thu hoạch, tiền về tay mà không phải chăm bẵm, thức từng giờ bên nong tằm đã là một thứ hạnh phúc không dễ nơi nào có được. Đó là chưa kể những khay trượt hay kén gỗ đã hỗ trợ rất nhiều cho sức người. Tất nhiên, người thức chăm tằm con như con mọn là HTX nhưng không ai kêu ca. Nói như Giám đốc Nguyễn Thị Hồng Lê, “nếu các thành viên HTX vui, tích cực làm việc thì chúng em vất vả thế nào cũng chịu được”.
“
Ở đây đang thực hiện nuôi tằm 2 giai đoạn. “Nuôi tằm giai đoạn 1 là từ khi bắt đầu tằm nở đến hết tuổi 3, giai đoạn này nhà tằm con sẽ chịu trách nhiệm về kỹ thuật. Đây là giai đoạn quan trọng nhất, mình phải quan tâm đến con tằm, chăm sóc nó như một đứa trẻ, để mắt từng phút từng giờ, chỉ có thể chú ý đến con tằm chứ không thể một lúc làm 2-3 việc khác nhau. Từ tuổi bắt đầu tằm nở đến hết tuổi ngủ 3, dậy 4 thì nhà tằm con sẽ đảm nhiệm. Sau đấy, khi tằm dậy ăn 4 là sẽ giao cho thành viên Hợp tác xã”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lê - Giám đốc HTX Hạnh Lê
Người cho Hồng Lê động lực khởi nghiệp trồng dâu nuôi tằm, gây dựng HTX Hạnh Lê và miệt mài làm việc, không ai khác, là đồng chí Đỗ Đức Duy, từ những ngày là Chủ tịch UBND UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái và bây giờ là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Câu chuyện được Chủ tịch UBND xã Việt Thành Nguyễn Thị Tuyết Nga kể với tôi trong lúc đi trên con đường cách đây gần 3 tháng. "Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khi đó trực tiếp đèo em bằng xe máy đi kiểm tra an toàn đê và khảo sát hiện trường, tìm giải pháp kỹ thuật cứu cánh đồng dâu Việt Thành và gợi mở chính sách đặc thù để tỉnh xem xét hỗ trợ thiệt hại cho bà con nhân dân bị ảnh hưởng sau lũ..." - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Tuyết Nga kể.
Vẹn nguyên trong ký ức của Nguyễn Thị Tuyết Nga hình ảnh người Thủ trưởng vững vàng cầm lái chiếc xe máy đã vẹt cả lốp vì qua mấy ngày chống lũ, chân sục trong bùn dầy 30 40 phân nhưng ánh mắt vô cùng cương nghị. Hình ảnh ấy đã thổi lên trong cô và các cán bộ trong đoàn khảo sát lúc đó một niềm tin sắt đá rằng chắc chắn mọi khó khăn rồi sẽ qua. “Nước vẫn chưa rút, bùn vẫn dày. Em vừa ngồi sau xe vừa tường thuật về cảnh nước lũ tràn đê rồi cảnh đi cứu dân, em khóc và anh Duy cũng lặng đi không nói được gì cả. Từ Nghị quyết 77 của Tỉnh ủy Yên Bái ngay sau đó và sự hành động quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện cùng sự quyết tâm của cán bộ, người dân trong xã, cánh đồng dâu đã được cứu đúng như anh Duy tha thiết mong muốn. HTX và người dân được hỗ trợ mua xe múc để khơi rãnh tiêu nước, hỗ trợ cải tạo đất, mua cây mới trồng lại ở những luống ngập không thể khắc phục, và thật sự là những chiếc xe múc đó đến nay đã giúp người nông dân rất đắc lực trong việc cải tạo đất, khơi rãnh tiêu úng san luống cho dâu. Từ định hướng lớn đến cầm tay chỉ việc cho nông dân, làm cùng nông dân như thế, chúng em thực sự nể phục và yêu mến. Có những người lãnh đạo như thế không chỉ là động lực để chúng em cống hiến mà còn thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn nói riêng”.
Hạnh phúc những tưởng trừu tượng nhưng hóa ra là những điều cụ thể. Cánh đồng dâu xanh tốt, những lứa tằm nong kén đẫy đà, ngôi nhà này, tiếng cười kia, tấm áo mới, bát cơm thơm, con đường rộng mở, trường học, trạm y tế, môi trường trong lành, người dân mạnh khỏe, gắn bó với nghề… và câu chuyện xúc động của người cán bộ xã Nguyễn Thị Tuyết Nga… tất cả đều là những dấu ấn đẹp, những kỳ vọng lớn về một vùng quê đang trên hành trình phát triển bền vững từ thế mạnh nông nghiệp. Vừa rồi có đoàn nông dân Lào về đây tham quan mô hình phát triển kinh tế từ trồng dâu nuôi tằm ở xã. Hỏi về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ: “Nói thật là chúng tôi thấy hạnh phúc, tự hào lắm. Được làm nông dân như thế này thì còn gì sướng vui hơn”.
Bài và ảnh: Việt Hùng - Việt Hải - Thanh Ngà
Video: Đức Việt - Hà Trang
Trình bày: Tùng Quân