Sign In

E-magazine: Lên Trấn Yên chạm tay vào Hạnh phúc. Kỳ 2: Sức bật từ các sản phẩm OCOP

tranyen-yenbai.jpg

50 là con số sản phẩm OCOP tính đến năm 2024 của Trấn Yên trong "Đề án phát triển các sản phẩm OCOP huyện Trấn Yên, giai đoạn 2021 - 2025". Xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP đã tạo sức bật xanh cho nông nghiệp Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đột phá, đi lên, từng bước chiếm lĩnh mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

botruong2.jpg

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của đồng bào các dân tộc huyện Trấn Yên ngày 17/11/2024.

Âu cũng là cơ duyên, khi chuyến công tác không báo trước của chúng tôi gặp đúng thời điểm bận rộn của Trấn Yên thì chính trong sự bận rộn đó, chúng tôi có cơ may được dự Hội nghị đánh giá sản phẩm OCOP năm 2024 trong "Đề án phát triển các sản phẩm OCOP huyện Trấn Yên, giai đoạn 2021 - 2025". Để rồi được rong ruổi về các vùng quê theo đuổi “câu chuyện sản phẩm”, được mắt thấy tai nghe miệng nếm tay sờ đặc sản nông nghiệp - những sản phẩm kích cầu đưa Trấn Yên chạm tay vào thành công trong mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh.

tranyen-yenbai(3).jpg

Giải thích vì sao mỗi xã một sản phẩm nhưng 21 xã lại có những 50 sản phẩm OCOP đến thời điểm hiện nay, bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng NN&PTNT Trấn Yên cho biết: Mỗi xã một sản phẩm không đồng nghĩa 21 xã trên địa bàn Trấn Yên sẽ ứng với 21 sản phẩm, khái niệm “xã” ở đây không nhằm chỉ một cộng đồng dân cư cụ thể phân biệt theo địa giới hành chính, qui mô. Có thể một xã, hoặc nhiều xã, liên xã, liên huyện sản xuất một hoặc nhiều sản phẩm. Còn “Một sản phẩm” dùng để chỉ sản phẩm đặc trưng của một cộng đồng dân cư nào đó tạo ra.

Sản phẩm có thể là hàng hoá hoặc sản phẩm dịch vụ, mang đặc điểm riêng biệt của nơi sản xuất ra nó, giúp mọi người dễ dàng nhận ra nơi sản xuất giữa những sản phẩm cùng loại. Đồng thời, sản phẩm cũng phải mang đầy đủ các yếu tố cấu thành của nó bao gồm phần cốt lõi, bao bì, nhãn mác, tiêu chuẩn, chất lượng, chứng nhận, hướng dẫn sử dụng, chăm sóc khách hàng,...

1a.jpg

Lãnh đạo huyện Trấn Yên cùng đồng bào trải nghiệm các sản phẩm OCOP

dsc_5580.jpg

                                               Niềm vui bên bãi chè xã Bảo Hưng.

Một làng/xã, một cộng đồng dân cư có thể phát triển một hoặc nhiều sản phẩm của mình, nhưng có khi hai hay nhiều “làng/xã” có thể kết hợp với nhau theo kiểu sản xuất dây chuyền (có “làng” chỉ sản xuất bán thành phẩm, làm nguyên liệu cho “làng” khác hoàn chỉnh sản phẩm) để tạo ra một loại sản phẩm, hàng hoá nào đó. Như cộng sen Vân Hội với trà Bảo Hưng để cho ra đời Thanh Liên trà - sản phẩm OCOP chất lượng 4 sao của vùng chè Bảo Hưng là một ví dụ...

Khác với cánh đồng dâu bát ngát Việt Thành mà chúng tôi đã đề cập ở Kỳ 1, cây chè trồng ở Bảo Hưng, Trấn Yên không hoàn toàn liền mạch, khi tập trung trên những quả đồi, khi men theo bờ suối trải dài, lúc quấn vành khăn quanh co ven chân núi.

mau.jpg

Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên

Huyện Trấn Yên có tiềm năng và lợi thế về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã định hình vững chắc được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm chủ lực tạo ra sản phẩm với khối lượng lớn, chất lượng hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Tiêu biểu là các sản phẩm từ dâu tằm, kén, tơ tằm, măng tre Bát Độ, quế, chè chất lượng cao, sản phẩm thịt gia cầm.
Để tiếp tục sản xuất nông nghiệp xanh, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm; xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử, huyện Trấn Yên xác định sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn liên kết chuỗi giá trị, tạo ra khối lượng sản phẩm chủ lực lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; kết nối sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, dịch vụ, công nghiệp chế biến sâu, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu (như Măng Bát Độ, tơ tằm, hướng tới dệt lụa và các sản phẩm sau tơ tằm…).
Bên cạnh ưu tiên đầu tư ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, bền vững để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất…, huyện đồng thời xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực. Trong công tác quản lý và quy hoạch, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu; Triển khai hiệu quả chương trình “mỗi xã một sản phẩm” và Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ưu tiên, hỗ trợ vốn để tạo sức bật cho các tổ chức, địa phương, cá nhân.

Ông Nguyễn Đức Mầu - 
Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên

 

Ông Nguyễn Duy Dũng - cán bộ địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường xã Bảo Hưng đi cùng chúng tôi về vùng chè Bát Tiên (Bảo Hưng) hôm 28/11 cho biết: Nếu chè trên đồi có lợi thế được đón nắng sớm hơn, nhiều hơn thì chè ven bờ suối hoặc dưới chân núi là điểm rơi cuối cùng của chất dinh dưỡng, phù sa. Nhưng dù là ở đâu thì ngoài giá trị kinh tế mang lại từ các sản phẩm OCOP, với hệ rễ phong phú gồm rễ trụ (rễ cọc), rễ bên và rễ hấp thu, quần thể chè nơi đây còn góp phần vào việc thoát nước, giữ đất, hạn chế sạt lở mùa mưa.

Lần đầu tiên về đây, tôi được biết thế nào là trà thức trà ngủ, hay nghe cụm từ “hong chè ngày nắng” từ nhân viên Nhà máy chè Bảo Hưng. Theo mô tả từ nhân viên Đào Thị Thanh Hải thì hong chè trong bóng râm ngày nắng là điều kiện lý tưởng để búp chè từ từ se đi, vừa đủ thời gian ngấu không khí trong, loãng, thanh, cao mà không bị “quá chín” bề mặt do tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời. Bằng cách đó, cánh trà khi pha sẽ nở chậm hơn, hương thơm bền hơn và vị đượm lâu hơn.

mang.jpg

Cây măng Bát độ trên đất Trấn Yên

Không lãng mạn như câu chuyện trà Bảo Hưng, Khánh Hưng, măng Bát Độ ghi điểm bằng câu chuyện rất riêng mà theo lời của người dân Trấn Yên: “Có tiền cũng chưa chắc đã mua được sản phẩm OCOP măng Bát Độ”. Bên lề Hội nghị đánh giá sản phẩm OCOP hôm 28/11, chúng tôi tỉnh cờ được nghe kể, có một “đại gia” trong lần du lịch tới vùng đất Trấn Yên đã “lùng” mua món măng về làm quà cho người thân nhưng ông không tài nào mua được vì sản xuất mới tạm đủ cho Công ty TNHH Yamazaky Việt Nam - Công ty liên doanh với doanh nghiệp Nhật Bản chuyên thu mua và chế biến măng Bát Độ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và một số quốc gia khác.

Chuyện kể gắn với sản phẩm như trên đây không chỉ để kể cho vui mà còn là yếu tố nâng giá trị thương hiệu để các sản phẩm OCOP tiếp tục khẳng định, lan tỏa thương hiệu trong lĩnh vực truyền thông. Trong 50 sản phẩm được đánh giá năm 2024, có những sản phẩm mới manh nha câu chuyện kể nhưng trong nó vốn dĩ đã là một “tác phẩm” hình thành nên từ sự định hướng, chỉ đạo kết hợp với tổ chức, triển khai thực hiện và sản xuất, thu hoạch, đưa ra thị trường.

Có những câu chuyện viết ước mơ ruộng đồng, có những câu chuyện âm vang khát vọng đại ngàn, có những câu chuyện gắn với nghị lực và quyết tâm học chữ, thực hiện bình đẳng giới và khát khao làm lại cuộc đời của người phụ nữ H’Mông Vàng Thị Bầu (thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành)…

vit.jpg

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trấn Yên (trái) trả lời phỏng vấn phóng viên báo TN&MT ngày 29/11/2024

50 sản phẩm là 50 câu chuyện kể khác nhau, hơn thế, nếu nhìn từ góc độ liên kết từng quy trình sản xuất sản phẩm để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh thì có hàng trăm câu chuyện kể mà có những câu chuyện ấp ủ, khởi thủy từ 2023, 2024 và sẽ được thực hiện trong năm 2025 như câu chuyện Sen Việt Hồng ở Chiến khu Vần. Như vậy để thấy việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện đến xã không chỉ tạo sức bật cho nông nghiệp phát triển mà còn là động lực để những người nông dân Trấn Yên khẳng định được giá trị vùng đất và tìm lại được chính mình, khẳng định được giá trị bản thân mình.

1.jpg

Nếu đã từng tham quan những đồi chè phục vụ du lịch sinh thái ở một số địa phương và so sánh với vùng chè ở Trấn Yên sẽ thấy, trừ mùa đốn ở giai đoạn chè ngừng sinh trưởng để ngủ đông, còn thì bề mặt những vạt chè Trấn Yên không bằng chằn chặn vì “chè ở đây chỉ được hái bằng tay nên nhìn bề mặt lô nhô chứ không phẳng như hái máy đâu”. Câu này được Đào Thị Thanh Hải nhấn nhá rõ từng âm thanh như muốn lôi cuốn sự chú ý của người nghe.

Như đọc được suy nghĩ của tôi, cô nói thêm: “Các sảm phẩm từ chè của Bảo Hưng, Đào Thịnh, Hưng Khánh đều là sản phẩm chất lượng cao, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên nên việc hái đại trà là không thể. Hơn thế, thời điểm hái chè cũng được người dân chúng em quan tâm, học hỏi. Thường thì chè sẽ được hái vào ban mai, buổi sáng. Nếu như búp chè buổi sáng cho hương thanh tao thì búp chè hái sang trưa lại cho vị ngọt đượm hơn còn búp trà hái chiều muộn có nhiều vị chát. Cũng vì thế mà cùng bất đắc dĩ người nông dân chúng em mới hái chè vào lúc hoàng hôn hoặc về đêm vì chất lượng chè sẽ giảm đi, cũng còn vì lý do để thời gian cho cây chè nghỉ”.

o.jpg

                                                   Người Trấn Yên tự hào khi là địa phương đầu tiên của cả nước trồng và chăm sóc giúp "sen nở giữa mùa Đông"

z6086804351354_0a6a7ed6b0ea09cbca6ad12caae5b963.jpg

Đầm sen "Chiến khu Vần" xã Việt Hồng những ngày đầu Đông 2024

Riêng chuyện đó, Trấn Yên quả không hổ danh vùng chè chất lượng cao bởi không chỉ thổ nhưỡng, khí hậu là sinh cảnh tuyệt vời của cây chè mà chính thái độ của con người cũng nâng giá trị sản phẩm bằng sự tử tế với thiên nhiên. Sự thành công của 8 sản phẩm chè OCOP có lẽ được cộng thêm từ sự tử tế này.

Cũng như người dân vùng chè, người dân vùng quế yêu đất yêu cây theo một cách riêng. Tiếp chúng tôi trong một chiều mưa - cơn mưa đầu tiên kể từ sau trận mưa lũ do hoàn lưu bão số 3, anh Nguyễn Chí Thuân - Tổ trưởng Tổ hợp tác Màng Ngóc, thôn 7, Đào Thịnh, huyện Trấn Yên tỉ mẩn bẻ từng cuống lá quế cho chúng tôi nhấm nháp để “ấm người lên”, vừa đùa rằng không khí và hơi thở của người dân vùng trồng quế rất đặc biệt vì có mùi thơm. Nói về cây quế, anh như lột xác thành một con người khác sau vẻ ngoài mộc mạc.

ga.jpg

Đàn gà H'Mông nuôi theo tiêu chuẩn OCOP ở xã Minh Quán

Theo anh Thuân, cây quế mang lại giá trị rất lớn cho người nông dân quê anh. Từ cây quế, nhà to mọc lên, con cái được đi học, trưởng thành, người nông dân có thu nhập, xã có sản phẩm OCOP nên cây quế trước đây được xem là cây xóa đói nghèo và là cây chủ lực làm giàu hiện nay ở Đào Thịnh và Trấn Yên. “Khi tham gia chuỗi giá trị về sản xuất quế, chúng tôi tuyệt đối tuân thủ quy trình bảo vệ môi trường của Công ty và HTX Quế Hồi đề ra, đó là sản xuất sản phẩm quế hữu cơ theo đúng tiêu chuẩn, hàng năm đều có chuyên gia đến để kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm. Ở đây chúng tôi không dùng 3 loại đó là phân hóa học, thuốc BVTV hóa học và các loại hóa chất khác có ảnh hưởng đến chất lượng quế. Chúng tôi còn được tuyên truyền về việc tới đây sẽ đưa sản phẩm từ quế xuất khẩu sang thị trường các nước để tăng giá trị kinh tế từ cây quế. Để làm được điều đó thì quế phải được trồng trong khu vực không có phá rừng, kể cả cháy rừng vì bất cứ lý do gì, vì thế mà cây quế được chúng tôi giữ gìn bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được biết về kế hoạch Net Zero của Chính phủ mà cây quế cũng có thể tham gia vào kế hoạch này nên chúng tôi đang mở rộng diện tích trồng quế để hơi thở của cây quế được tham gia vào việc giảm phát thải và xuất ngoại như một số cây khác. Đất rừng của bà con cũng vì thế mà có giá trị hơn”.

Gia đình tôi có nghề trồng chè truyền thống, lâu đời. Trước đây thì gia đình trồng chè cành, chè trung du nhưng sau này có chè chất lượng cao như Bát Tiên, Khúc Vân Tiên, chúng tôi chuyển sang hạ mặt bằng để trồng chè chất lượng cao. Chuyển sang trồng chè chất lượng cao là chính sách của Nhà nước và địa phương hỗ trợ người dân.
Là người lao động, khi mình trồng được một cây chè thơm ngon, mình chăm bón khi cây chè còn bé đến lúc cây chè trưởng thành cho thu hái thì nói thật là rất hạnh phúc như nuôi một đứa con. Cho nên mình phải chăm sóc cây chè bằng cái tâm của mình, mình hái nó bằng hạnh phúc của mình khi mình chạm tay vào nó. Nếu mà nói biết ơn thì thực sự phải biết ơn Đảng và Nhà nước đã cho chúng ta sự bao bọc, bảo vệ thì chúng ta mới làm được tất cả mọi thứ. Khi ta nhận được bất cứ mọi thứ thì đều phải biết ơn. Từ bát cơm mình ăn, từ hạt giống hom cây mình trồng xuống, rồi mình phải biết ơn cả đất đai, biết ơn cả cây chè đã cho mình rất nhiều thứ. Nếu mình không biết ơn thì không bao giờ mình có được niềm vui, hạnh phúc.

Phan Thị Chín – 
Thôn Khe Ngay, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên

 

Nhưng có những giá trị không đo đếm bằng kinh tế, chỉ số môi trường hay chất lượng đất đai… mà được hiện hữu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, đoàn kết dân tộc để tôn lên giá trị con người. Đó là cách Vàng Thị Bầu trong Hội nghị đánh giá sản phẩm OCOP năm 2024 đã tự tin đứng trước hội nghị thuyết minh về sản phẩm “Trang phục nữ người Mông Kiên Thành” (mang thương hiệu Công ty TNHH phát triển Thời đại mới CHU BẦU GIANG) mà cô chính là chủ sở hữu sản phẩm và chủ sở hữu Công ty. Cô gái trẻ chưa đầy 30 tuổi đang ấp ủ ước mơ đi học chữ và đổi đời để mở cánh cửa mới bước ra một chân trời mới. Bầu cho biết: “Trong khi em rất là khó khăn thì các cán bộ nông nghiệp của huyện và cán bộ xã đã chỉ bảo, bảo vệ và động viên em để em hoàn thành ước mơ làm sản phẩm OCOP. Tới đây em muốn đi học để tiếp tục nuôi đứa con tinh thần của mình lớn lên để không phụ công cán bộ và để bố mẹ em và đồng bào Mông tự hào về em”.

2.jpg

Lời của Vàng Thị Bầu hơn cả một sự biết ơn bởi cô nói rằng quá trình gắn bó với những bộ váy áo dân tộc đã cho cô trở thành con người khác, biết quý trọng bản thân, biết ước mơ và dám thực hiện ước mơ, mạnh mẽ hơn để vượt qua mọi khó khăn sóng gió đời tư, “như là cán bộ đã sinh ra em lần thứ hai vậy”.

o(1).jpg

Lãnh đạo huyện Trấn Yên cùng người phụ nữ H’Mông Vàng Thị Bầu (thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành) thẩm định sản phẩm vừa được chấm điểm và đề nghị công nhận đạt chuẩn OCOP ngày 28/11/2024

Có 50 sản phẩm nhưng có hàng trăm câu chuyện kể, cùng với đó là hàng trăm nghĩa cử biết ơn được người dân, cán bộ các cấp ở Trấn Yên chia sẻ bằng nhiều cách, trong nhiều hoàn cảnh rất giản dị, đời thường. Anh Đặng Huy Hoàng - thành viên HTX MQ thôn 7 Minh Quán, Trấn Yên đồng thời là quản lý của HTX MQ vừa khép lại cánh cổng chuồng số 1 với khoảng 8.000 con gà giống đen dài ngày vừa trải lòng: “Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương các ban ngành của tỉnh, của huyện, của xã rất là nhiều vì từ khi chúng tôi thành lập HTX (4/2018) đến nay đã nhận được sự đồng hành của các cấp về định hướng sản xuất và động viên tinh thần, sau đó là ủng hộ về các thủ tục thành lập, hỗ trợ vốn, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, cán bộ môi trường hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường chuồng trại, tái sử dụng phân bón, được liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra 100%; nhất là những năm gần đây chúng tôi được đồng hành hướng dẫn chăn nuôi theo tiêu chuẩn để tham gia vào chuỗi sản xuất liên kết phát triển chăn nuôi và phát triển sản phẩm OCOP của địa phương. Nếu không có chính quyền, các ban ngành và địa phương thì làm gì có sự thành công của chúng tôi hôm nay”.

Chứng kiến niềm vui, niềm hạnh phúc của người dân, ông Lương Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Minh Quán cho biết: “HTX chăn nuôi gà MQ với phương thức chăn nuôi gà hàng hóa đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. HTX đã giải quyết việc làm cho các thành viên, cơ bản người dân có thu nhập ổn định và tương đối cao (mươi mười lăm triệu/tháng), đồng thời HTX còn lôi cuốn theo các hộ liên kết sản xuất. Với mức triển khai như thế này, năm vừa qua, chỉ riêng HTX MQ đã đạt tổng doanh thu 31 tỷ, thu về lợi nhuận cho HTX và các hộ chăn nuôi 1,5 tỷ, còn lại dành tái đầu tư sản xuất. Là người cán bộ đồng hành với người dân, chúng tôi biết ơn sự vất vả của các thành viên HTX nói riêng, các hộ chăn nuôi, sản xuất nói chung, cảm ơn người nông dân và HTX đã chịu thương chịu khó lao động và có cuộc sống, thu nhập ổn định để làm giàu cho gia đình, địa phương và cho chúng tôi yên tâm hơn”.

z6086846261979_f7c570823c45910a01c5c3697b8a89dd.jpg

Bà Nguyễn Thị Minh Lương - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Trấn Yên

Phòng Tài nguyên và Môi trường Trấn Yên đã chủ trì, phối hợp với các phòng ban và các xã, thị trấn trong việc bố trí quỹ đất phục vụ xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với các điểm du lịch; bổ sung các danh mục công trình, dự án sử dụng đất phục vụ Chương trình OCOP vào điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất của huyện đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Đồng thời kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia chương trình OCOP thực hiện tốt công tác xử lý môi trường tại các cơ sở kinh doanh đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định hiện hành;
Phòng cũng tham mưu UBND huyện hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia chương trình OCOP khi có nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật về xử lý môi trường.

Nguyễn Thị Minh Lương -
Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Trấn Yên

 

Có những niềm vui, niềm hạnh phúc hiện hữu để dễ dàng nói với nhau lời biết ơn, kể cả những sự biết ơn tưởng chừng khó nhận ra nhưng đã được người dân Trấn Yên cảm nhận rất cụ thể và biến sự biết ơn đó thành hành động cụ thể, tiêu chí rõ ràng, như dự định của Phó Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh Đoàn Thu Phượng. Chị Phượng cho biết: “Khi xã triển khai vùng trồng, sản xuất quế hữu cơ và phát triển các sản phẩm OCOP từ quế, tôi thấy rằng từ hơi thở của chúng ta đến thiên nhiên, môi trường được bảo vệ trong lành. Hạnh phúc đó rất giản đơn nhưng nếu suy nghĩ mới thấy quý giá vô cùng, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường khắp nơi như hiện nay. Từ việc tham gia chuỗi sản xuất sản phẩm OCOP nói riêng và phát triển nông nghiệp xanh nói chung, chúng tôi tự tin tới đây sẽ tổ chức cho các HTX và bà con thực hiện mở rộng vùng trồng quế hữu cơ, có thể sẽ là tuyệt đối 900/900ha. Chúng tôi mong muốn được đóng góp mạnh mẽ vào công cuộc phát triển nông nghiệp xanh bền vững của huyện và của tỉnh”.

Dìu dắt những ước mơ, nối dài những đam mê, hiện thực hóa những Nghị quyết, chương, trình, kế hoạch hành động, đề án; Nâng niu từng cánh trà ngậm sương, nâng giấc từng vòng tằm, nhẹ tay trước từng búp măng, trân trọng từng giá trị của lao động và sản phẩm từ lao động sản xuất nông nghiệp… đất và người Trấn Yên cứ thế biết ơn nhau. Đất thương người vất vả cho sản vật xanh tươi, người thương đất nên làm giàu cho đất, cán bộ thương dân nên tìm bằng được con đường đi phù hợp nhất, bền vững nhất, dân thương cán bộ nên quyết tâm thực hiện kế hoạch đề ra.

z6086856180473_97e5e913223877c145b4f235f1fbdcb0.jpg

Nhóm phóng viên báo TN&MT và bà chủ hồ sen "Chiến khu Vần" Phạm Thị Anh Tươi chụp ảnh lưu niệm sau chuyến công tác ngày 29/11/2024

Kể cả trong từng ngành, từng lĩnh vực trong nông nghiệp cũng có sự hài hòa, hỗ trợ cộng sinh mà phát triển nông nghiệp tuần hoàn là lời đáp thiết thực nhất. Cây trồng sẽ phải là những cây dưỡng đất, giữ đất, chịu được thời tiết khắc nghiệt; phụ phẩm của chăn nuôi sẽ là phân hữu cơ cho trồng trọt, sản phẩm của trồng trọt sẽ cung cấp nguồn dinh dưỡng cho chăn nuôi...

Và chưa bao giờ như những nhiệm kỳ vừa qua, nông nghiệp trấn Yên có những bước đi đột phá vững vàng như vậy. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP đến thời điểm này là một trong các chiến lược đúng đắn, dài hơi phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của quốc gia.

Chiến lược ấy đã đang và ngày càng khẳng định tầm nhìn của Lãnh đạo tỉnh Yên Bái và các cấp lãnh đạo của Trấn Yên. Họ đã lãnh đạo chỉ huy, đoàn kết chung tay chèo lái con thuyền nông nghiệp bằng trái tim, bằng trí tuệ, bằng khối óc, bằng đam mê... tất cả cùng một mục tiêu đưa con thuyền phát triển nông nghiệp xanh của huyện nhà cập bến bờ thành công để thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng “Phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

ket.jpg

Bài và ảnh: Việt Hùng - Việt Hải - Thanh Ngà 
Video: Đức Việt - Hà Trang
Trình bày: Tùng Quân

footer.jpg