Nhà trường - trường học gắn bó với con người từ thuở tấm bé cho tới lúc trưởng thành, thậm chí, trong cả quãng thời gian dài của một đời người. Riêng trong lĩnh vực môi trường và khoanh gọn lại ở phân loại rác tại nguồn, nhiều chuyên gia môi trường đã chỉ ra rằng, nếu thiếu đi miếng ghép là thành tố nhà trường, hoạt động này không bao giờ trở thành chỉnh thể.
Là nơi xây dựng nền tảng ý thức, giáo dục phẩm cách, điều chỉnh hành vi, hệ thống giáo dục cùng công tác giáo dục đào tạo trong các nhà trường đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành, duy trì hoạt động phân loại rác.
Rất nhiều các tài liệu nghiên cứu xã hội học đều chỉ ra rằng, giáo dục, tuyên truyền và triển khai thường xuyên phân loại rác tại nguồn trong các nhà trường, nhất là với cấp học từ mầm non đến trung học là cách tốt nhất đặt nền móng cho ý thức hệ phân loại rác tại nguồn, xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, điều chỉnh hành vi để từng bước hoàn thiện hình mẫu con người mới văn minh hiện đại.
Cùng với những giá trị lớn lao thì phân loại rác tại nguồn trong các nhà trường còn mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Trước tiên, ở khía cạnh bảo vệ môi trường, khi rác thải được phân loại chính xác, các vật liệu tái chế như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh có thể được tái sử dụng, giảm bớt lượng rác thải ra môi trường, giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm đất, nước, không khí, ngăn chặn các chất độc hại từ rác thải ngấm vào môi trường xung quanh.
Bằng cách tách riêng, xử lý đúng cách, sẽ phần nào ngăn cản sự phát triển vi khuẩn, nấm mốc, côn trùng gây hại, làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm, tạo ra một môi trường sống, học tập an toàn, sạch sẽ cho học sinh, giáo viên.
Phân loại rác trong trường học cũng đồng thời giúp hình thành thói quen tốt cho học sinh. Quá trình tham gia phân loại rác, tái chế rác thải giúp học sinh - sinh viên hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, môi trường sống. Đối với lứa tuổi lớn, việc tái chế rác thải còn kích thích khả năng sáng tạo của học sinh, sinh viên; một mặt giúp học sinh, sinh viên nhận thức được các nội dung sâu xa hơn, mang tính khoa học hơn như giảm phát thải, phát triển xanh, phát triển bền vững…
Để phân loại rác thải trong trường học, theo các thầy cô giáo và các chuyên gia xã hội học, môi trường, đối với mỗi cấp học, lứa tuổi, sẽ có những giải pháp riêng. Tuy nhiên, về cơ bản, hoạt động phân loại đều cần các yếu tố: Giáo dục nâng cao nhận thức thông qua tổ chức các buổi tuyên truyền về tầm quan trọng việc phân loại rác cho cán bộ giáo viên, học sinh, nhân viên; Đưa kiến thức về phân loại, môi trường vào môn học hoặc các buổi ngoại khóa, sinh hoạt cuối tuần của lớp; Chuẩn bị dụng cụ, thiết bị, cơ sở hạ tầng; Hướng dẫn, triển khai phân loại rác; Thu thập ý kiến phản hồi từ học sinh, giáo viên qua quá trình phân loại rác thải để rút kinh nghiệm, điều chỉnh các quy trình, phương pháp; Giám sát, tổng kết khen thưởng cho lớp học hoặc cá nhân; Đưa hoạt động phân loại rác vào chương trình bắt buộc và chấm điểm tiêu chí thi đua…
Trao đổi cụ thể hơn về nội dung này, trong một buổi báo cáo điển hình tiên tiến ngành giáo dục của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cô giáo Lê Thị Hằng đã thuyết phục người nghe bằng những kinh nghiệm cá nhân được áp dụng triển khai hiệu quả tại Trường Mầm non Xuân Phổ, Nghi Xuân. Theo cô Hằng, để thực hành rèn kỹ năng tốt cho trẻ về ý thức bảo vệ môi trường và biết cách phân loại rác, vào đầu năm học, cô đã tham mưu với Ban Giám hiệu (BGH) mua bổ sung thùng rác đủ để phân loại rác theo quy định, thùng rác được trang trí bằng những hình ảnh quen thuộc cho trẻ dễ nhận biết và đặt ở lớp và sân trường giúp trẻ thuận lợi phân loại cũng như bỏ rác vào thùng.
Để làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ giáo viên, nhân viên đặc biệt là các bậc phụ huynh, bản thân cô Hằng luôn gương mẫu và là người luôn đi đầu thực hiện phân loại rác. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động ngoại khóa, vào giờ đón trả trẻ, sinh hoạt tổ chuyên môn, qua các giờ dọn vệ sinh trường lớp, cô luôn nhắc nhở và động viên mọi người cùng thực hiện.
Một trong những điểm nổi bật là cô Hằng đã vận động giáo viên mạnh dạn đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong đó có phân loại rác vào chương trình. Đồng thời, tuyên truyền phân loại rác đến cha mẹ các em thông qua các buổi họp phụ huynh bởi vì “Quan trọng là người lớn (bố mẹ, thầy cô) phải làm mẫu, nêu gương”. Đặc biệt, khuyến khích bố mẹ, cô giáo khen thưởng khi các con làm tốt hoạt động phân loại rác.
Chia sẻ với đồng nghiệp, cô Hằng cho biết: “Có người nói rằng “Dạy học trò biết phân loại rác để người khác bớt nhọc nhằn là làm điều tử tế. Tôi sẽ giáo dục học trò của tôi vì những điều tử tế này. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có một thế hệ tương lai có thái độ, thói quen và cách hành xử văn minh với môi trường”.
Tuy nhiên, ở từng cấp học và độ tuổi, các phương pháp tiến hành phải có sự điều chỉnh để phù hợp hơn. Trong một khảo sát năm 2022, nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, đa số sinh viên nhận thức được tầm quan trọng trong việc phân loại rác thải trong các nhà trường. Giải pháp mà họ bổ sung bao gồm tăng cường chuyển đổi số để tăng hiệu quả phân loại rác; đồng thời, có cơ chế khuyến khích sinh viên nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến những sáng kiến hay, ý tưởng tốt, giải pháp khả thi phục vụ hiệu quả phân loại rác tại nguồn.
Cùng mối quan tâm này, nhiều giáo viên của Trường THPT Cầu Giấy như cô Hồng, cô Như, thầy Hải, cô Vân Anh đều đồng tình với quan điểm cho rằng, xét cả về thời gian, mật độ dân số và góc độ giáo dục, thực hành, nhà trường là một mắt xích rất quan trọng trong việc triển khai thành công hoạt động phân loại rác của toàn xã hội.
Nếu Nhà trường là miếng ghép không thể thiếu trong chỉnh thể chung phân loại rác tại nguồn thì các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường chính là chất xúc tác để biến những ý tưởng, kế hoạch, phong trào, mô hình thành hiện thực và duy trì hiệu quả.
Quay trở lại mô hình "Nhà phân loại rác thân thiện" môi trường, sau khi nhen thành công điểm sáng phân loại rác của Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình), đơn vị tài trợ là Đoàn TNCS HCM TP. Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Urenco tiếp tục triển khai thí điểm ngôi nhà này tại 20 điểm trường khác và đang được triển khai hiệu quả tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.
Đây là công trình ý nghĩa, thể hiện vai trò, trách nhiệm của thành phố, của ngành giáo dục Hà Nội và Công ty Urenco. Ngôi nhà cũng là minh chứng cho nhận định của Chủ tịch Hội đồng thành viên Urenco Nguyễn Hữu Tiến: “Phân loại rác là trách nhiệm không của riêng ai. Và Urenco sẽ thể hiện trách nhiệm này bằng những hành động thế mạnh thiết thực nhất”.
Thế mạnh mà theo như Chủ tịch Hội đồng thành viên Urenco Nguyễn Hữu Tiến đó là trang bị kiến thức phân loại rác tại nguồn và sử dụng “Nhà phân loại rác thân thiện” cho thầy cô và các em học sinh; giải đáp những câu hỏi về cách phân loại rác. Sự chung tay của các cơ quan chức năng đã mang đến rất nhiều “lợi ích kép”. Mỗi học sinh không chỉ là người trực tiếp hành động để giảm thiểu ô nhiễm rác thải mà còn là “đại sứ môi trường” lan tỏa đến gia đình, người thân, bạn bè những hành động đẹp.
Một gương mặt đại diện ngành tái chế không thể không nhắc đến là PRO Việt Nam. Với mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và phân loại rác thải, chương trình “Vệ sĩ môi trường” do PRO Việt Nam thực hiện đã để lại dấu ấn sâu sắc tại 14 điểm trường mầm non và tiểu học ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chuỗi ngoại khóa của chương trình “Vệ sĩ môi trường - Thu gom và tái chế bao bì vỏ hộp sữa” do Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi động đã thu hút sự tham gia sôi nổi của các em học sinh cùng nhiều hoạt động ý nghĩa.
Nhiều học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: các em rất thích các hoạt động trong chương trình, đặc biệt là trò chơi Câu hỏi vệ sĩ xanh ném vòng. Qua trò chơi, em đã học thêm nhiều cách bảo vệ môi trường và mong muốn chia sẻ những kiến thức này với bạn bè và gia đình.
“Vệ sĩ môi trường” đã giúp cho các em học sinh tiếp thu kiến thức một cách thích thú và tự nhiên. Bên cạnh tổ chức các hoạt động vui chơi giáo dục, PRO Việt Nam đồng thời triển khai chuỗi thu gom bao bì vỏ hộp sữa dài hạn cho khoảng 300 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh. Quy trình thu gom và tái chế được thực hiện nghiêm ngặt, từ việc chuyển bao bì đến các trạm thu gom, sau đó đưa đến nhà máy tái chế để xử lý thành nguyên liệu mới.
Trao đổi về ý nghĩa chương trình, bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc vận hành PRO Việt Nam cho rằng, sẽ rất khó khăn nếu chúng ta tách bạch trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, bởi rác là câu chuyện chung, vì vậy, hành trình phát triển bền vững đều có trách nhiệm chung. Trong hành trình ấy, nếu nhà trường là nền tảng trong giáo dục môi trường và phân loại rác tại nguồn thì PRO sẽ là chất xúc tác, là cánh tay nối dài những ước mơ, thúc đẩy công tác giáo dục tuyên truyền trong học đường nói riêng và của đất nước nói chung thành hiện thực.
Mặc dù chưa triển khai đồng loạt trên diện rộng, chất lượng, hiệu quả của từng trường học đang có sự khác nhau, tuy nhiên, ở một số trường học, đã nổi lên những mô hình phân loại rác ấn tượng, hiệu quả, cần nhân rộng.
Điển hình như Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội). Nhiều năm qua, Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường, phân loại rác. Đặc biệt từ năm 2023, với mô hình “Nhà phân loại rác thân thiện”, đã tạo ra một nếp quen phân loại rác trong các em học sinh. Từ các học sinh mới bước chân vào lớp 1 đến các bạn lớp 5 đều tích cực phân loại rác.
“Nhà phân loại rác thân thiện” không chỉ đóng góp vào hoàn thành nhiệm vụ và thành tích hoạt động Đoàn Đội của Trường mà còn tạo ra một nếp sống văn minh, kết nối học sinh với thầy cô, phụ huynh và nhà trường, tạo thành điểm sáng trong hệ thống giáo dục Thủ đô nói chung và quận Ba Đình nói riêng trong hoạt động phân loại rác.
Hay như mô hình Trường học Xanh trên địa bàn TP. Đà Nẵng do Sở TN&MT phối hợp với Sở GD&ĐT Đà Nẵng triển khai tại 20 trường tiểu học, THCS thuộc các quận, huyện Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và Hòa Vang. Với mục tiêu nhằm quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa, tăng cường phân loại rác tại nguồn, bắt đầu từ tháng 7/2023, các trường học triển khai mô hình đã được hỗ trợ khảo sát hiện trạng, đề xuất giải pháp, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện các tiêu chí đánh giá Trường học Xanh gồm: Cơ sở vật chất, chính sách quản lý, giáo dục truyền thông và thực hành xanh.
Các trường đều ban hành quy định về giảm nhựa và phân loại rác, phát động thay thế đồ dùng nhựa một lần trong căng tin, đầu tư hệ thống phân loại rác,…
Nhiều tiết học về giảm thiểu rác thải nhựa được các trường lồng ghép để nâng cao nhận thức cho học sinh. Cùng với đó, hoạt động giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức cho học sinh cũng liên tục được triển khai với nhiều hình thức như tổ chức cuộc thi Rung chuông Xanh, Đổi rác lấy quà, Phiên chợ cũ người mới ta, Đại sứ Xanh, Kế hoạch nhỏ…
Nhiều sáng kiến thực hành xanh được giáo viên và học sinh thực hiện thường xuyên, tạo thành thói quen xanh trong trường học như kiểm kê rác, thu gom vỏ hộp sữa, thu gom pin, ủ phân hữu cơ, phân loại rác trong lớp học,...
Qua 9 tháng triển khai mô hình, các trường đã thu gom, phân loại và tái chế 11,7 tấn rác, trong đó có 0,7 tấn rác thải nhựa. Đã có 1.200 giáo viên được tập huấn cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức về giảm rác thải cho 24.000 học sinh. Các trường đã tổ chức 65 sự kiện và hơn 2.000 tiết học tuyên truyền về giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác, tái sử dụng và tái chế.
Nằm trong các mục tiêu trên, cũng đã nổi lên những gương điển hình, những sáng kiến tốt, ý tưởng hay về phân loại rác.
Trong “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động, cô Võ Thị Thanh Ái - Giáo viên Trường Mầm non Lương Quới, huyện Giồng Trôm vinh dự là một trong 3 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh được biểu dương, khen thưởng với sáng kiến “Một số biện pháp giáo dục trẻ phân loại rác trong trường mầm non”.
Để thực hiện sáng kiến này, cô Thanh Ái đã xây dựng kế hoạch giáo dục trẻ phân loại rác thải thông qua hoạt động học tập để giúp trẻ hiểu rõ hơn về các loại rác thải cũng như tác hại của chúng, đồng thời giúp trẻ hiểu được các mối quan hệ qua lại giữa con người với môi trường.
Trẻ được nghe cô kể chuyện về rác thải, nghe cô đọc thơ về bảo vệ môi trường. Được tự tay tận dụng các loại rác thải tái chế như: vỏ hộp sữa, giấy báo cũ... để cắt, xé dán thành những sản phẩm đẹp, những món đồ chơi phù hợp... Được cô cho chơi trò chơi thể hiện các công việc của người bảo vệ môi trường như: Trồng cây, chăm sóc cây, quét dọn, thu gom rác, phân loại rác. Cô cũng thường xuyên cho trẻ xem tranh, truyện có nội dung bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, phân loại các loại rác thải, sưu tầm tranh ảnh, tô màu tcác bức tranh về môi trường; cho trẻ xây công viên xanh, những khu du lịch, khu nghỉ mát, vườn hoa có trang bị thùng rác 3 ngăn. Thông qua các hoạt động, cô và trẻ cùng trò chuyện, thảo luận thêm về vấn đề rác thải, giáo dục những hành động đúng cho trẻ phát huy.
Sau khi cung cấp kiến thức về rác thải, cô tổ chức cho các bé trò chơi phân loại rác. Cho trẻ thực hành trải nghiệm bằng việc thu gom rác trong khuôn viên sân trường, chia nhóm cho trẻ thi đua phân loại các loại rác vừa nhặt được.
Cô trò đã vừa học vừa chơi, khi hoạt động ngoài trời, khi ở sân trường, thấy vỏ bánh, kẹo, vỏ hộp sữa, lá cây rụng là cùng nhau nhặt bỏ vào đúng ngăn rác quy định. Sau khi ăn cơm xong, trẻ phụ cô thu dọn, những nguyên vật liệu không dùng và rác thải như cơm rơi, vỏ trái cây, vỏ sữa chua,... được trẻ phân loại và bỏ vào thùng rác... Cứ như thế, trẻ được thao tác nhiều lần và tạo thành thói quen trong tất cả các hoạt động. Biện pháp cuối cùng cô thực hiện đó là phối hợp, trao đổi với phụ huynh về việc giáo dục trẻ biết phân loại rác. Nhờ đó, phụ huynh nắm được cần giáo dục con mình như thế nào, thấy được trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn trẻ phân loại rác tại nhà, giúp con thực sự trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Việc làm của cô Ái đã được nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non học tập, nêu gương. Trò chuyện với phóng viên Báo TN&MT, cô Đỗ Thị Trang, giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết, hoạt động phân loại rác tại nguồn luôn được Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm, triển khai. Trường cũng thường xuyên chia sẻ những gương điển hình trong ngành giáo dục để giáo viên học tập, noi theo. Theo cô Trang: “Bổn phận của một giáo viên không chỉ giáo dục học sinh bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn mà còn phải giáo dục chính mình. Chỉ khi cô giáo là một tấm gương phân loại rác tại nguồn trong cuộc sống, công việc và bền bỉ với công tác giáo dục, triển khai phân loại rác tại nguồn thì mới có thể tạo thói quen cho học sinh của mình được”.