Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Hành trình từ bản đồ giấy đến bản đồ số

00:00 14/12/2024

Chọn cỡ chữ A a  

65 năm qua, ngành Đo đạc và Bản đồ đã trở thành ngành quản lý quan trọng nhằm xác định địa giới, biên giới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

do-dac-ban-do(2).png

do-dac-ban-do-10-.png

do-dac-ban-do-4-(2).png

65 năm qua, ngành Đo đạc và Bản đồ đã trở thành ngành quản lý quan trọng nhằm xác định địa giới, biên giới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và 65 năm thành lập Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (14/12/1959 - 14/12/2024), phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với TS. Hoàng Ngọc Lâm - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam về những thành tựu nổi bật của ngành trong suốt hơn 6 thập kỷ qua và những định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

do-dac-ban-do-7-.png

PV: Nhìn lại chặng đường hơn 65 năm xây dựng và phát triển của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, theo ông, đâu là những điểm nhấn trên hành trình đó?

Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm: Cách đây 65 năm, vào ngày 14/12/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng và ngày 14/12 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, những người làm công tác đo đạc và bản đồ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nhằm sản xuất và cung cấp kịp thời bản đồ cho chiến trường; cung cấp số liệu đo đạc, bản đồ phục vụ công tác điều tra cơ bản, quản lý lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước và nâng cao dân trí của xã hội.

Với khối lượng dữ liệu của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam hiện nay, phải khẳng định rằng, Việt Nam là một trong các quốc gia có nguồn dữ liệu nền địa lý đầy đủ hàng đầu trong khu vực, kịp thời phục vụ công tác quy hoạch, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Trong những năm gần đây, các kết quả đo đạc và bản đồ còn là nguồn tư liệu, đóng góp vào việc phát triển "kinh tế xanh". Các kết quả đo đạc và bản đồ là dữ liệu cơ bản giúp cho ngành TN&MT triển khai các nhiệm vụ quan trọng của Bộ TN&MT và của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.

Đặc biệt, các hoạt động đo đạc và bản đồ biên giới đã phục vụ đắc lực cho việc phân định ranh giới quốc gia trên đất liền, trên biển với các nước láng giềng, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của đất nước và ổn định chính trị trong khu vực.

Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã ngày càng phát triển, cả về tổ chức, lực lượng và tiềm lực khoa học kỹ thuật với đội ngũ hàng vạn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp với thiết bị, công nghệ hiện đại.

do-dac-ban-do-8-.png

PV: Những kết quả trên đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá và ghi nhận như thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm: 65 năm qua, ngành Đo đạc và Bản đồ đã ghi được những dấu ấn quan trọng. Những thành tích nổi bật trong chặng đường vừa qua là nhờ sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ TN&MT, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các đơn vị đo đạc và bản đồ trong và ngoài Bộ TN&MT và đặc biệt là sự nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thử thách của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ngành qua các thời kỳ.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Đo đạc và Bản đồ trong suốt chặng đường 65 năm qua, Đảng, Nhà Nước, Chính phủ đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân của Ngành.

d48.jpg

Các cán bộ của Cục Đo đac, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đang đo đạc địa hình

Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2009, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2004, Huân chương Độc lập Hạng Nhì năm 1994, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2014.

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1989, Huân chương độc lập hạng Nhì năm 2019, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Hữu nghị năm 2016 và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huy chương hữu nghị cho 04 cá nhân năm 2016…

Bên cạnh đó, 2 Công ty Đo đạc ảnh địa hình và Công ty Đo đạc địa chính công trình và GS.TSKH. Đặng Hùng Võ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nhiều công trình, như Cụm công trình “Xây dựng hệ quy chiếu và hệ tọa độ Quốc gia VN-2000 và ứng dụng hệ định vị toàn cầu (GPS) vào đo đạc - bản đồ Việt Nam”, Công trình Atlat quốc gia Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

do-dac-ban-do-9-.png

PV: Giai đoạn tới, trong xu hướng chuyển đổi số, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?

Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm: Để đáp ứng kịp thời yêu cầu sự nghiệp phát triển của đất nước trong bối cảnh phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề cụ thể.

Trước hết, ngành sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ theo hướng kiến tạo thể chế để phát triển bền vững, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với trình độ khoa học công nghệ đo đạc và bản đồ, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng đo đạc, phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.

dsc_1393-1-.jpg

Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2019

do-dac-ban-do-24-.png

Cùng với đó là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đảm bảo đồng bộ, chính xác, thuận lợi cho việc sử dụng chung tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về kiến trúc hệ thống của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý gồm các tiêu chuẩn về kiến trúc mạng, hạ tầng thông tin mạng.

Thiết lập hệ quy chiếu và hệ tọa độ không gian quốc gia thống nhất trên đất liền và trên biển trên cơ sở hoàn thiện: mạng lưới tọa độ quốc gia; mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia; mạng lưới độ cao quốc gia; mạng lưới trọng lực quốc gia và mô hình geoid trên lãnh thổ Việt Nam.

Quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia an toàn, đảm bảo cung cấp dữ liệu nền địa lý, bản đồ địa hình quốc gia các tỷ lệ chính xác, kịp thời phục vụ xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Riêng đối với công tác biên giới và địa giới, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan để đảm bảo công tác kỹ thuật phục vụ công tác đàm phán 16% đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia chưa hoàn thành phân giới cắm mốc; chuẩn bị các điều kiện nhân lực, kỹ thuật phục vụ triển khai công tác phân định ranh giới trên biển với các quốc gia trong khu vực, góp phần ổn định tình hình chính trị và tăng cường hợp tác phát triển trong khu vực.

PV: Xin cảm ơn ông!

59.jpg

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Cục

 

do-dac-ban-do-11-.png

Bước vào kỷ nguyên số với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với tầm nhìn xa và hiện đại, ngành Đo đạc và Bản đồ đã chủ động đổi mới toàn diện, tham gia vào cuộc cách mạng thông tin địa lý và hội nhập quốc tế; góp phần thúc đẩy "Chính phủ số - Xã hội số - Nền kinh tế số" và hơn hết ngày càng khẳng định vị trí và vai trò của Ngành.

do-dac-ban-do-12-.png

Dữ liệu không gian địa lý đã trở thành một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0, phát triển các chương trình số hóa như hiện nay. Ngoài ra, thông tin không gian địa lý cũng giữ một vai trò quan trọng để phát triển thành phố thông minh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Do vậy, việc quản lý, khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả đối với cơ sở dữ liệu (CSDL) nền địa lý quốc gia tại Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách.

vngeonet-da-lat.jpg

Trạm GNSS CORS tại Đà Lạt

Ở nước ta, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã sớm nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích to lớn từ dữ liệu không gian địa lý mang lại. Vì vậy, nhiều năm qua, các bộ, ngành nói chung và ngành TN&MT nói riêng đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống dữ liệu không gian địa lý phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Là một trong những đơn vị đi tiên phong trong cả nước về số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian qua, ngành Đo đạc và Bản đồ đã đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại trong hoạt động đo đạc và bản đồ. Nổi bật, lần đầu tiên ngành đã xây dựng và đưa vào vận hành mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia VNGEONET - bước đột phá trong ứng dụng thành tựu công nghệ tiên tiến, hiện đại vào hoạt động đo đạc và bản đồ; đảm bảo cung cấp các dịch vụ định vị dẫn đường với độ chính xác cao trên phạm vi toàn quốc, hiện nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đang bổ sung xây dựng thêm khoảng 90 - 100 trạm NRTK CORS. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống này.

do-dac-ban-do-13-.png

Trong giai đoạn hiện nay, với tốc độ đột phá của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, để phục vụ cho Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng quy hoạch, quyết định hợp lý về đầu tư, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, ngày 9/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng, hoàn thiện CSDL nền địa lý quốc gia”, trong đó giao cho Bộ TN&MT triển khai thực hiện Dự án “Đầu tư xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia và Chính phủ điện tử”.

d11.jpg

Triển khai thực hiện dự án, đến nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia các tỷ lệ và bàn giao cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phục vụ công tác lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành, xây dựng đô thị thông minh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng số, chuyển đổi số góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và các nhu cầu của xã hội.

Cùng với việc hoàn thiện xây dựng CSDL, ngày 10/11/2023 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức khai giảng khóa đào tạo sử dụng phần mềm chuyên ngành xây dựng, quản lý, vận hành CSDL nền địa lý quốc gia tại 63 điểm cầu bằng hình thức đào tạo trực tuyến qua nền tảng E-Learning và hơn 3.000 học viên là các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu trên cả nước. Khóa học đã giúp các học viên dễ dàng nắm bắt những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao trong việc xây dựng, cập nhật CSDL địa lý nói chung và CSDL nền địa lý quốc gia nói riêng một cách chủ động, thống nhất và hiệu quả, đáp ứng với công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

z6119489767515_4b96c41f884521118b188e29c8dd3100(1).jpg

Kích hoạt “Nền tảng đào tạo trực tuyến Chương trình đào tạo sử dụng phần mềm chuyên ngành xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia” ra mắt trên toàn quốc

Bên cạnh đó, để thúc đẩy "Chính phủ số - Xã hội số - Nền kinh tế số", hiện nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã hoàn thiện việc xây dựng Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam và triển khai phiên bản thử nghiệm. Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam không chỉ là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, và an ninh, mà còn đóng góp vào việc phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông qua việc cung cấp dịch vụ chia sẻ, tra cứu, phân tích và tải dữ liệu, Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng hiệu quả các tài nguyên dữ liệu không gian địa lý trong nước và kết nối với các hạ tầng dữ liệu quốc tế góp phần thúc đẩy và phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

do-dac-ban-do-14-.png

Năm 2023 ghi dấu ấn đặc biệt với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam khi Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ ban hành. Chiến lược là cơ sở pháp lý quan trọng, được kỳ vọng giúp Việt Nam hoàn thiện nền tảng về dữ liệu thông tin để phục vụ cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ hạ tầng số hướng tới một xã hội hiện đại.

do-dac-ban-do-15-.png

do-dac-ban-do-18-.png

Chiến lược đặt ra mục tiêu ở 2 giai đoạn: Từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đo đạc quốc gia thống nhất trên đất liền và trên biển với mục tiêu tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa Trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc phục vụ cung cấp thông tin, dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân.

z6119481330173_dda934b61c3ce672d71247f972be1431.jpg

Giao diện Cổng Thông tin không gian địa lý Việt Nam

Tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trở thành ngành điều tra cơ bản hiện đại, ngang tầm với các nước phát triển, phấn đấu làm chủ 80% các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Đồng thời phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đảm bảo tạo dựng, duy trì, nâng cao giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu về dữ liệu không gian địa lý của toàn xã hội, phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý toàn cầu.

do-dac-ban-do-19-.png

do-dac-dia-chinh-2.jpg

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đảm bảo đồng bộ, chính xác thuận lợi cho việc sử dụng chung;

Hoàn thiện, công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; Đo đạc, thành lập bản đồ chuyên ngành; Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; Đổi mới việc quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ; Đổi mới cơ chế triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ; đổi mới, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

1685496312-02-nganh-do-dac-ban-do-cong-nghe-tien-tien-hien-dai.jpg

Trong đó, Chiến lược sẽ rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đo đạc và bản đồ tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu không gian địa lý, siêu dữ liệu; các chuẩn phương pháp, quy trình, dịch vụ.

Đồng thời, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia phủ trùm phần đất liền, đảo, quần đảo; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình đáy biển trên vùng biển Việt Nam; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ.

Xây dựng Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam theo mô hình trung tâm dữ liệu không gian địa lý đảm bảo liên kết và quản lý thống nhất các cơ sở dữ liệu không gian địa lý thông qua địa chỉ truy cập trên mạng Internet; có khả năng kết nối, đồng bộ với Cổng dữ liệu quốc gia; phát triển các dịch vụ dữ liệu thông qua Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam; kiến tạo thể chế, đổi mới cơ chế triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, cung cấp sản phẩm, giải pháp về đo đạc và bản đồ hướng đến nền kinh tế số, xã hội số.


 

Nội dung: Nguyễn Thuỷ - Việt Anh - Việt Khang

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025

Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025.
Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm

Sáng 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Hà Nội

Thủ tướng chủ trì Hội nghị Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Hà Nội

Sáng 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Người đang online: 9

Lượt truy cập: 42,279

Chung nhan Tin Nhiem Mang