Năm 2025 mở ra một trang mới, đánh dấu giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) – một ngành mang sứ mệnh quản lý và bảo vệ các nguồn lực chiến lược của quốc gia. Đây không chỉ là năm kết thúc một nhiệm kỳ mà còn là năm chuyển mình, chuẩn bị sẵn sàng cho một kỷ nguyên mới với những bước tiến đột phá mới.
Năm 2024 - Ghi nhiều dấu ấn đậm nét
Năm 2024 đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành TN&MT với những thành tựu quan trọng không chỉ khẳng định vai trò trung tâm trong quản lý và bảo vệ tài nguyên, mà còn tạo nên nền tảng vững chắc để hướng tới những bước tiến xa hơn, nhân lên sức mạnh trong kỷ nguyên mới. Trong năm qua, hệ thống chính sách pháp luật TN&MT được xây dựng và hoàn thiện đồng bộ và kịp thời. Bộ TN&MT đã hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 3 Luật, 2 Nghị quyết của Quốc hội, 9 Nghị định và 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 36 Thông tư. Qua đó, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được toàn Ngành triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Cũng trong năm 2024, hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện. Trong đó bao gồm đầy đủ 8/8 quy hoạch cấp quốc gia, 10/15 quy hoạch có tính chất chuyên ngành, kỹ thuật. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phân bổ, bố trí, sử dụng hợp lý không gian và nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế - xã hội, các địa phương và cả nước.
Toàn ngành đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, tiếp tục đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và tạo nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực. Các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế các - bon thấp cũng đã đạt được kết quả bước đầu.
Công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động "đi sớm, đi trước". Chất lượng dự báo ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành triển khai các biện pháp phòng, chống; góp phần giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước của ngành...
Không chỉ vậy, với sự đồng hành từ các cấp lãnh đạo đến từng cán bộ trong ngành đã tạo nên sức mạnh tập thể, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng. Những kết quả nổi bật trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, và ứng phó với biến đổi khí hậu là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của ngành.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành TN&MT, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy chia sẻ, Lãnh đạo Bộ luôn ý thức, Bộ TN&MT là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý các nguồn lực quan trọng của quốc gia, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Với khối lượng công việc và yêu cầu quản lý nhà nước đặt ra đối với Bộ, cũng như toàn ngành TN&MT là rất lớn, đặc biệt, năm 2024 là năm tăng tốc để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động đã chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Cũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành TN&MT đã đạt được trong năm 2024 và thời gian qua. Đặc biệt là những đóng góp quan trọng vào nội dung hoàn thiện, sửa đổi các Luật như Luật Đất đai 2024, Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 và ban hành hệ thống văn bản dưới luật... Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi số đã có những bước tiến vững chắc, trở thành bệ phóng để ngành TN&MT tiếp tục vươn xa trong thời kỳ mới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Công tác xây dựng luật và văn bản dưới luật đã phát huy sự tham gia dân chủ, khách quan, khoa học, điển hình là Luật Đất đai và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, qua đó góp phần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, mở ra hướng giải quyết nhiều vướng mắc, tồn đọng, “Mở ra không gian đổi mới, sáng tạo cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân; tạo nguồn lực, động lực, tư duy mới trong công tác quản lý”. Sự ghi nhận của Phó Thủ tướng là niềm vui, niềm tự hào, là động lực để mỗi cán bộ, viên chức, người lao động ngành TN&MT càng ý thức hơn vai trò, vị trí quan trọng, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vững tin bước vào kỷ nguyên mới, khẩn trương bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu của năm 2025.
Đồng lòng hướng tới tương lai
Ngành TN&MT đang bước vào một kỷ nguyên mới, mang theo những thay đổi quan trọng trong tổ chức bộ máy, cách tiếp cận và định hướng phát triển. Những nỗ lực của ngành đang tạo ra bước đột phá, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trọng tâm của năm 2025 chính là việc thực hiện tinh giản bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tinh giản bộ máy, toàn ngành đặt quyết tâm khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đi đôi với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; bảo đảm bộ máy sau sắp xếp phải thực sự tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Trong đó, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ hợp nhất thành một cơ thể thống nhất, gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đây là "mô hình phát triển đáng tự hào", hướng đến sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Kỳ vọng về một sự thay đổi tư duy quản lý, giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa, môi trường phải là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước...
Sự sắp xếp bộ máy không chỉ dừng lại ở việc giảm số lượng mà còn nâng cao chất lượng. Thực hiện nhiệm vụ sáp nhập, tinh gọn bộ máy trong điều kiện hết sức khẩn trương nhưng chúng ta đồng thời phải phấn đấu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn, không bỏ sót bất cứ chức năng, nhiệm vụ nào, cũng như không để trùng chéo chức năng, nhiệm vụ.Tinh gọn biên chế, tăng cường phân cấp, phân quyền kết hợp với minh bạch hóa quy trình hành chính nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đồng thời, ngành quyết tâm loại bỏ các khâu trung gian, ngăn chặn tình trạng chồng chéo, đảm bảo mọi hoạt động diễn ra hiệu quả, thông suốt.
Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo bộ máy sau khi sắp xếp thật sự tinh, gọn, mạnh, hoạt động thông suốt hơn, hiệu lực hơn, hiệu quả hơn.
Năm 2025 sẽ là năm chúng ta bắt tay ngay vào xây dựng bộ máy quản lý nhà nước "tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả", đặt nền móng vững chắc để cùng tất cả các bộ, ngành, địa phương tự tin bước vào kỷ nguyên mới của đất nước, một kỷ nguyên ở tầm cao phát triển mới mà 2025 vừa là năm “gối” kết thúc một giai đoạn, nhiệm kỳ, vừa là năm mở ra cánh cửa quan trọng đánh dấu năm đầu tiên bước vào cuộc cách mạng của kỷ nguyên vươn mình.
Tất cả những thay đổi lớn này đều nhằm mục tiêu chung: xây dựng một ngành TN&MT mạnh mẽ, bền vững và hiện đại hơn. Đường lớn đã mở, sứ mệnh mới đã rõ ràng. Với sự đoàn kết, ý chí và quyết tâm của toàn ngành, chúng ta có quyền kỳ vọng vào một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn – nơi tài nguyên, môi trường sẽ thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.