Công tác kiểm soát ô nhiểm và quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có nhiều kết quả tích cực, song bên cạnh đó, vẫn còn phải tiếp tục được đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thời gian tới.
Quản lý môi trường khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Khu công nghiệp hiện có 02 KCN (KCN Nhân Cơ, KCN Tâm Thắng) đang hoạt động. KCN Tâm Thắng đã hoàn thiện xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung công suất 4.600 m3/ngày đêm, đã triển khai lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động, nhưng chưa thực hiện truyền số liệu về Sở TN&MT; KCN Nhân Cơ (trong đó đang đầu tư xây dựng nhà máy điện phân nhôm của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân) đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải.
Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh hiện quy hoạch 05 CCN, trong đó mới có 01 CCN Thuận An đã đi vào hoạt động, chưa được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Về công tác quản lý CTR sinh hoạt
Tỷ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 60.8%, trong đó khu vực đô thị đạt 62.7%, khu vực nông thôn đạt 54.4%. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 3/8 huyện được đầu tư trang bị lò đốt; có 14 bãi chôn lấp đang hoạt động để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên chỉ có 05 bãi chôn lấp gồm thành phố Gia Nghĩa, các huyện: Đắk Mil, huyện Đắk R’lấp, huyện Cư Jút phù hợp quy hoạch, còn lại có 9/14 bãi chôn lấp tạm đang được sử dụng không phù hợp với quy hoạch theo Quyết định số 2084/QĐ-UBND ngày 05/12/2013 của UBND tỉnh Đắk Nông, trong đó chỉ có 01 bãi chôn lấp thị xã Gia Nghĩa hợp vệ sinh còn lại là các bãi rác hở, chôn lấp lộ thiên không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.
Về công tác quản lý CTNH
Trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị xử lý chất thải nguy hại được cấp phép. Vì vậy chất thải nguy hại phát sinh tạm thời được ký kết với các đơn vị ngoài tỉnh có đủ chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Đối với chất thải y tế nguy hại
Hiện hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện sử dụng phương án tự xử lý tại chỗ bằng các lò đốt chất thải chuyên dùng, công suất nhỏ. Các cơ sở y tế tuyến xã, đang thực hiện tự xử lý bằng các phương pháp thủ công; đặc biệt có một số trạm, cơ sở y tế tư nhân chưa có giải pháp xử lý đúng quy định.
Đối với công tác xử lý nước thải sinh hoạt đô thị
Đã triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại thị xã Gia Nghĩa với công suất 600 m3/ngày đêm, tuy nhiên việc thu gom xử lý nước thải mới đạt khoảng 10% công suất. Dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải sinh hoạt, đặc biệt là nước thải từ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến nông sản đang gây ô nhiễm cục bộ.