Trong không khí tưng bừng “mùa Xuân là Tết trồng cây”, các bộ, ngành, địa phương cùng với người dân, các tổ chức cộng đồng đã đồng loạt triển khai hoạt động trồng cây gây rừng, tiếp tục nhân lên màu xanh trên khắp mọi miền đất nước.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán. Những nỗ lực này đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có 4,6 triệu ha rừng trồng cho đến nay.
Triển khai Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025". Cả nước hiện đã trồng được gần 770 triệu cây, đạt 121% so với kế hoạch; phong trào xã hội hoá trồng cây, trồng rừng ngày càng được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm, ủng hộ. Trong năm cuối cùng triển khai Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị yêu cầu việc tổ chức triển khai "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tăng cường huy động xã hội hóa, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tham gia trồng cây, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Mùa Xuân là Tết trồng câyPhong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" mỗi khi Tết đến, Xuân về cũng là dịp để các cấp, các ngành phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp. Qua đó, người dân hiểu hơn về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nhẹ thiên tai. Các hoạt động còn thể hiện tinh thần của Việt Nam chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 và thực hiện Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo thế giới về rừng và sử dụng đất tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Xuân Ất Tỵ năm 2025 và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025 tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái ThụyNgay từ đầu tháng 2, nhiều cơ quan, đơn vị phối hợp cùng các địa phương đã tổ chức hưởng ứng “Tết trồng cây - Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Hòa cùng phong trào chung, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, xuân Ất Tỵ năm 2025 và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025 tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. Mỗi cây con trồng xuống sẽ trở thành chiếc nan cài, ngày càng đan dày “bức tường xanh” chắn sóng, phòng hộ ven biển bảo vệ an toàn hệ thống đê biển và cộng đồng dân cư ven biển. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kêu gọi các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cùng chung tay thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình phát triển kinh tế gắn bảo vệ rừng. Các cơ quan chức năng cần xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững.
Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025. Trong dịp này, hơn 1.055 cây xanh đã được trồng trên “Đồi cây ơn Bác” trong khuôn viên Khu di tích. Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn đã trao tặng các công trình thanh niên như xây dựng lại các ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi lụt bão, sân thể thao cộng đồng, vườn cây thanh niên, tuyến đường giao thông nông thôn, sân chơi cho thiếu nhi, tuyến đường thắp sáng bằng năng lượng mặt trời... Nhân dịp này, đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn kêu gọi đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện thông qua các công trình, phần việc thiết thực, hiệu quả. Từ những việc nhỏ nhưng gắn với nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; tiếp đó là phát huy vai trò đồng hành của các tổ chức, cá nhân trong xã hội để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng các công trình, phần việc.
TP Đà Nẵng trồng dừa để phòng chống sạt lở bờ biểnTại tỉnh Quảng Ninh, phong trào trồng cây năm 2025 còn nhằm khôi phục diện tích rừng đã bị thiệt hại do con bão lịch sử Yagi cuối tháng 9/2024. Theo ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Bão đã gây thiệt hại to lớn khiến 128.873ha rừng trên địa bàn tỉnh bị gãy đổ, làm giảm tỷ lệ che phủ rừng từ 55% xuống còn 42%. Để đảm bảo mục tiêu tái tạo màu xanh mới bằng những cánh rừng trồng, trong ngày hội Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ năm 2025, các cấp chính quyền cùng nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết tâm tái thiết, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp bền vững, đưa kinh tế rừng Quảng Ninh nhanh chóng phục hồi và phát triển”. Ngay sau lễ phát động, các đại biểu đã trồng hơn 2.000 cây lim, giổi, lát – đều là những loài cây gỗ có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đây là khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu phấn đầu trồng gần 32.000 ha rừng tập trung của tỉnh trong năm 2025.
Tại TP Đà Nẵng, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân đã góp công, góp của trồng hàng trăm cây dừa dọc tuyến đường ven biển trong những ngày đầu Xuân Ất Tỵ. Bên cạnh đó, hàng trăm đoàn viên thanh niên đã ra quân làm sạch môi trường biển, thực hiện dọn vệ sinh dọc bãi biển Đà Nẵng. Hoạt động nhằm triển khai chủ trương của thành phố về việc kiểm soát hiện tượng xói mòn, hạn chế xâm thực, bảo vệ bờ biển, tạo ra môi trường sống thân thiện và hài hòa cho người dân và du khách. Dự kiến trong năm nay, thành phố sẽ trồng 3.497 cây dừa tại các bãi biển, góp phần tạo không gian, cảnh quan xanh, cải thiện mỹ quan đô thị, phát triển dịch vụ du lịch biển.
Việt Nam hiện có hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có 4,6 triệu ha rừng trồngCứ qua mỗi năm, phong trào Tết trồng cây, trồng rừng lại càng phát triển và đã trở thành nét đẹp văn hóa. Đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Trồng cây không chỉ đóng góp quan trọng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của đất nước mà còn lan tỏa những hành động đẹp hướng tới cộng đồng, góp phần thực hiện đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, xây dựng Việt Nam ngày càng giàu, đẹp, văn minh.
Để Tết trồng cây năm 2025 đạt kết quả cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các tỉnh phía Bắc tiến hành vào đầu xuân năm mới, đối với các tỉnh phía nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ (ngày 19/5) hoặc các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể. Các địa phương quan tâm trồng cây xanh trong rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán ở cả khu vực đô thị và nông thôn, tạo môi trường cảnh quan, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp.