Ngày 17/2, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo tham vấn Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Dự thảo mới nhất xác định sẽ đưa điện hạt nhân, các công nghệ tiên tiến và đảm bảo an toàn cao trở thành nguồn điện nền quan trọng, góp phần đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Nhiều chính sách tạo tiền đề cho đột phá phát triển năng lượng bền vững
TSKH. Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, việc Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ và Bộ Công Thương xác định là nhiệm vụ đặc biệt cấp bách để nhanh chóng điều chỉnh nội dung Quy hoạch điện VIII và đề xuất các giải pháp cung ứng đủ điện trong giai đoạn phát triển tăng tốc sắp tới.
Năm 2024, Quốc hội đã thông qua chủ trương tái đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch không gian biển quốc gia cũng là một trong những quy hoạch rất quan trọng đối với ngành điện, ngành năng lượng. Đồng thời, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn đã và sắp được ban hành, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá của ngành điện.
Đối với Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, các tổ chuyên gia đã đưa ra một số cách tiếp cận mới. Thứ nhất, phát triển nguồn điện ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước sẽ bao gồm cả nhu cầu công suất nguồn điện cho mua bán điện trực tiếp, đồng thời, cũng xét đến nhu cầu xuất khẩu điện và sản xuất năng lượng mới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì Hội thảo Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và đánh giá môi trường chiến lược.Thứ hai, bên cạnh việc phát triển hợp lý nguồn nhiệt điện, Đề án sẽ đưa điện hạt nhân, các công nghệ tiên tiến và đảm bảo an toàn cao trở thành nguồn điện nền quan trọng, góp phần đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Thứ ba, phát triển tối đa nguồn năng lượng tái tạo theo tiềm năng, thế mạnh từng vùng nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật trong từng giai đoạn quy hoạch, phù hợp với nhu cầu điện tại chỗ, sự phát triển của khoa học công nghệ kết hợp với đầu tư lưới điện thông minh bao gồm hệ thống lưu trữ điện (thủy điện tích năng, pin tích năng), hệ thống giám sát và điều khiển, điều độ thông minh… để đảm bảo độ tin cậy và chất lượng dịch vụ cung cấp điện.
Thứ tư, phát triển hợp lý lưới truyền tải điện liên vùng, liên miền để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của các vùng, góp phần tối thiểu hóa chi phí sản xuất điện toàn hệ thống. Thứ năm, tăng cường hơn nữa liên kết trao đổi, hợp tác về điện với các nước láng giềng, các nước trong ASEAN để tận dụng tốt tiềm năng năng lượng của từng nước, tối ưu hóa vận hành hệ thống liên kết. Cuối cùng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực, bao gồm cả đầu tư với truyền tải trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện theo cơ chế thị trường về giá mua, bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng miền.
Ông Trần Kỳ Phúc – Viện trưởng Viện Năng lượng phát biểu tại Hội thảo Đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho nền kinh tế
Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 Chương, tập trung vào các nội dung điều chỉnh dự báo nhu cầu tiêu thụ điện; điều chỉnh chương trình phát triển nguồn điện; điều chỉnh chương trình phát triển lưới điện; bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực; tổng hợp vốn đầu tư và phân tích kinh tế tài chính của các chương trình phát triển điện lực; và các giải pháp về cơ chế thực hiện Quy hoạch điện.
Báo cáo đánh giá về môi trường chiến lược Quy hoạch điện VIII gồm 5 Chương với các nội dung chính như sau: phạm vi đánh giá môi trường chiến lược; phân tích, đánh giá tác động của Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đối với môi trường; các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Tại Hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì soạn thảo đã có các tham luận giới thiệu về các vấn đề: Dự báo nhu cầu phụ tải điện; Chương trình phát triển nguồn điện; Chương trình phát triển lưới điện; Đánh giá môi trường chiến lược Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII; Vốn đầu tư và các chỉ tiêu kinh tế giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch...
Quang cảnh hội thảoTheo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh sau khi hiệu chỉnh, hoàn thiện sẽ bám sát và cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển điện lực đến năm 2030 theo Nghị quyết 55/NQ-TW, nhịp độ phát triển kinh tế theo Nghị quyết 81 về Quy hoạch tổng thể quốc gia, đáp ứng được cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu, đảm bảo chỉ tiêu về diện tích sử dụng đất các công trình năng lượng điện theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đồng thời, đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho nền kinh tế với chi phí tối thiểu, góp phần đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng “0” năm 2050 của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu, ghi nhận những ý kiến xác đáng của các đại biểu để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện Đề án trong thời gian tới.