Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Hoàn thiện cơ sở pháp lý phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

00:00 27/12/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Để triển khai các hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và ra nước ngoài trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương hoàn thiện hành lang cơ sở pháp lý, trong đó, tập trung sửa đổi quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn và xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, cử tri nhiều địa phương cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon trong đó có giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành sớm nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu, đánh giá tiềm năng, rà soát cơ sở pháp lý, tình hình thực tiễn, trình phê duyệt đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam... nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Trước thực trạng này, cử tri đề nghị các cơ quan chức năng sớm có quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện thị trường các-bon để địa phương có cơ sở triển khai, phát huy được tiềm năng sẵn có của tỉnh.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát triển thị trường các-bon và các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý, thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thu nhập của người dân tham gia các dự án giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng.

Trên thực tế thời gian vừa qua có thông tin chưa đầy đủ, toàn diện về thị trường các-bon và các cơ chế quản lý tín chỉ các-bon, đặc biệt là hoạt động tạo tín chỉ, quản lý tín chỉ các-bon từ rừng. Ngoài ra, việc trao đổi tín chỉ các-bon quốc tế còn có ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Tại đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng và đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ các-bon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương; rà soát cơ sở pháp lý để phát triển thị trường các-bon, hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.

Ảnh minh họa

Về cơ sở dữ liệu hiện trạng và đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ các-bon từ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai tính toán tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ các-bon từ rừng đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC, làm cơ sở cho việc trao đổi tín chỉ các-bon rừng với các đối tác quốc tế; đang tích cực triển khai xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ các-bon rừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phát triển thị trường các-bon rừng cả về chuyển nhượng, xác định giá tín chỉ các-bon rừng.

Về việc rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ sở pháp lý, trước tình hình thực tế về nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Dự thảo Nghị định đã đề xuất các quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc vận hành thị trường các-bon, các hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế, trong đó bao gồm cả tín chỉ các-bon rừng.

Về việc xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và ra nước ngoài trong thời gian tới.

Phạm Oanh

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Cơ hội từ quá trình chuyển đổi đạt phát thải ròng bằng 0

Cơ hội từ quá trình chuyển đổi đạt phát thải ròng bằng 0

Ngày 8/1, tại Hà Nội, Tổ chức nghiên cứu BloombergNEF và Ngân hàng HSBC Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Giới thiệu báo cáo “Quá trình chuyển đổi đạt phát thải ròng bằng 0 – Cơ hội cho Việt Nam”.

Công nghệ khí hậu giúp chuyển đổi đô thị xanh

Các khu đô thị đóng góp 70% khí thải CO2 và tiêu tốn 75% năng lượng toàn cầu. Tỷ lệ này dự kiến tiếp tục tăng do quá trình đô thị hoá nhanh chóng. Theo dự đoán, đếnnăm 2050, hơn 2/3 dân số toàn cầu, tương ứng với khoảng 6,5 tỷ người, sẽ sống tại đô thị, tạo áp lực lớn lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm tăng nhu cầu về năng lượng và trầm trọng thêm “dấu chân môi trường” của các thành phố.
Tăng khả năng chống chịu với BĐKH cho người dân 7 tỉnh ven biển

Tăng khả năng chống chịu với BĐKH cho người dân 7 tỉnh ven biển

Hơn 25.000 người dân tại 7 tỉnh ven biển của Việt Nam có cuộc sống an toàn trong những ngôi nhà chống bão lũ. Đây là một trong những kết quả nổi bật của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” sau 7 năm triển khai (từ 2017 – 2024).

Người đang online: 4

Lượt truy cập: 42,279

Chung nhan Tin Nhiem Mang