Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Lộ trình giảm phát thải trong lĩnh vực quản lý chất thải

10:49 20/02/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định số 4405/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030.

Giảm gần 30 triệu tấn CO2 trong lĩnh vực quản lý chất thải 

Kế hoạch đặt mục tiêu thực hiện các biện pháp, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan, trong lĩnh vực quản lý chất thải để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) và Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Cụ thể, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 18,3% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải so với Kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 8,46 triệu tấn CO2tđ; trong đó phát thải khí mê-tan giảm 7,28 triệu tấn CO2tđ và lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 40,98 triệu tấn CO2tđ.

Khi có sự hỗ trợ của quốc tế về tài chính, công nghệ phù hợp và đầy đủ, mức giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải có thể nâng lên đến 63,5% so với Kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 29,42 triệu tấn CO2tđ; trong đó phát thải khí mê-tan giảm 26,94 triệu tấn CO2tđ và lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 17,50 triệu tấn CO2tđ.

 

11 giải pháp

Kế hoạch đưa ra 11 biện pháp giảm phát thải. Trong số này có 7 biện pháp về xử lý chất thải rắn, bao gồm: Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xử lý có thu hồi khí mê-tan đối với chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ phù hợp; tái chế chất thải rắn; sản xuất phân compost; đốt chất thải rắn và đốt chất thải phát điện; sản xuất viên nén nhiên liệu RDF; chôn lấp có thu hồi khí mê-tan.

Về xử lý nước thải, đối với nước thải sinh hoạt có 2 biện pháp là tăng cường thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và xử lý nước thải sinh hoạt có thu hồi khí mê-tan. Đối với nước thải công nghiệp cũng có 2 biện pháp là giảm phát sinh nước thải công nghiệp tại nguồn và thu hồi khí mê-tan từ xử lý nước thải công nghiệp. 

Để thực hiện kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề ra nhiều giải pháp trong cả giai đoạn, bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, hướng dẫn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, trước mắt, trong năm 2025; Thực hiện các biện pháp, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức; Tăng cường hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực.

Dựa trên việc theo dõi tiến độ và kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch, Bộ trưởng Bộ TN&MT giao Cục Biến đổi khí hậu có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, đánh giá việc thực 6 hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch. Cục Biến đổi khí hậu cũng là đơn vị tổng hợp, đánh giá kết quả giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan trên phạm vi toàn quốc; xây dựng báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải theo quy định. 

Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và giám sát các cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành triển khai kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở; giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch trên địa bàn. 

Các sơ sở xử lý chất thải thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành có trách nhiệm thực hiện kiểm kê khí nhà kính của cơ sở; xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan theo Kế hoạch này; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải.

Về tổ chức thực hiện, Quyết định nêu rõ phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó có Cục Biến đổi khí hậu, Cục kiểm soát ô nhiễm, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch – Tài chính, các Viện, trường và đơn vị khác có liên quan.

Tại địa phương, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch trên địa bàn; tổng hợp thông tin, số liệu liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định. 

Bên cạnh đó, điều tra, đánh giá, cập nhật hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn; xây dựng kế hoạch và triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia. Hướng dẫn, triển khai các mô hình thí điểm về giảm phát thải khí nhà kính, khí mê-tan trong lĩnh vực quản lý chất thải trên địa bàn. 

Đối với các cơ sở xử lý chất thải, Kế hoạch nêu rõ trách nhiệm thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở; xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở, báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính cấp cơ sở hằng năm. Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, quan tâm đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phù hợp với đặc điểm khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn. Triển khai thực hiện các biện pháp, hoạt động phù hợp để xử lý chất thải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan theo mục tiêu, lộ trình theo Kế hoạch.

Trung Nguyên

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, hướng đến mục tiêu Net Zero

Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, hướng đến mục tiêu Net Zero

Ngày 17/2, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo tham vấn Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Dự thảo mới nhất xác định sẽ đưa điện hạt nhân, các công nghệ tiên tiến và đảm bảo an toàn cao trở thành nguồn điện nền quan trọng, góp phần đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Nghiên cứu về “pin nấm” ở Thụy Sĩ

Nghiên cứu về “pin nấm” ở Thụy Sĩ

Theo các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ, nấm men và nấm trắng có thể đóng góp cho nỗ lực chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn.
Quốc đảo ứng dụng công nghệ đối phó với hạn hán

Quốc đảo ứng dụng công nghệ đối phó với hạn hán

Saint Kitts và Nevis, quốc gia gồm hai hòn đảo ở Caribe, ngày càng dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán. Nước mưa là nguồn nước uống duy nhất tại đây và việc lượng mưa giảm dần khiến 80% cư dân ở Saint Kitts phải chịu cảnh mất nước thường xuyên.

Người đang online: 3

Lượt truy cập: 103,502

Chung nhan Tin Nhiem Mang