Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Cơ hội từ quá trình chuyển đổi đạt phát thải ròng bằng 0

08:10 09/01/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Ngày 8/1, tại Hà Nội, Tổ chức nghiên cứu BloombergNEF và Ngân hàng HSBC Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Giới thiệu báo cáo “Quá trình chuyển đổi đạt phát thải ròng bằng 0 – Cơ hội cho Việt Nam”.

Báo cáo được thực hiện với sự phối hợp của Cục Biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng HSBC và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dựa trên hai kịch bản chuyển dịch kinh tế (ETS) và kịch bản phát thải ròng bằng 0 (NZS), nhóm nghiên cứu đã đánh giá tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính, định lượng nguồn vốn đầu tư cần thiết và xây dựng khuyến nghị cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

* Việt Nam sớm hành động 

Phát biểu tại hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Thời gian qua, quyết tâm triển khai thực hiện các cam kết tại COP26 của Việt Nam thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, cập nhật Đóng góp do quốc gia quyết định (NDC) và gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH; thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)... 

 Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành quản lý lĩnh vực đã xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đến nay, các Bộ TN&MT, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc kiểm kê phát thải khí nhà kính; hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật...  cho các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. 

Nhiều chương trình, dự án cụ thể đã được triển khai trên thực tiễn, bao gồm các dự án phát triển năng lượng tái tạo, các dự án hấp thụ các-bon rừng, giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, các dự án phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long… Hiện nay, Cục Biến đổi khí hậu cũng đang xây dựng NDC cập nhật với mục tiêu dài hơi hơn cho giai đoạn đến năm 2035. Trong đó sẽ đánh giá cụ thể các kết quả đạt được của Việt Nam, cũng như dự báo nhu cầu chuyển đổi công nghệ, sử dụng năng lượng mới nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải trong tương lai.

Theo ông Tăng Thế Cường, nhu cầu tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam lên tới hàng trăm tỷ USD và đòi hỏi đầu tư rất lớn cho hạ tầng công nghệ xanh, chuyển đổi năng lượng giảm phát thải khí nhà kính. Để đạt được Net Zero vào năm 2050 cần có lộ trình rõ ràng và chiến lược đầu tư hiệu quả để tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức. Quá trình này cần có sự chung tay của chính phủ, doanh nghiệp, người dân và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. 

Báo cáo do Ngân hàng HSBC và Bloomberg Việt Nam xây dựng sẽ cung cấp thông tin hữu ích. Qua đó, giúp các bên liên quan có cách tiếp cận hiệu quả trong việc hiện thực hóa các chiến lược phù hợp với các mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam, cùng với xây dựng cơ cấu để mở ra các nguồn tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ các mục tiêu này.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam để đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải quốc gia. Điều này thể hiện qua nỗ lực của ngân hàng trong việc mang đến ngày càng nhiều sản phẩm tài chính xanh, mở rộng hỗ trợ đối tượng khách hàng đầu tư vào các mô hình sản xuất, kinh doanh mới, hướng tới ứng phó biến đổi khí hậu. Trên cơ sở báo cáo “Quá trình chuyển đổi đạt phát thải ròng bằng 0 – Cơ hội cho Việt Nam”, HSBC sẽ đồng hành và chia sẻ kiến thức về giải quyết từ biến đổi khí hậu tại Việt Nam. 

 Các đại biểu tham dự hội thảo

* Nhanh chóng nâng công suất năng lượng tái tạo

Tại hội thảo, đại diện Tổ chức nghiên cứu BloombergNEF đã trình bày các nội dung chính của báo cáo. Theo đó, Lộ trình phát thải giữa hai kịch bản là phát thải ròng bằng 0 (NZS) và chuyển dịch kinh tế (ETS) có rất nhiều điểm khác biệt: Trong kịch bản NZS, mức phát thải năng lượng của Việt Nam cần đạt đỉnh vào năm 2026 để tương thích với mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thời điểm này sớm hơn 18 năm so với kịch bản ETS với mức phát thải năng lượng đạt đỉnh vào năm 2044.

 Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam phát biểu tịa hội thảo

Để phát thải ròng bằng 0, ngành điện cần nhanh chóng tăng công suất năng lượng tái tạo để thay thế các nhà máy nhiệt và mức phát thải cũng sẽ đạt đỉnh vào năm 2026. Mức phát thải ngành giao thông vận tải đạt đỉnh vào năm 2029 và nhanh chóng giảm sau đó, đặc biệt là nhờ quá trình điện hóa phương tiện giao thông đường bộ. Mức phát thải của ngành công nghiệp sẽ đạt đỉnh cuối cùng vào năm 2033, và sau đó bắt đầu giảm mạnh vào cuối những năm 2030 nhờ áp dụng công nghệ thu hồi và lưu trữ các-bon (CCS) và sử dụng khí hydro nhằm giảm phát thải các ngành công nghiệp hạng nặng. Trong kịch bản ETS, mức phát thải của tất cả các ngành, ngoại trừ ngành công nghiệp, đều đạt đỉnh trước năm 2050 và sau đó tiếp tục giảm, mặc dù tốc độ giảm chậm hơn so với kịch bản NZS.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, nỗ lực đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này mang đến cơ hội đầu tư trị giá 89 tỉ đô-la mỗi năm trong giai đoạn 2023 đến năm 2050. Trong giai đoạn năm 2024 đến năm 2030, mức đầu tư trung bình mỗi năm là 46 tỉ đô-la. 

Tại hội thảo, các đại biểu là đại diện cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận và góp ý về nội dung báo cáo. Dự kiến sau khi tiếp thu và hoàn thiện, báo cáo sẽ được công bố rộng rãi.

Khánh Ly

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Hoàn thiện cơ sở pháp lý phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

Hoàn thiện cơ sở pháp lý phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

Để triển khai các hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và ra nước ngoài trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương hoàn thiện hành lang cơ sở pháp lý, trong đó, tập trung sửa đổi quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn và xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Công nghệ khí hậu giúp chuyển đổi đô thị xanh

Các khu đô thị đóng góp 70% khí thải CO2 và tiêu tốn 75% năng lượng toàn cầu. Tỷ lệ này dự kiến tiếp tục tăng do quá trình đô thị hoá nhanh chóng. Theo dự đoán, đếnnăm 2050, hơn 2/3 dân số toàn cầu, tương ứng với khoảng 6,5 tỷ người, sẽ sống tại đô thị, tạo áp lực lớn lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm tăng nhu cầu về năng lượng và trầm trọng thêm “dấu chân môi trường” của các thành phố.
Tăng khả năng chống chịu với BĐKH cho người dân 7 tỉnh ven biển

Tăng khả năng chống chịu với BĐKH cho người dân 7 tỉnh ven biển

Hơn 25.000 người dân tại 7 tỉnh ven biển của Việt Nam có cuộc sống an toàn trong những ngôi nhà chống bão lũ. Đây là một trong những kết quả nổi bật của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” sau 7 năm triển khai (từ 2017 – 2024).

Người đang online: 101

Lượt truy cập: 42,279

Chung nhan Tin Nhiem Mang