Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Đôn đốc các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước

14:30 23/01/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Công văn số 412/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Bộ TN&MT cho biết, ngày 01/7/2024, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và 5 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật (Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 54/2024/NĐCP ngày 16/5/2024 quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước và Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất), có hiệu lực thi hành.

Để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, đồng thời tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể của UBND tỉnh theo phân công của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 02/4/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15), Bộ TN&MT đã phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật tại 3 miền (Bắc, Trung và Nam). Đồng thời, đến nay cũng đã có hơn 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước. 

 

Đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật tài nguyên nước

Qua thực tiễn triển khai thi hành Luật trong thời gian qua cho thấy, bước đầu chưa phát sinh những khó khăn, vướng mắc lớn. Để tiếp tục triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết thi hành có hiệu quả, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là những quy định mới, có thời hiệu thực hiện, Bộ TN&MT trân trọng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, huyện, xã tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tập huấn và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông hoặc các hình thức phù hợp khác, trong đó tập trung phổ biến đến các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Luật, 2 Nghị định và 3 Thông tư.

UBND các tỉnh, thành phố rà soát, hoàn thiện các quy định có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT. Trong đó, lưu ý đến các quy định liên quan đến vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân khai thác nước cũng như đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt; xác định, tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xác định, điều chỉnh, công bố dòng chảy tối thiểu; tổ chức xây dựng kế hoạch bảo vệ nước dưới đất…

Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND cấp huyện có liên quan, khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, trong đó lưu ý nội dung triển khai thực hiện việc thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP để xác định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (nếu có) theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 97 của Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Đồng thời, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có), đơn giá sản phẩm về việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước để áp dụng trên địa bàn.

 

Đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt

Về bảo đảm an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung ưu tiên cao nhất trong việc bảo đảm nước sinh hoạt cấp cho nhân dân, trong đó kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào hệ thống sông, hồ, nguồn nước để bảo đảm cấp nước an toàn cho nhân dân, đặc biệt là các nguồn nước có sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất nước sạch. Đồng thời rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy mô, công suất và lộ trình điều chỉnh quy hoạch các nhà máy nước (nếu cần thiết) trong trường hợp các nhà máy nước mặt, mạng lưới cấp nước không đảm bảo tiến độ để cấp nước liên tục, ổn định cho nhân dân.

UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt, công bố hoặc rà soát, cập nhật, điều chỉnh danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 01/7/2026. Đối với các địa phương chưa hoặc đang triển khai thực hiện việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương việc lập, công bố danh mục theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP. Đối với các địa phương đã phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc rà soát, cập nhật, công bố hoặc điều chỉnh danh mục theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

Trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh (nếu có), lưu ý rà soát, bổ sung các nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh, bảo đảm phù hợp quy định tại Điều 20 và Khoản 7 Điều 86 của Luật Tài nguyên nước.

Cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước đảm bảo tính nghiêm minh 

Liên quan đến đăng ký, cấp phép, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trường hợp phải đăng ký hoặc phải có giấy phép khẩn trương thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước theo đúng quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật, tránh việc vi phạm dẫn tới bị xử phạt, đặc biệt đối với trường hợp không có giấy phép có thể sẽ bị truy thu số lợi bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự và pháp luật về tài nguyên nước. 

Đối với trường hợp công trình thủy lợi đã xây dựng và khai thác trước ngày 01/01/2013 mà chưa được đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước ngày 01/7/2024 thì phải hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước chậm nhất là ngày 30/6/2027 (Khoản 6 Điều 86 Luật Tài nguyên nước).

Đối với việc sử dụng mặt nước và đào hồ, ao, sông, suối, kênh, mương, rạch tạo không gian thu, trữ nước, tạo cảnh quan phải được đăng ký sử dụng tài nguyên nước (Khoản 5 Điều 52 Luật Tài nguyên nước và Điều 8 Nghị định số 54/2024/NĐ-CP) cần được tổ chức, triển khai đồng bộ. Trong đó, đối với các đối tượng thực hiện trước ngày 01/7/2024 thì phải hoàn thành trước ngày 30/6/2026 (Khoản 8 Điều 86 Luật Tài nguyên nước).

Đối với việc kê khai khai thác nước dưới đất của hộ gia đình, chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức việc kê khai khai thác nước dưới đất (Khoản 4 Điều 52 Luật Tài nguyên nước) được thực hiện từ ngày 01/7/2026 (Khoản 4 Điều 85 Luật Tài nguyên nước).

UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo UBND cấp huyện tổ chức đăng ký khai thác nước dưới đất; UBND cấp xã tiếp nhận kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 54/2024/NĐ-CP. Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện, nguồn lực, điều kiện thực tế và tình hình cụ thể, quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho Sở TN&MT cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hội nghị tập huấn tuyên truyền Luật Tài nguyên nước tại Quảng Ninh

Hoàn thành việc kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Liên quan đến nội dung tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã được cấp giấy phép thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khẩn trương thực hiện nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tránh thất thoát và thất thu ngân sách Nhà nước. 

Lưu ý việc tổ chức, triển khai nội dung liên quan đến tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cấp cho sinh hoạt, đây là nội dung quy định mới của Luật Tài nguyên nước, trong đó yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cấp cho sinh hoạt được thực hiện từ ngày 01/7/2025 và phải hoàn thành việc kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chậm nhất là ngày 31/12/2025 (Khoản 2 Điều 86 Luật Tài nguyên nước).

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TN&MT tiếp tục cập nhật thông tin của giấy phép tài nguyên nước tại địa chỉ https://gstnn-gp.monre.gov.vn như đã đề nghị tại Văn bản số 638/BTNMT-TNN ngày 10/3/2023 của Bộ TN&MT (đối với các Sở chưa cập nhật) và tiếp tục cập nhật chậm nhất sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành đối với các giấy phép mới do UBND tỉnh cấp (đối với các Sở đã cập nhật).

Minh Khang

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Quản lý tài nguyên nước: Những hạt giống nảy mầm từ quyết sách

Quản lý tài nguyên nước: Những hạt giống nảy mầm từ quyết sách

Tài nguyên nước là nền tảng của sự sống, là động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nghịch lý về tài nguyên nước: “Quá thừa, quá thiếu, quá bẩn”. Hiện tượng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của quốc gia. Trước bối cảnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện các Quy hoạch tài nguyên nước trên lưu vực sông là bước đi mang tính chiến lược, đặt nền tảng pháp lý quan trọng, là gốc rễ cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Đồng Nai: Phân cấp giải quyết thủ tục hành chính về tài nguyên nước

Đồng Nai: Phân cấp giải quyết thủ tục hành chính về tài nguyên nước

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có Quyết định 06/2025/QĐ-UBND về phân cấp cho Sở TN&MT thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.
 Công bố kịch bản nguồn nước trên 6 lưu vực sông

Công bố kịch bản nguồn nước trên 6 lưu vực sông

Bộ TN&MT vừa công bố kịch bản nguồn nước lần đầu trên 6 lưu vực sông (Bằng Giang-Kỳ Cùng; Mã; Hương; Sê San; Srêpôk; Đồng Nai). Theo kịch bản nguồn nước, mùa khô năm 2025, một số khu vực trên 6 lưu vực sông này sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ do thiếu hụt lượng mưa và lượng dòng chảy ít do năng lực lấy nước của các công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ.

Người đang online: 230

Lượt truy cập: 63,180

Chung nhan Tin Nhiem Mang