Từ ngày 25 - 27/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã tổ chức chuyển giao sản phẩm và tập huấn sử dụng bản đồ hiện trạng, bản đồ nguy cơ và bản đồ phân vùng rủi ro lũ quét, sạt lở đất tỉ lệ 1/10.000 cho xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp và xã Chiềng Công, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Đây là các sản phẩm thuộc dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi” do Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn) đã phối hợp với Viện Khoa học địa chất Khoáng sản, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đang thực hiện tại 22 tỉnh, trong đó có 6 xã trọng điểm được triển khai ưu tiên. Chiềng Công và Mường Lèo nằm trong 6 xã trọng điểm này.
Các xã được bàn giao lần này là các xã có hàng trăm vị trí từng xảy ra trượt lở đất đá, lũ quét. Đến nay, vẫn còn nhiều “điểm nóng” có nguy cơ xảy ra thiên tai khi vào mùa mưa lũ, trong khi mặt bằng sinh sống và sản xuất vẫn chủ yếu vẫn ở các sườn đồi núi, đi lại còn nhiều khó khăn.
Bàn giao bản đồ tại xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp
Hàng trăm “điểm nóng” vể sạt lở được cảnh báo
Bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai được chia thành 5 cấp độ từ rất thấp đến rất cao và sử dụng màu sắc để thể hiện. Cụ thể: Cấp 1 màu xanh dương nhạt ứng với cấp độ rủi ro rất thấp; Cấp 2 màu vàng nhạt ứng với cấp độ rủi ro thấp; Cấp 3 màu cam ứng với cấp độ rủi ro trung bình; Cấp 4 màu đỏ ứng với cấp độ rủi ro cao; Cấp 5 màu tím ứng với cấp độ rủi ro rất cao.
Tại xã Mường Lèo, bản đồ hiện trạng có 334 vị trí đã xảy ra trượt lở đất đá, 55 vị trí có nguy cơ trượt và 1 điểm xảy ra lũ quét. Về phân bố cấp độ rủi ro, vùng có cấp độ rủi ro Rất cao (cấp 5) có diện tích rất nhỏ, khoảng 0,02 km2, chiếm tỷ lệ khoảng 0,01% tổng diện tích tự nhiên toàn xã, chỉ có một phần nhỏ diện tích tại thôn Liềng, hạ lưu suối Phúc Liềng.
Vùng có cấp độ rủi ro Cao (cấp 4) có diện tích khoảng 2,23 km2, chiếm 0,62% diện tích tự nhiên của xã, phân bố chủ yếu ven sông suối gần các thôn, bản như Huổi Luông, Nà Chòm, Liềng, Mạt, Nậm Pừn.
Bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, sạt lở đất xã Mường Lèo
Vùng có cấp độ rủi ro Trung bình (cấp 3) có diện tích 24,5 km2, chiếm khoảng 6,68% diện tích tự nhiên của xã, phân bố tập trung ven các sông suối như Luông, Lạ, Nậm Năm, Phúc Liềng, Phì Nhiêu, Xi Na, Pá Nó, Văng Uát.
Vùng có cấp độ rủi ro Thấp (cấp 2) có diện tích 83,7 km2, chiếm 23,4% tổng diện tích tự nhiên toàn xã, phân bố phần lớn ở ven các sông, suối, đường giao thông trong xã, nơi có sự sinh sống của dân cư ở các thôn, bản như Chăm Hỉ, Nậm Pừn, Liềng, Mạt, Huổi Phúc, Xam Quảng, Huổi Luông, Pá Khoang. Vùng có cấp độ rủi ro Rất thấp (cấp 1) chiếm diện tích lớn nhất với 247 km2, chiếm 69,1% tổng diện tích tự nhiên của xã.
Lãnh đạo xã cùng đại diện cơ quan địa chính, công an xã… đánh giá rất cao kết quả chuyển giao của dự án. Bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai cơ bản đều phù hợp với những điểm nóng về thiên tai lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn mỗi khi mùa mưa lũ đến.
Tương tự tại xã Chiềng Công, bản đồ hiện trạng hiện có 7 vị trí có biểu hiện của trượt lở đất đá. Về phân bố cấp độ rủi ro, vùng có cấp độ rủi ro Rất cao (cấp 5) có diện tích nhỏ nhất, chỉ khoảng 0,63 km2, chiếm tỷ lệ khoảng 0,46% tổng diện tích tự nhiên toàn xã. Khu vực phân bố tập trung chủ yếu ở hạ lưu sông, nơi có đông dân cư sinh sống, nhiều đường giao thông của các thôn Nong Hùn, Đin Lanh, Co Sủ Trên.
Vùng có cấp độ rủi ro Cao (cấp 4) có diện tích khoảng 2,38 km2, chiếm 1,73% diện tích tự nhiên của xã. Nơi phân bố chủ yếu ven sông suối như Nậm Pia, Nậm Hồng gần các thôn, bản như Nong Hùn, Đin Lanh, Co Sủ Trên, Nậm Hồng, Chông Du Tẩu, Kéo Hỏm.
Vùng có cấp độ rủi ro Trung bình (cấp 3) có diện tích 13,1 km2, chiếm khoảng 9,46% diện tích tự nhiên của xã. Nơi phân bố tập trung ven các sông suối và đường giao thông của các thôn, bản như Nong Hùn, Đin Lanh, Nậm Hồng, Chông Du Tẩu, Kéo Hỏm, Hán Cá Thệnh.
Vùng có cấp độ rủi ro Thấp (cấp 2) có diện tích là 43,2 km2, chiếm 31,3% tổng diện tích tự nhiên toàn xã. Nơi phân bố phần lớn ở ven các sông, suối, đường giao thông trong xã, nơi có sự sinh sống của dân cư ở các thôn, bản như Hán Cá Thệnh, Khao Lao Trên, Tốc Tát Trên, Tốc Tát Dưới, Chông Du Tẩu, Co Sủ Trên, Co Sủ Dưới, Lọng Bó, Pá Chè, Tảo Ván. Cuối cùng, Vùng có cấp độ rủi ro Rất thấp (cấp 1) chiếm diện tích lớn nhất với 78,7 km2, chiếm 57% tổng diện tích tự nhiên của xã.
Bàn giao bản đồ tại xã Chiềng Công, huyện Mường La
* Địa phương chủ động phòng chống sạt lở, lũ quét
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, thông tin, dữ liệu trong bộ bản đồ là kết quả của quá trình điều tra, nghiên cứu nghiêm túc, tỉ mỉ. Các chuyên gia đã thu thập dữ liệu tự nhiên về địa hình, địa chất, khí tượng thủy văn; dữ liệu mạng lưới dân cư, cơ sở hạ tầng; thông tin hiện trạng sử dụng đất, mật độ rừng và kết hợp với điều tra thực.
Phân tích nguy cơ lũ quét dựa trên các thông tin về độ dốc lưu vực, mật độ mạng lưới sông suối, khả năng thoát nước của đất, lượng mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn. Nguy cơ sạt lở đất sử dụng các thông tin về độ dốc bề mặt, đặc điểm địa chất, cấu trúc đất đá và tình trạng sử dụng đất, thảm thực vật. Các kết quả này có thể giúp cho các địa phương chủ động hoạch định phương án phòng chống thiên tai.
Bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, sạt lở đất xã Chiềng Công
Bày tỏ lời cảm ơn Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã lựa chọn xã là khu vực nghiên cứu, Bí thư xã Ly A Cho chia sẻ: “Hiện nay tại các địa điểm như bản Co Sủ Dưới, Du Tấu và Nậm Hồng đang là những điểm nóng về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Chính quyền xã đã có kế hoạch di dời các hộ trong diện có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đến khu an toàn. Bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai của dự án sẽ hỗ trợ đắc lực cho quá trình này. Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo thiên tai sẽ góp phần hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn xã”.
Trong quá trình bàn giao, đại diện Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã giới thiệu Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét và sạt lở đất theo thời gian thực tới chính quyền địa phương và người dân. Hệ thống sử dụng dữ liệu từ các trạm đo mưa, radar thời tiết và vệ tinh khí tượng. Cán bộ và người dân quan tâm có thể truy cập trang web theo địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/, chọn khu vực xã mình trên bản đồ và xem các thông tin cảnh báo, dữ liệu mưa, các khuyến nghị ứng phó.
Thông qua hệ thống này, chính quyền xã có thể theo dõi thời gian thực các khu vực có nguy cơ cao để lên kế hoạch ứng phó, nhất là thời điểm trước, trong khi thiên tai diễn ra để tổ chức sơ tán dân cư ở vùng nguy hiểm khi nhận cảnh báo.
6 xã trọng điểm được thực hiện phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa gồm: Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), Phìn Ngan (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), Chiềng Công (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), Mường Lèo (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), xã Tam Chung, xã Tén Tằn (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá). Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi” xây dựng các loại bản đồ cấp tỉnh tỷ lệ 1:50.000 cho 22 tỉnh vùng núi Bắc Bộ đến Trung Bộ; và cấp xã tỷ lệ 1:10.000 cho 6 xã trọng điểm. Trong đó bao gồm: Bộ bản đồ hiện trạng lũ quét, sạt lở đất đá và sụt lún đất do mưa; Bản đồ phân vùng rủi ro do lũ quét, sạt lở đất đá và sụt lún đất do mưa cho khu vực trung du và miền núi; Bản đồ cảnh báo thiên tai do lũ quét, sạt lở đất đá và sụt lún đất do mưa thời gian thực cho khu vực trung du và miền núi. Dự án cũng đánh giá tính dễ bị tổn thương, xác định các chi số rủi ro do lũ quét, sạt lở đất đá và sụt lún dất do mưa cho khu vực trung du và miền núi. |