Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Sơn La: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt

08:00 30/12/2024

Chọn cỡ chữ A a  

UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 5526/UBND-KT về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý chất thải rắn (CTRSH), đặc biệt là việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tiến độ thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Các Sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung theo Quyết định của UBND tỉnh về: Quy định tuyến đường, thời gian hoạt động với phương tiện vận chuyển CTRSH, phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý, phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh; quy định chi tiết về quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; quy định việc quản lý chất thải và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng; công văn của UBND tỉnh về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTRSH…

Đoàn kiểm tra làm việc với UBND huyện Phù Yên.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn; xây dựng quy định, chương trình, nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể về quản lý CTR phù hợp điều kiện đặc điểm, kinh tế, xã hội và tình hình phát sinh CTR. Trong đó, khẩn trương kiện toàn, giao Phòng TN&MT là cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về chất thải rắn, đảm bảo thống nhất với cơ quan Trung ương và cấp tỉnh. Hoàn thành trước ngày 1/1/2025.

Phòng TN&MT kiểm tra, rà soát toàn bộ các điểm tập kết xe gom rác; bố trí cải tạo, xây dựng bổ sung điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về môi trường. Xóa bỏ các điểm tập kết, xe gom rác không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, gây mất an toàn giao thông, cảnh quan đô thị. Hoàn thành trước ngày 1/3/2025.

UBND các xã, phường, thị trấn cần phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH xác định vị trí, thời gian tập kết, quy mô tiếp nhận tại điểm tập kết phù hợp theo quy định. Đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát phạm vi thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, định mức, thành phần công việc, hao phí, quy trình, quy định hiện hành. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Kiên quyết ngăn chặn việc thải bỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng không đúng nơi quy định, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình cấp có thẩm quyền bổ sung vào kế hoạch đầu tư công hoặc bố trí ngân sách tỉnh xây dựng bổ sung các hạng mục còn thiếu theo quy trình công nghệ, hoàn thành trước ngày 20/2/2025. Riêng các huyện Mộc Châu, Phù Yên, Mường La khẩn trương thu hút đầu tư hoặc đề xuất chủ trương đầu tư đồng bộ Khu xử lý rác thải trên địa bàn; lập kế hoạch xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH theo quy định tại Điều 80 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở TN&MT) trước ngày 1/1/2025.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Đoàn kiểm tra đánh giá công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Sơn La (trừ chất thải rắn y tế) trong giai đoạn từ năm 2022 - 2024 vừa hoàn thành công tác kiểm tra trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Nhìn chung, các địa phương đã chủ động xây dựng các Đề án/kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo quy định. Đã rà soát các phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH, chỉ đạo đơn vị thực hiện dịch vụ thống nhất thời gian, tuyến đường thu gom, vận chuyển, hỗ trợ kinh phí mở rộng phạm vi thu gom tại khu vực nông thôn.

Kiểm tra hiện trạng Khu xử lý CTRSH tại huyện Phù Yên.

Tuy nhiên, 100% các huyện, thành phố đều chưa thống nhất đầu mối thực hiện công tác quản lý CTRSH. Công tác phân loại CTRSH tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh, mới triển khai thí điểm tại TP Sơn La và 2 huyện Mộc Châu, Mai Sơn.

Phương tiện, trang thiết bị thu gom, vận chuyển còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện có 7/12 huyện, thành phố đang sử dụng một số xe gom rác đẩy tay hỏng hóc, xuống cấp, không đáp ứng việc thu gom, lưu giữ rác thải, nhất là rác thải thực phẩm. Các khu vực nông thôn hầu hết đều chưa bố trí mặt bằng điểm tập kết, phương tiện, thiết bị chuyên dụng để thu gom rác…

Do đó, Đoàn kiểm tra đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 5526/UBND-KT, với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần được khẩn trương thực hiện trong thời gian tới.

Theo số liệu từ Đoàn kiểm tra, hiện nay, lượng CTRSH phát sinh trung bình trên địa bàn tỉnh Sơn La khoảng 442,3 tấn/ngày (khu vực đô thị 215,2 tấn/ngày; nông thôn trên 227 tấn/ngày). Khối lượng CTRSH được thu gom, xử lý 376,8 tấn/ngày; khối lượng CTRSH tự xử lý khoảng 73,3 tấn/ngày.

Tỷ lệ thu gom đạt 100% tại TP Sơn La, và các thị trấn, thị tứ của 11 huyện còn lại. Tại khu vực nông thôn, 75/188 xã nông thôn đã hợp đồng với Công ty CP môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La thực hiện thu gom, vận chuyển CTRSH về các Khu/bãi chôn lấp tập trung của các huyện; 113/188 xã còn lại, các hộ dân tự phân loại, xử lý bằng hình thức chôn lấp, đốt thủ công theo quy mô hộ gia đình.

Nguyễn Nga

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Chính sách liên quan đến tài nguyên môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2025

Ngay trong những ngày đầu năm 2025, các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế với sản phẩm điện – điện tử, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, thủ tục khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Điều kiện cần và đủ để phát triển nhựa tái chế

Điều kiện cần và đủ để phát triển nhựa tái chế

Chất lượng các sản phẩm nhựa tái chế của Việt Nam ngày càng được khẳng định, và đã xuất khẩu sang nhiều thị trường “khó tính” nhất thế giới. Tuy nhiên, các sản phẩm này lại đang bị “thua” trên chính “sân nhà” do người tiêu dùng trong nước vẫn còn e dè và nghi nghờ về chất lượng các sản phẩm này.
Nguyễn Nga

Nguyễn Nga

Dù là chính sách mới và đang tiếp tục được hoàn thiện, nhưng EPR đã có những tác động tích, góp phần thay đổi thói quen sản xuất thông qua việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tạo đà cho nền tái chế lớn mạnh, phát triển kinh tế tuần hoàn…

Người đang online: 1

Lượt truy cập: 42,279

Chung nhan Tin Nhiem Mang