Chất lượng các sản phẩm nhựa tái chế của Việt Nam ngày càng được khẳng định, và đã xuất khẩu sang nhiều thị trường “khó tính” nhất thế giới. Tuy nhiên, các sản phẩm này lại đang bị “thua” trên chính “sân nhà” do người tiêu dùng trong nước vẫn còn e dè và nghi nghờ về chất lượng các sản phẩm này.
Lối đi đúng đắn trong “cuộc chiến” chống ô nhiễm
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, thế giới thải ra hơn 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó 79% nằm vất vưởng ở các bãi rác hoặc ngoài môi trường tự nhiên, 12% bị đốt và chỉ có 9% được tái chế. Mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa và 5.000 tỷ túi ni-lông được tiêu thụ. Thực trạng đáng lo ngại này gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng nghiêm trọng, đe dọa môi trường sống của chính con người.
Tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển. Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Tuy nhiên, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế, 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Trước thực trạng này, nhiều nước trên thế giới đã đã ban hành quy định hạn chế sản xuất và tiêu thụ đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần. Không nằm ngoài xu hướng này, thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm rác thải, nhất là rác thải nhựa. Trong đó phải kể đến chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR). Theo đó, nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về việc thu gom, xử lý và tái chế các sản phẩm mình sản xuất hoặc nhập khẩu. Chính sách này là đòn bẩy giúp ngành tái chế của Việt Nam ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp trong nước đã “nắm bắt” được cơ hội và mạnh dặn đầu tư vào công nghệ, dây chuyền sản xuất, tạo ra các sản phẩm tái chế, nhất là bao bì nhựa, giấy… đạt chất lượng cao, vươn tầm thế giới và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn với các tiêu chuẩn rất khắt khe.
Theo ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững của Công ty Nhựa Tái chế Duy Tân, mỗi ngày thu gom 180 tấn chai nhựa đã qua sử dụng, tương ứng chừng hơn 12 triệu chai. Sau khi thu gom, các chai nhựa sẽ được tái chế bằng một trong những công nghệ tái chế hiện đại nhất hiện nay là "Bottle-to-Bottle" - mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Có thể nói, trong cuộc chiến với ô nhiễm môi trường, nhựa tái chế đã nổi lên như một lối đi đúng đắn. Đúng như ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia đã khẳng định, ngành tái chế của Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn chưa từng có để phát triển. Bởi, khi triển khai quy định EPR, tái chế bao bì, sản phẩm không chỉ là khuyến khích mà là quy định bắt buộc.
Chai nhựa tái chế đang được nhiều nhãn hàng lớn trên sử dụng tại thị trường thế giới và Việt Nam.
Xóa bỏ tâm lí e dè với nhựa tái chế
“Ở châu Âu, Mỹ, những sản phẩm tái chế sẽ được trưng bày ở những nơi đẹp nhất, tuy nhiên ở Việt Nam những sản phẩm xanh chưa được quan tâm nhiều”, ông Lê Anh chia sẻ.
Đồng cảm với chia sẻ này, nhiều nhãn hàng lớn Việt Nam chia sẻ, dù luôn kiên trì xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường, nhưng, việc chuyển đổi bao bì từ nhựa nguyên sinh sang nhựa tái chế của các đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc giá thành của nhựa tái chế hiện nay đang cao hơn nhựa nguyên sinh thì tâm lí e dè của người tiêu dùng với các bao bì nhựa tái chế cũng là một rào cản lớn. Nhiều đơn vị đã phải thay đổi chiến lược quảng bá sản phẩm, chữ “tái chế” trên bao bì sản phẩm của các mặt hàng tại thị trường Việt Nam phải điều chỉnh, không được ghi to, rõ ràng như các thị trường tiên tiến trên thế giới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất để có thể giải quyết chất thải nhựa là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, hạn chế sử dụng và thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa đúng cách. Trong đó, tái chế nhựa đang là một trong những giải pháp tối ưu, được nhiều nước lựa chọn và triển khai thành công.
Tuy nhiên, muốn phát triển ngành tái chế, nhất là tái chế nhựa, chính sách và các hỗ trợ tài chính trong thu gom, sản xuất là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Song song với việc hoàn thiện chính sách, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên tuyền để người dân ủng hộ sản phẩm tái chế. Ngoài ra, chúng ta phải sớm ban hành bộ tiêu chuẩn về các sản phẩm tái chế, sau khi ban hành, các sản phẩm tái chế trước khi đưa ra ngoài thị trường phải được công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, chất lượng theo đúng bộ tiêu chuẩn này.