Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Nguyễn Nga

08:31 30/12/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Dù là chính sách mới và đang tiếp tục được hoàn thiện, nhưng EPR đã có những tác động tích, góp phần thay đổi thói quen sản xuất thông qua việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tạo đà cho nền tái chế lớn mạnh, phát triển kinh tế tuần hoàn…

1.500 tỷ hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) gồm hai trách nhiệm là thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế.

Trong đó, trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Theo quy định, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì như: Bao bì thuốc bảo vệ thực vật; Pin dùng một lần các loại; Tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; Kẹo cao su; Thuốc lá; Các sản phẩm khác có thành phần nhựa tổng hợp phải góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải.

Khoản đóng góp này không phải là thuế, phí môi trường. Đây là khoản kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, chỉ được sử dụng cho các hoạt động hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải. Trong đó, các hoạt động xử lý chất thải được hỗ trợ bao gồm: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi thiết kế theo hướng thân thiện với môi trường.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia, sau gần 3 năm thực hiện chính sách, đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đã đóng khoảng 1.500 tỷ. Số tiền này sẽ tiếp tục tăng lên theo hàng năm và là một khoản quỹ khá lớn để hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính lên phương án quản lý, sử dụng công khai và đúng mục đích khoản tiền này. Theo dự thảo, khoản tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ cho chính quyền địa phương có các dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật và các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Bên cạnh việc tạo ra một nguồn quỹ tài chính, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc quản lý bảo vệ môi trường, trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải đã và đang có tác động tích cực, góp phần thay đổi thói quen sản xuất, thay đổi việc sử dụng vật liệu đầu vào và thiết kế sản phẩm theo hướng thân thiện môi trường, kéo dài vòng đời sản phẩm, qua đó dễ dàng thu gom, xử lý.

Tạo đà cho nền tái chế

Khác với trách nhiệm thu gom, xử lý, khi thực hiện trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai phương thức là đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường hoặc là tổ chức tái chế.

Với các doanh nghiệp lựa chọn hình thức đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường thì đang gặp khó khăn do định mức chi phí tái chế Fs chưa được ban hành.

Chính vì vậy, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lựa chọn hình thức tổ chức tái chế. Các doanh nghiệp đã chủ động hợp tác với các nhà tái chế để thực hiện trách nhiệm này. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lớn, có trách nhiệm cao với môi trường và cộng đồng đã và đang đặt ra mục về tiêu tỷ lệ tái chế bao bì, sản phẩm cao hơn mức quy định hiện hành của nhà nước. Điển hình như công ty Coca-Cola đang đặt mục tiêu rất cao là đến 2035 sẽ thu gom 70-75% số luợng bao bì bán ra thị trường; sử dụng 35-40% vật liệu tái chế trong bao bì sản phẩm; 95% bao bì sản phẩm có thể tái chế được.

Chính những tác động tích cực này của chính sách EPR đã tạo đà rất tốt cho nền tái chế của Việt Nam có cơ hội phát triển. Nhiều doanh nghiệp tái chế đã nghiêm túc đầu tư, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu tái chế, vừa đưa ra thị trường các sản phẩm tái chế chất lượng, vừa góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường, đặc biệt là vấn đề giảm rác thải.

EPR thúc đẩy nền tái chế phát triển về cả khối lượng và chất lượng.

Theo ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Nhựa Tái chế Duy Tân, nếu trước đây, chỉ có vài ba doanh nghiệp tìm hiểu về tái chế thì trong năm 2024, đã có chục doanh nghiệp tìm hiểu và mong muốn hợp tác với Duy Tân để thực hiện chính sách EPR. Không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã bắt đầu chú trọng đến tái chế bao bì, sản phẩm. Riêng trong năm 2024, Duy Tân đã tăng gấp rưỡi khối lượng bao bì thu gom, đạt 180 tấn rác thải nhựa mỗi ngày (tương đương 14 triệu chai nhựa).

Theo ông Phan Tuấn Hùng, EPR đang góp phần thúc đẩy nền tái chế của Việt Nam gia tăng về cả khối lượng và chất lượng các sản phẩm tái chế, đồng thời, ngành tái chế cũng được mở rộng và đa dạng hơn, sẽ có nhiều bao bì, sản phẩm được tái chế theo đúng lộ trình quy định (điện, điện tử vào năm 2025 và phương tiện giao thông vào năm 2027).

Phạm Oanh

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Chính sách liên quan đến tài nguyên môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2025

Ngay trong những ngày đầu năm 2025, các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế với sản phẩm điện – điện tử, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, thủ tục khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Điều kiện cần và đủ để phát triển nhựa tái chế

Điều kiện cần và đủ để phát triển nhựa tái chế

Chất lượng các sản phẩm nhựa tái chế của Việt Nam ngày càng được khẳng định, và đã xuất khẩu sang nhiều thị trường “khó tính” nhất thế giới. Tuy nhiên, các sản phẩm này lại đang bị “thua” trên chính “sân nhà” do người tiêu dùng trong nước vẫn còn e dè và nghi nghờ về chất lượng các sản phẩm này.
Sơn La: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt

Sơn La: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt

UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 5526/UBND-KT về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Người đang online: 2

Lượt truy cập: 42,279

Chung nhan Tin Nhiem Mang