Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính tới hết năm 2024, trên địa bàn có 8 doanh nghiệp gồm 9 cơ sở sản xuất, dịch vụ với 26 trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục và kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát.
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, Sở đã quản lý chặt chẽ việc triển khai các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh, thực hiện đầy đủ và đảm bảo chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Từng bước nâng cao hiệu quả, phát huy hiệu lực của đánh giá tác động môi trường trong việc phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm đến môi trường, tác động xấu đến môi trường. Tiếp tục duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) nhằm tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Quảng Ngãi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Đặc biệt, để theo dõi, giám sát nước thải, khí thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT vận hành Hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc trường tự động, liên tục. Tính đến cuối năm 2024, có 8 doanh nghiệp gồm 9 cơ sở sản xuất, dịch vụ với 26 trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục và kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát.
Bên cạnh đó, hàng năm Sở và Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi thực hiện chương trình quan trắc môi trường nhằm đánh giá hiện trạng môi trường (môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất...), kiểm soát nguồn thải (nước thải, khí thải) nhằm đánh giá xu hướng chất lượng môi trường từ đó triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh hàng năm và vận hành Hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc theo dõi, giám sát diễn biến chất lượng môi trường cũng như giám sát các nguồn ô nhiễm trên địa bàn tỉnh.
Hội Nông dân xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn thu gom rác thải tại cửa biển Sa Cần.Về công tác quản lý rác thải, đối với chất thải rắn y tế, hiện nay, tỉnh đã đầu tư Khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tỉnh Quảng Ngãi tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành. Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện phân loại chất thải rắn y tế tại nguồn; thu gom, lưu chứa, quản lý riêng từng loại chất thải theo quy định. Một số bệnh viện đã đầu tư thiết bị để tự xử lý, còn lại phần lớn các bệnh viện và cơ sở y tế khác đưa rác thải y tế về Khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung để xử lý.
Đối với chất thải nguy hại, phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp đều quan tâm, thực hiện công tác thu gom, lưu giữ, hợp đồng với các đơn vị có chức năng, năng lực để thu gom, vận chuyển, xử lý.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt, Sở TN&MT cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bảo vệ môi trường được UBND tỉnh đẩy mạnh, trong đó đặc biệt tập trung vào các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi thói quen phải tập trung rác thải đúng nơi quy định, hạn chế tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện môi trường.
Đồng thời, Sở đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kịp thời ban hành một số văn bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh qua đó góp phần chuyển biến tích cực trong công tác xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh.
Sở TN&MT đánh giá nhìn chung, vấn đề an ninh rác trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Hiện nay tỉnh đang xem xét việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện để giải quyết bài toán xử lý rác trên địa bàn tỉnh về lâu dài theo quy hoạch đã được phê duyệt, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, coi rác là tài nguyên.
Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, về công tác bảo vệ môi trường tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 3679/UBND-KTN ngày 27/7/2022 yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát toàn bộ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với các KCN, CCN để xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư, đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Công văn số 2568/UBND-KTN ngày 21/5/2024 về việc đôn đốc thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Đặc biết, đã phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm theo dõi, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn, Dự án Bột giấy VNT 19, Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát –Dung Quất nhằm kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp có nguồn xả thải lớn, qua đó kịp thời chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh một số kết quả đạt được về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực. Chưa có cán bộ chuyên trách quản lý môi trường ở xã, phường, thị trấn trong khi nhiều vấn đề môi trường lại xảy ra hàng ngày tại cơ sở; Hạ tầng các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ, nhất là về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường nên tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường…
Nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, Sở TN&MT cho biết, trong thời gian tới cần tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 05/4/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030… để góp phần chuyển biến tích cực trong công tác xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh và thường xuyên duy trì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị như Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Tỉnh đoàn... để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, nâng cao công tác quản lý môi trường, thực hiện giải pháp xử lý vi phạm hành chính trong công tác bảo vệ môi trường. Tập trung triển khai các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của nước thải, khí thải và chất thải rắn đến môi trường trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.