Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Sơn La đã ban hành và triển khai thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Bước đầu, đã ghi nhận một số kết quả tích cực trên các mặt.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, sau khi quy chế được ban hành, Sở TN&MT cùng các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố đã triển khai phối hợp trên đồng bộ các mặt. Cụ thể, trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế; quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định quản lý chất thải và việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh…
Trong công tác tuyên truyền, đã tổ chức ký kết phối hợp trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh; ký cam kết về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh…
Trong thực hiện thủ tục hành chính, các sở, ban, ngành đã cử thành viên tham gia Hội đồng, Đoàn kiểm tra, tổ kiểm tra, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường cho khoảng hơn 100 hồ sơ. Đồng thời, đã cử các cán bộ tham gia đầy đủ các Đoàn giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở nông sản trên địa bàn tỉnh.
Sơn La tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong công tác bảo vệ môi trường.Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Thông qua quá trình triển khai thực hiện quy chế phối hợp đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; hoàn thành các thủ tục hành chính cho các tổ chức đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và thời gian.
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay, một số nội dung không còn phù hợp do một số quy định pháp luật đã hết hiệu lực va được thay thế. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, phát huy tính chủ động, tích cực của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 242/QĐ-UBND ngày 4/2/2025, về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, với nhiều điểm mới so với quy chế trước đó.
Theo nội dung quy chế hiện nay, công tác phối hợp sẽ được triển khai trên 8 nội dung chính, gồm: Phối hợp truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; Phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ, hoặc đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; Giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về lĩnh vực bảo vệ môi trường; Phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường;
Phối hợp trong công tác thực hiện thủ tục hành chính về môi trường; Phối hợp trong công tác xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường; Phối hợp trong công tác thẩm định, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải; Phối hợp trong công tác thực hiện chỉ tiêu môi trường trong hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong đó, về phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện phối hợp trong việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tránh chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định.
Thông qua công tác phối hợp đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh.Trường hợp kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân, ý kiến kiến nghị của cử tri, cơ quan thông tấn, báo chí. Cơ quan được giao chủ trì phải tiến hành ngay việc kiểm tra, xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có). Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; UBND cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường của cụm công nghiệp và các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp.
Trong công tác giải quyết phản ánh, khiếu nại, tố cáo, Sở TN&MT chủ trì giải quyết với các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.
UBND cấp huyện chủ trì tiếp nhận, giải quyết đối với phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên trên cùng địa bàn cấp huyện; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp.
Bên cạnh đó, khi tiếp nhận các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường do Sở TN&MT chuyển đến, UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo về Sở TN&MT trong 7 ngày kể từ ngày có kết quả giải quyết.
Quy chế phối hợp cũng nêu rõ, với phản ánh về ô nhiễm môi trường tại các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...), UBND cấp huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã xác minh các thông tin phản ánh, giải quyết theo thẩm quyền trong thời gian 2 ngày kể từ khi nhận được thông tin phản ánh; báo cáo UBND tỉnh và Sở TN&MT trong 7 ngày kể từ ngày kết thúc xác minh, giải quyết. Với kiến nghị, phản ánh về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng, thực hiện theo quy trình Bộ TN&MT ban hành.