Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Sơn La: Nhân rộng các mô hình phòng, chống rác thải nhựa

10:00 23/12/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Với sự nỗ lực, vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp, sự chung tay hưởng ứng của người dân, nhiều phong trào, mô hình về phòng, chống rác thải nhựa đã được các tổ chức chính trị, đoàn thể cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La xây dựng, duy trì thực hiện hiệu quả.

Nổi bật trong đó là Mô hình Ngôi nhà xanh gây quỹ từ rác thải nhựa của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã lan tỏa đến 12/12 huyện, thành phố, không chỉ góp phần thực hiện thu gom, phân loại rác thải nhựa, mà còn gây quỹ hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

"Ngôi nhà xanh" thường được thiết kế bằng khung sắt, có mái che bằng tôn, lưới mắt cáo quây quanh. Diện tích trung bình từ 1 - 2m², được đặt ở vị trí phù hợp, thuận lợi cho người dân xung quanh bỏ rác tái chế. Mỗi "Ngôi nhà xanh" đều gắn với ý nghĩa, thông điệp của mô hình như: "Hãy cho tôi xin rác thải nhựa, lon nước, giấy bìa cát-tông", "Nâng cao ý thức của hội viên và nhân dân trong việc phân loại rác thải", "Tận dụng rác thải tái chế nhằm gây quỹ ủng hộ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn"...

Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, hưởng ứng phong trào phòng chống rác thải nhựa, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thành phố tùy điều kiện thực tế địa phương, chọn nội dung, hoạt động, mô hình phù hợp để triển khai thực hiện; đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom rác thải nhựa, rác thải tái chế, hạn chế sử dụng túi ni lông, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, hướng tới nâng cao nhận thức, chủ động tham gia của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.

 

 Ngôi nhà xanh gây quỹ từ rác thải nhựa đã lan tỏa đến hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức gần 100 hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho 5.440 cán bộ, hội viên, phụ nữ về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn. Cấp phát 1.700 sổ hướng dẫn truyền thông chống rác thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn; 25.000 tờ rơi, 2.000 poster tuyên truyền các tiêu chí xây dựng Gia đình “5 không, 3 sạch”; 2.500 chai nước thủy tinh, 1.400 túi vải in thông điệp về hạn chế rác thải nhựa.

Trong đó, mô hình điểm "Ngôi nhà xanh gây quỹ từ thiện" được thành lập ban đầu với 390 thành viên tại 10 xã của các huyện Quỳnh Nhai, Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn. Từ các mô hình điểm của tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ các địa phương đã nhân rộng thêm hơn 70 mô hình với gần 3.000 thành viên; thành lập các mô hình phân loại rác tại nguồn với gần 12.000 thành viên. Rác thải hữu cơ sẽ thực hiện đào hố chôn lấp, hoặc tận dụng làm phân bón cho cây trồng; các loại rác không tái chế sẽ thu gom, đưa đến nơi tập kết để xử lý; rác thải tái chế, như vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn, bìa giấy... thu gom cho vào "Ngôi nhà xanh".

Cùng với hội viên hội phụ nữ, là lực lượng tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường, Tuổi trẻ Sơn La cũng đã có nhiều chương trình hưởng ứng phong trào phòng, chống rác thải nhựa hiệu quả như: Đổi giấy, vỏ lon, nhựa lấy cây xanh của Thành đoàn Sơn La, Huyện đoàn Thuận Châu, Mai Sơn, Phù Yên; Thiết kế bao bì, túi đựng từ báo, bìa cũ của Đoàn phường Quyết Thắng, thành phố; Hướng dẫn thiếu nhi sáng chế đồ chơi, đồ lưu niệm từ vỏ lon, chai nhựa của Đoàn phường Quyết Tâm - thành phố, Huyện đoàn Mộc Châu, Bắc Yên; Vẽ tranh tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa tại các liên đội huyện Thuận Châu, Mường La, Phù Yên, Mộc Châu, Mai Sơn; Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa tại các chợ trên địa bàn thành phố; thành lập các đội hình tình nguyện thu gom rác thải nhựa tại một số địa phương…

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thông qua các hoạt động, góp phần lan tỏa nhiệm vụ phòng, chống rác thải nhựa, nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần đến cộng đồng dân cư. Hướng tới dần hình thành thói quen thu gom, phân loại rác thải trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên và người dân.

Tuy nhiên, do tính tiện lợi nên việc sử dụng các sản phẩm nhựa, nhất là nhựa dùng một lần vẫn còn khá phổ biến. Do đó, công tác tuyên truyền phải thường xuyên được đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức, lôi cuốn, hấp dẫn người dân.

 

Đổi phế liệu lấy cây xanh của Thành đoàn Sơn La thu hút đông đảo người dân tham gia hưởng ứng, nhất là các em học sinh.

Hiện nay, Sơn La đang tiếp tục duy trì thực hiện phong trào “nói không với sản phẩm từ nhựa và túi ni lông sử dụng một lần”, tập trung tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, để người dân hiểu, thay đổi nhận thức, thói quen, chủ động thực hiện phòng chống rác thải nhựa từ những việc nhỏ nhất, đơn giản, hàng ngày. Lồng ghép, đưa nội dung giáo dục nhận thức tác hại của chất thải nhựa nói chung, túi ni lông khó phân hủy nói riêng vào chương trình ngoại khóa, tuyên truyền ở các cấp học.

Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học chuyển sang sản xuất, phân phối, kinh doanh các sản phẩm thân thiện môi trường. Tuyên truyền, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà sách, chợ dân sinh, nhà hàng, quán nước, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ… hạn chế và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy.

Ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy giữa các tòa nhà, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ với UBND phường, xã, thị trấn. Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; khuyến khích việc phân loại chất thải nhựa riêng biệt với các chất thải có thể tái chế khác để tăng cường hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

Đồng thời, tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư thu gom, vận chuyển, xây dựng khu xử lý chất thải nhựa tập trung; các hoạt động tái sử dụng, tái chế từ rác thải nhựa; dự án tái chế, xử lý chất thải nhựa; dự án sản xuất túi ni lông phân hủy sinh học, bao bì thân thiện môi trường…

 

Nguyễn Nga

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Chính sách liên quan đến tài nguyên môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2025

Ngay trong những ngày đầu năm 2025, các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế với sản phẩm điện – điện tử, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, thủ tục khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Điều kiện cần và đủ để phát triển nhựa tái chế

Điều kiện cần và đủ để phát triển nhựa tái chế

Chất lượng các sản phẩm nhựa tái chế của Việt Nam ngày càng được khẳng định, và đã xuất khẩu sang nhiều thị trường “khó tính” nhất thế giới. Tuy nhiên, các sản phẩm này lại đang bị “thua” trên chính “sân nhà” do người tiêu dùng trong nước vẫn còn e dè và nghi nghờ về chất lượng các sản phẩm này.
Nguyễn Nga

Nguyễn Nga

Dù là chính sách mới và đang tiếp tục được hoàn thiện, nhưng EPR đã có những tác động tích, góp phần thay đổi thói quen sản xuất thông qua việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tạo đà cho nền tái chế lớn mạnh, phát triển kinh tế tuần hoàn…

Người đang online: 2

Lượt truy cập: 42,279

Chung nhan Tin Nhiem Mang