Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

09:00 02/01/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xây dựng Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, bao gồm: QCVN 32:2024/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu và mẩu vụn của nhựa nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; QCVN 33:2024/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu giấy nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

Sự cần thiết xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

Căn cứ thực tiễn

Việc sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất góp phần giảm gánh nặng chi phí và khai thác tài nguyên, mang lại giá trị kinh tế cho các ngành sản xuất công nghiệp, song hoạt động tái chế phế liệu luôn tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng. Một số vấn đề phát sinh từ hoạt động tái chế phế liệu bao gồm: gia tăng nhu cầu sử dụng phế liệu để sản xuất dẫn đến gia tăng các hoạt động kinh doanh thương mại trong nước và quốc tế về phế liệu; sử dụng phế liệu tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát tán chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường trong nước và xuyên quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ vận chuyển công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp từ nước khác sang Việt Nam; nguy cơ xảy ra thương mại bất hợp pháp liên quan đến phế liệu, nhập khẩu các loại hàng hóa ngoài danh mục phế liệu nhập khẩu; tăng sức ép đối với hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát đối với cơ quan quản lý.

Việc xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu nhằm thiết lập những quy định chặt chẽ về kỹ thuật, chất lượng phế liệu và yêu cầu bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu về Việt Nam là rất cần thiết, đảm bảo không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia một cách bền vững.

Căn cứ pháp lý

Khoản 1 Điều 71, khoản 4 Điều 97 và khoản 2 Điều 102 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài, đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Khoản 7 Điều 45 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định về quản lý, đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng đã ban hành Quyết định số 13/2023/QD-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2023 về Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 01 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BTNMT quy định ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Trong đó đã sửa đổi một số quy định về kiểm tra, thông quan phế liệu nhập khẩu.

Một số nội dung chính được điều chỉnh so với QCVN được ban hành năm 2018

Về quy định kỹ thuật có một số điều chỉnh để phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành (cập nhật danh mục phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ) hoặc điều chỉnh để thuận tiện, dễ thực hiện hơn trong quá trình triển khai.

Về quy định quản lý được điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành (không quy định về kiểm tra tại cảng của Sở Tài nguyên và Môi trường). 

Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Về cơ bản, nội dung phạm vi điều chỉnh trong dự thảo QCVN không thay đổi so với QCVN năm 2018. 

Bổ sung thêm thông tin về “mã số HS ở cấp độ chi tiết (08 số) đối với loại phế liệu nhập khẩu” theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật.

Bổ sung thêm cụm từ “yêu cầu kỹ thuật và quản lý đối với các loại phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất” sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ KH&CN.

Bổ sung đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN này là các doanh nghiệp chế xuất nằm ngoài khu phi thuế quan.

Giải thích từ ngữ

Bỏ khái niệm “cơ quan kiểm tra nhà nước” do Thông tư số 01/2019/TT-BTNMT đã ngưng hiệu lực thi hành quy định này cũng như Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 không quy định trách nhiệm kiểm tra nhà nước đối với phế liệu nhập khẩu là Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.

Làm rõ khải niệm “Mã HS phế liệu nhập khẩu” là mã số phân loại hàng hoá xuất nhập khẩu ghi trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành và Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Cập nhật Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Quy định kỹ thuật

Đối với QCVN về phế liệu nhựa: Điều chỉnh, sửa đổi quy định kỹ thuật đối với phế liệu và mẩu vụn của nhựa được được phép nhập khẩu như sau:  “Phế liệu nhựa đã qua sử dụng ở một trong các dạng: khối, cục, thanh, màng, khay, tấm và các hình dạng phẳng khác; pallet, két nhựa; bao jumbo được cắt thành thanh, màng hoặc tấm”. Dự thảo QCVN cũng đã lược bỏ quy định bắt buộc phải lấy mẫu, phân tích đối với phế liệu dạng màng. Trong quá trình theo dõi, quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (trước đây là Tổng cục Môi trường) nhận thấy quy định bắt buộc phải lấy, phân tích mẫu phế liệu dạng màng là chưa phù hợp do nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu dạng màng có nguồn gốc từ bao bì công nghiệp dạng sạch (đóng gói thiết bị, máy móc) dẫn tới việc tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu và kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hải quan do phải chờ đợi kết quả phân tích mẫu. Theo đó, trong quá trình giám định, Tổ chức giám định được chỉ định sẽ quyết định việc lấy mẫu, phân tích đối với phế liệu dạng màng trong trường hợp cần thiết.

Quy trình kiểm tra, giám định

Điều chỉnh và sửa đổi lại quy trình kiểm tra, giám định phế liệu nhập khẩu để bảo đảm tính thống nhất và riêng biệt giữa quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và hải quan cũng như phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được đưa xuống các dự thảo QCVN để bảo đảm tính kế thừa, thống nhất trong triển khai. Theo đó, dự thảo QCVN, đã bổ sung thêm các Biểu mẫu trong phần Phụ lục các QCVN: (i) Mẫu Biên bản kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; (ii) Mẫu Chứng thư giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Tại mục 3.2.5 dự thảo QCVN, việc tham chiếu văn bản quy phạm pháp luật để xác định chất thải nguy hại, ngưỡng chất thải nguy hại trong lượng tạp chất tách ra từ phế liệu sẽ được quy định phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau: “Việc xác định chất thải nguy hại, ngưỡng chất thải nguy hại trong lượng tạp chất tách ra từ phế liệu nhập khẩu thực hiện theo QCVN 07:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại được ban hành theo Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.

Quy định quản lý

Lược bỏ, không quy định trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu trong các QCVN. Lý do Luật Bảo vệ môi trường không giao Chính phủ quy định. Do đó, trình tự, thủ tục kiểm tra trong quá trình thông quan được thực hiện theo quy định pháp luật về hải quan (nội dung này đã được dẫn chiếu tại khoản 8 Điều 45 của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020). 

CTTĐT

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người

Khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người

Thực hiện trách nhiệm được giao tại khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường và khoản 4 Điều 52 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư.

Đề xuất bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ triển khai thực hiện của Luật Đất đai năm 2024, tạo điều kiện thuận lợi để Luật Đất đai đi vào cuộc sống và phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, hoàn thành và đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (sau đây gọi là dự thảo Nghị định). Đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hoàn thành và đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định. Dự thảo Nghị định đã đề xuất nhiều nội dung mới và sửa đổi một số nội dung quy định nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, đủ tính răn đe, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Người đang online: 158

Lượt truy cập: 47,253

Chung nhan Tin Nhiem Mang