Thực hiện trách nhiệm được giao tại khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường và khoản 4 Điều 52 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư.
Hiện nay, quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng chưa được ban hành, nhiều Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đã có một số quy định về khoảng cách an toàn môi trường như: Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, Thông tư số 23/2019/TT-BNN&PTNT ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi, Thông tư số 18/2023/TT-BNN&PTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2019/TT-BNN&PTNT ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi, Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió. Vì vậy, toàn bộ quy trình kỹ thuật xác định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn - Áp dụng đối với các hạng mục công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phải được xây dựng mới đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch khi chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch hoặc giới thiệu vị trí thực hiện dự án đầu tư; hoặc khi chấp thuận, quyết định chủ trưởng đầu tư, quyết định đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án cung ứng dịch vụ xử lý chất thải.
Mặt khác, công nghệ xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt đã có nhiều chuyển biến, nhiều loại công nghệ mới được áp dụng trong thực tiễn, đặc biệt là công nghệ đốt phát điện đã góp phần giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, giảm nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu và tiếng ồn và tận dụng năng lượng để phát điện.
Ngày 23 tháng 3 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 558/QĐ-BTNMT phê duyệt Danh mục và phân công đơn vị xây dựng văn bản pháp luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; phân công đơn vị phối hợp xây dựng văn bản pháp luật do các Bộ, ngành, địa phương chủ trì và nhiệm vụ để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT (được rà soát, thay thế tại Quyết định số 1463/QĐ-BTNMT ngày 02/6/2023). Theo đó, việc ban hành Thông tư ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn được Bộ triển khai thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo. Tại các văn bản nêu trên đã giao Vụ Môi trường chủ trì xây dựng, ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người.
Do vậy, để triển khai có hiệu quả các quy định, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường về việc xác định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng, cần thiết xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn - Áp dụng đối với các hạng mục công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại áp dụng chung thống nhất trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam trên nguyên tắc khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, giảm tỷ lệ chôn lấp; tăng cường khả năng cơ giới hóa, hiện địa hóa trong xử lý chất thải.
Đồng thời tạo hành lang pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định khi chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch hoặc giới thiệu vị trí thực hiện án đầu tư, hoặc khi chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án cung ứng dịch vụ xử lý chất thải trên lãnh thổ Việt Nam.