Hiện nay, theo phản ánh của một số địa phương, yêu cầu về chuyển đổi số trong công tác quản lý đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng đất đai phù hợp với xu hướng quản trị đất đai theo hướng hiện đại đang đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò rất quan trọng phục vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện quan điểm, mục tiêu và chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đó là “Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bố trí nguồn lực hợp lý để xây dựng, hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương” bảo đảm đến năm 2025 “hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng, hoàn thiện CSDL quốc gia về đất đai để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai, đảm bảo đến năm 2025 hoàn thành CSDL đất đai ở các địa phương để kết nối, tích hợp vào CSDL quốc gia về đất đai. Đồng thời, Bộ đang triển khai Dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, CSDL tài nguyên và môi trường (Giai đoạn I)” để cung cấp phần mềm ứng dụng hệ thống thông tin đất đai và hạ tầng công nghệ thông tin trong năm 2025 cho các địa phương theo mô hình CSDL quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất trong cả nước theo đúng chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022.
Tình hình, kết quả đạt được
Về xây dựng hành lang pháp lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai và Thông tư số 09/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 31/7/2024 quy định về nội dung, cấu trúc, kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai để làm căn cứ pháp lý triển khai thực hiện. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục xây dựng Thông tư quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, dự kiến sẽ ban hành trong quý IV năm 2024.
Kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực, nhiều địa phương đã từng bước đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào quản lý, vận hành, khai thác sử dụng có hiệu quả, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, kết nối liên thông điện tử với các cơ quan có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Điển hình có một số địa phương đã rất quyết liệt tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh.
Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân
Tuy nhiên, tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, tiến độ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nguyên nhân chính là do các địa phương chưa chủ động và quyết tâm trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; chưa có sự quan tâm chỉ đạo đúng mức và việc đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao; một số địa phương ngân sách khó khăn, không đảm bảo từ nguồn 10% tiền thu sử dụng đất cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương; việc đầu tư kinh phí của ngân sách hàng năm của tỉnh, thành phố cho xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chưa đáp ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định của pháp luật đất đai, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thống nhất thực hiện chuyên môn nghiệp vụ theo quy định nên việc chậm tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai một phần thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới
Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm cần khẩn trương tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, thúc đẩy hoàn thiện, kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về đất đai và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; bố trí, đảm bảo kinh phí để khẩn trương hoàn thành Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, đưa vào vận hành trong năm 2025.