Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Nghiên cứu đầu tư thiết bị cảnh báo sớm lũ quét, lũ ống, sạt lở đất tại các khu dân cư có nguy cơ cao

03:19 08/11/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Trong cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Yên Bái đã xảy ra các vụ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Bộ TN&MT đã có văn bản trả lời kiến nghị của cư tri tỉnh Yên Bái. Trong đó, cử tri đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm nghiên cứu đầu tư thiết bị cảnh báo sớm lũ quét, lũ ống, sạt lở đất tại các khu dân cư có nguy cơ cao nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân tại khu vực này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được Báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái về việc báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với nội dung: “Trong cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Yên Bái đã xảy ra các vụ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Cử tri kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm nghiên cứu đầu tư thiết bị cảnh báo sớm lũ quét, lũ ống, sạt lở đất tại các khu dân cư có nguy cơ cao nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân tại khu vực này”.

Vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin báo cáo tới Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri tỉnh Yên Bái như sau:

Một là, hiện nay, công tác cảnh báo sớm lũ quét, lũ ống, sạt lở đất có thể thực hiện bằng 2 phương pháp: (1) Lắp đặt hệ thống các thiết bị quan trắc, giám sát tự động sự dịch chuyển của các khối trượt lở, mưa lớn, độ bão hòa đất, sự hình thành các túi nước… trên thực địa. Khi có hiện tượng trượt/lở đất đá, lũ quét sẽ truyền tín hiệu về trung tâm phân tích, cảnh báo và thông báo cho chính quyền, người dân kịp di dời khỏi nơi nguy hiểm. Hạn chế của phương pháp này là chỉ quan trắc giám sát được quy mô nhỏ tại nơi lắp đặt; thiết bị dễ bị hư hỏng, nguồn cung cấp năng lượng (điện, pin), truyền tin (sóng di động, internet) bị hạn chế nhất là trong điều kiện thiên tai; kinh phí đầu tư ban đầu và duy trì, vận hành hệ thống lớn. Khu vực miền núi Việt Nam có đặc điểm địa hình gồm nhiều mái dốc, sườn núi, suối nhỏ, thôn, bản có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở, nên nguồn kinh phí, nhân lực để đầu tư cho cảnh báo bằng phương pháp này là rất lớn. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các thiết bị cảnh báo phù hợp với đặc điểm của từng khu vực; xây dựng và ứng dụng thí điểm cho một số khu vực trọng điểm, xây dựng các quy trình áp dụng, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong lựa chọn, lắp đặt, vận hành hệ thống cảnh báo sớm bằng thiết bị quan trắc, giám sát tự động. (2) Cảnh báo sớm bằng cách xây dựng các bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý trong công tác quy hoạch; các bản đồ cảnh báo/thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian chỉ ra các khu vực có nguy cơ cao xảy ra trong thời gian ngắn (3-6h) giúp người dân chủ động phòng tránh. Phương pháp này hiện nay đang được sử dụng phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, các bản đồ này hầu hết mới được xây dựng ở tỷ lệ nhỏ (1/50.000) cho các địa phương; chỉ có một số ít các khu vực nhỏ đã được xây dựng bản đồ tỷ lệ lớn (1/10.000).

Hai là, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai đồng bộ một số giải pháp khác nhau nhằm tăng cường mức độ chi tiết các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, cụ thể như sau:

Ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại xác định ngưỡng mưa chi tiết; tăng cường độ phân giải dự báo mưa định lượng lên 01-03 km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, radar, mô hình số nhằm xác định khu vực xuất hiện các tâm mưa lớn phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; cung cấp bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trên cơ sở kết hợp các lớp thông tin về ngưỡng mưa, độ ẩm đất và dân sinh, kinh tế,…cung cấp trực tuyến tại địa chỉ http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và cung cấp cho các bộ, ngành có liên quan và các địa phương để chủ động phòng, chống.

Thực hiện Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi trung du Việt Nam” (Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2023) trọng tâm là xây dựng bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn tại 1.500 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét và Hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh, thành phố.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng các quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật và triển khai thực hiện cho 150 khu vực/điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất sau đó hướng dẫn, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện cho các khu vực khác. Đây là đề án lớn, thực hiện trên phạm vi rộng, do đó cần huy động nguồn lực của Trung ương và các địa phương cùng triển khai thực hiện.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung cử tri tỉnh Yên Bái quan tâm liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Bộ trân trọng kính gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái để thông tin tới cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri tỉnh Yên Bái trong thời gian tới./.

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
hình ảnh

Thúc đẩy hợp tác ASEAN trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Năm 2024, thực hiện phân công của Thủ tưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan.
hình ảnh

Thúc đẩy triển khai công tác phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lộ trình

Theo kết quả thống kê của Bộ TN&MT, đến nay có 16 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định cụ thể phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong các văn bản quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn tại địa phương; 02 tỉnh đã có quy định về chất thải rắn nhưng nội dung phân loại được viện dẫn theo quy định của Luật BVMT; 10 tỉnh chưa ban hành thành văn bản quy phạm pháp luật mà việc phân loại được thực hiện theo các kế hoạch, đề án của tỉnh về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; 33 tỉnh chưa ban hành các quy định hoặc chưa kịp thời báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.
hình ảnh

Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường các lưu vực sông

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về BVMT các LVS; xây dựng, hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông, đặc biệt là các sông chảy qua các đô thị, thành phố lớn như hiện nay.

Người đang online: 82

Lượt truy cập: 42,279

Chung nhan Tin Nhiem Mang