Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường các lưu vực sông

07:59 22/10/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về BVMT các LVS; xây dựng, hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông, đặc biệt là các sông chảy qua các đô thị, thành phố lớn như hiện nay.

Với quan điểm nhất quán “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương, công tác bảo vệ môi trường nói chung và BVMT nước tại các LVS nói riêng đã đạt được nhiều thành quả rất đáng ghi nhận. Hệ thống cơ chế, chính sách, các văn bản quy định của pháp luật về BVMT và tài nguyên nước (TNN) đã không ngừng được hoàn thiện. Các đề án BVMT nước lưu vực sông (LVS) đã được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Các dự án xử lý và cải tạo cảnh quan sinh thái đã được phê duyệt, đầu tư kinh phí. Hoạt động kiểm kê và kiểm soát nguồn thải đã được triển khai đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các LVS được đẩy mạnh. Hệ thống quan trắc, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường được đầu tư và vận hành. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng được triển khai rộng khắp, mang lại những hiệu quả thiết thực.

Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về BVMT các LVS; xây dựng, hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông, đặc biệt là các sông chảy qua các đô thị, thành phố lớn như hiện nay. Triển khai Kế hoạch xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; tổ chức đoàn kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; tổ chức đoàn công tác kiểm tra, khảo sát thực tế và làm việc với các tỉnh, thành phố về đánh giá thực trạng ô nhiễm, tình hình quản lý, xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tháng 7/2023, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải với sự tham dự của đầy đủ các địa phương, Bộ ngành có liên quan; theo đó, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hệ thống sông; cải tạo phục hồi môi trường, hệ sinh thái cảnh quan các đoạn sông ô nhiễm; trả lại môi trường ban đầu, vốn có.

Thực trạng, tồn tại, hạn chế

Lưu vực sông Cầu

Kết quả theo dõi trong nhiều năm cho thấy chất lượng nước sông bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm sau khi tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt (NTSH) chưa qua xử lý từ thành phố Thái Nguyên. Các thông số ô nhiễm đặc trưng cho hoạt động xả thải từ nguồn sinh hoạt và chăn nuôi. Điểm nóng nhất là tại suối Bóng Tối, suối Loàng, thành phố Thái Nguyên (giá trị các thông số ô nhiễm như COD, BOD5, amoni, nitrit... đều vượt nhiều lần so với ngưỡng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt phép).

Tại đoạn sông chảy qua tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh: các thông số ô nhiễm đều vượt Quy chuẩn (mức A2, thậm chí vượt mức B1, mức độ ô nhiễm phổ biến trên toàn đoạn sông. Điểm nóng ô nhiễm nhất là nhánh sông Ngũ Huyện Khê (tỉnh Bắc Ninh) và mức độ ô nhiễm vượt nhiều lần Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không có dấu hiệu giảm theo thời gian. Tại nhiều khu vực khác thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh (như cầu Song Thái, Văn Môn, Vạn Phúc, Hòa Long, Hiền Lương), tình trạng ô nhiễm cũng được phát hiện.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do NTSH (được xác định chiếm tỷ lệ trên 50% tổng lượng các loại nước thải phát sinh). Mặc dù cả 6 tỉnh trên LVS Cầu đều có hệ thống xử lý nước thải đô thị, tuy nhiên, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý vẫn còn rất thấp. Nguyên nhân thứ hai là do nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp (bao gồm chăn nuôi) và ngành nghề nông thôn (bao gồm làng nghề). Tiếp theo là do các nguồn sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên LVS Cầu có khoảng trên 4.000 nguồn thải, trong đó có 3.555 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh, 144 nguồn thải là khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), 238 cơ sở y tế và 140 làng nghề. Có 92% KCN trên toàn LVS có hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung. Đối với CCN, tỷ lệ có hệ thống XLNT rất thấp, 92,3% CCN của tỉnh Bắc Ninh, 89,5% CCN của tỉnh Thái Nguyên, 81,8% CCN của tỉnh Vĩnh Phúc và Hải Dương chưa có hệ thống XLNT tập trung.

Lưu vực sông Nhuệ - Đáy

Kết quả theo dõi chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiều năm gần đây cho thấy, ngoại trừ đoạn đầu nguồn sông (nơi tiếp nhận nước sông Hồng từ cống Liên Mạc), còn lại phần lớn các điểm quan trắc đều bị ô nhiễm và chất lượng nước chưa có sự cải thiện rõ rệt qua các năm, đặc biệt trên sông Nhuệ và các sông nội thành Hà Nội. Thành phần ô nhiễm chủ yếu bởi chất hữu cơ, hợp chất nitơ và chất rắn lơ lửng (TSS)

Khu vực ô nhiễm nhất là đoạn sông Nhuệ chảy qua khu vực nội thành Hà Nội (từ cầu Tó đến điểm cầu Chiếc, sau khi tiếp nhận nước thải của thành phố) và ít chuyển biến giữa các mùa trong năm (kể cả vào mùa mưa). Các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét) đều là kênh dẫn nước thải và là các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Trên sông Đáy, chất lượng nước sông chịu ảnh hưởng lớn của chất lượng nước sông Nhuệ (tại sau điểm hợp lưu), mức độ ô nhiễm được cải thiện dần về phía hạ lưu. Ngoài ra, trên sông Châu Giang, tại các điểm Phủ Lý, Đầm Tái, cầu Sắt có chất lượng nước ở mức xấu, đặc biệt tại Đầm Tái nước bị ô nhiễm nặng.

Nguyên nhân chủ yếu do NTSH (trong đó nguồn đóng góp lớn nhất là từ TP. Hà Nội) chiếm tỷ lệ trên 65%. Sau đó là nước thải sản xuất của các cơ sở sản xuất và làng nghề. Theo kết quả điều tra, khảo sát của Bộ TN&MT, trên toàn LVS Nhuệ - Đáy có khoảng 1.982 nguồn thải, trong đó 1.662 nguồn thải là cơ sở sản xuất kinh doanh; 39 nguồn thải là KCN, CCN; 137 cơ sở y tế (bệnh viện); 144 làng nghề. Mỗi ngày LVS Nhuệ - Đáy phải tiếp nhận 19.048 m3 nước xả thải (trong đó lưu lượng phát sinh từ sinh hoạt của người dân là 16.421 m3/ngày đêm). Hà Nội là địa phương có tổng số nguồn thải cao nhất (chiếm tới 60% trên toàn lưu vực), tiếp đến là Hà Nam, Nam Định và thấp nhất là Hòa Bình.

Lưu vực sông Đồng Nai

Kết quả theo dõi của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong nhiều năm cho thấy, chất lượng nước năm 2023 có xu hướng cải thiện so với đợt quan trắc cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên tại một số điểm (cầu Ông Tiếp và bến đò Long Kiểng; khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh thuộc hạ lưu sông Sài Gòn từ cầu Ông Buông, cầu Chữ Y và cầu An Lộc; khu vực cầu Tàu, phường Long Bình Tân) chất lượng nước vẫn tiếp tục suy giảm. Tại điểm hợp lưu sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây, chất lượng nước ở mức ô nhiễm cao và có xu hướng tăng dần mức độ ô nhiễm về phía hạ lưu trên các sông nhánh do tiếp nhận NTSH từ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí cảng Phú Định (sông Chợ Đệm) có chất lượng nước bị ô nhiễm nặng. Tại sông Thị Tính và các chi lưu trên địa bàn thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng (Bình Dương) tình trạng ô nhiễm có xu hướng tăng dần qua các năm gần đây, chất lượng nước sông chỉ đạt mức B1.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do NTSH. Tổng lưu lượng NTSH và công nghiệp toàn LVS Đồng Nai vào khoảng 4.677.000 m3/ngày đêm, trong đó NTSH đô thị và nông thôn khoảng 3.468.000 m3/ngày đêm (chiếm 74%), nước thải công nghiệp từ các KCN, CCN và các cơ sở sản xuất, kinh doanh khoảng 1.210.000 m3/ngày đêm (chiếm 26%).

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Hệ thống Bắc Hưng Hải) cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh của 04 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương). Chức năng của Hệ thống Bắc Hưng Hải là tưới tiêu phục vụ nông nghiệp và một phần giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái lưu vực. Toàn hệ thống thủy lợi có 83 kênh chính và kênh nhánh đều trong tình trạng bị ô nhiễm.

Cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, Hệ thống Bắc Hưng Hải đảm nhận thêm chức năng tiếp nhận nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bệnh viện, làng nghề, chăn nuôi... với tổng lượng nước thải xả vào Hệ thống Bắc Hưng Hải (năm 2022) vào khoảng 439.000 m3/ngày đêm. Trong đó, NTSH đạt khoảng 317.300 m3/ngày đêm (chiếm khoảng 60%) và hầu hết chưa qua xử lý; nước thải từ các CCN, làng nghề xả vào hệ thống; nước thải từ các KCN chiếm hơn 9%, còn lại (khoảng 10%) là nước thải của cơ sở ngoài KCN, CCN, nước thải y tế… Riêng thành phố Hà Nội, lượng nước thải từ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, sinh hoạt dân sinh dọc LVS Cầu Bây chảy qua thành phố Hà Nội qua cống Xuân Thụy và sông Kiên Thành với lưu lượng phát sinh ước khoảng 155.520 m3/ngày đêm.

Kết quả quan trắc hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho thấy: có khoảng 90% các vị trí quan trắc có một hoặc nhiều thông số ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh vượt giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (cột B1); trên 90% số ngày giá trị DO không đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT và trên 70% số ngày có giá trị N-NH4+ và TSS vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Hệ thống công trình thủy lợi này bị ô nhiễm là do khả năng dẫn nước bị hạn chế; trong khi thường xuyên tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp cũng như phải tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ các sông nhánh chảy vào.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước Hệ thống Bắc Hưng Hải cụ thể như sau:

Thứ nhất, nước thải sinh hoạt tại khu đô thị, khu dân cư tập trung và dân cư nông thôn, là các nguồn gây ô nhiễm chính cho Hệ thống Bắc Hưng Hải, nhưng chưa có công trình, hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải (XLNT), phần lớn đang xả trực tiếp ra môi trường; 86% CCN không có hệ thống xử lý nước thải; hầu hết nước thải làng nghề, nước thải chăn nuôi hộ gia đình không có hệ thống thu gom xử lý. Các nguồn thải này đã và đang hàng ngày, trực tiếp gây ra ô nhiễm nguồn nước.

Hiện tượng bồi lắng lòng chảy, lấn chiếm lòng sông, bờ sông, vứt rác, xả rác, chất thải xuống sông vẫn thường xuyên tái diễn. Ngoài ra, những tháng mùa khô trong năm, nguồn nước bổ cập cho Hệ thống Bắc Hưng Hải thiếu, do mực nước sông Hồng tại cống Xuân Quan xuống thấp hơn mức thiết kế, nên Hệ thống Bắc Hưng Hải hoàn toàn chỉ là kênh dẫn lưu chuyển nước thải từ hoạt động dân sinh và công nghiệp trong vùng xả ra, làm cho ô nhiễm nguồn nước trầm trọng hơn.

Ý thức chấp hành của một bộ phận doanh nghiệp, người dân còn thấp, không chấp hành nghiêm các quy định pháp luật BVMT, vẫn còn hiện tượng xả trộm, xả nước thải chưa qua xử lý/xử lý chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về BVMT theo quy định, là nguyên nhân góp phần gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải. 

Giải pháp trong thời gian tới

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BVMT LVS, thống nhất quản lý nhà nước về BVMT nguồn nước, số lượng, chất lượng môi trường nước theo LVS.

Đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn tài chính cho công tác BVMT LVS. Tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Nhà máy XLNT sinh hoạt tập trung từ nguồn đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2023 - 2025, 2026 - 2030), đảm bảo đến năm 2030, thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn đạt QCVN về chất thải cho phép trước khi xả ra môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ONMT nước một số lưu vực sông (bao gồm hệ thống Bắc Hưng Hải); xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; chủ trì, phối hợp xây dựng Quy chế về quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Ban quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải...

Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi môi trường trong xử lý nước thải tại LVS; kiểm soát chặt tại nguồn.

Tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong kiểm soát, xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đoạn sông, dòng sông trên địa bàn. Đề nghị UBND cấp tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện ngay Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt theo Luật, Nghị định, Thông tư và Văn bản số 1068/BTNMT-KSONMT ngày 24/2/2023 về việc hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt theo quy định của Luật BVMT.

Truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT LVS, chất lượng môi trường nước sông.

Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực LVS để quản lý, khai thác, sử dụng bền vững, chia sẻ thông tin, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
hình ảnh

Thúc đẩy hợp tác ASEAN trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Năm 2024, thực hiện phân công của Thủ tưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan.
hình ảnh

Nghiên cứu đầu tư thiết bị cảnh báo sớm lũ quét, lũ ống, sạt lở đất tại các khu dân cư có nguy cơ cao

Trong cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Yên Bái đã xảy ra các vụ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Bộ TN&MT đã có văn bản trả lời kiến nghị của cư tri tỉnh Yên Bái. Trong đó, cử tri đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm nghiên cứu đầu tư thiết bị cảnh báo sớm lũ quét, lũ ống, sạt lở đất tại các khu dân cư có nguy cơ cao nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân tại khu vực này.
hình ảnh

Thúc đẩy triển khai công tác phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lộ trình

Theo kết quả thống kê của Bộ TN&MT, đến nay có 16 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định cụ thể phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong các văn bản quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn tại địa phương; 02 tỉnh đã có quy định về chất thải rắn nhưng nội dung phân loại được viện dẫn theo quy định của Luật BVMT; 10 tỉnh chưa ban hành thành văn bản quy phạm pháp luật mà việc phân loại được thực hiện theo các kế hoạch, đề án của tỉnh về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; 33 tỉnh chưa ban hành các quy định hoặc chưa kịp thời báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.

Người đang online: 2

Lượt truy cập: 42,279

Chung nhan Tin Nhiem Mang