Thời gian qua, Việt Nam đã và đang từng bước xây dựng quy định pháp luật để hình thành, phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Tuy nhiên, đối chiếu giữa kinh nghiệm quốc tế với hệ thống tổ chức, pháp luật hiện hành ở Việt Nam cho thấy khuôn khổ pháp lý cho thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh cần được hoàn thiện trong thời gian tới.
Về hệ thống pháp luật hiện hành và những vướng mắc liên quan đến nội dung phân loại xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh ở Việt Nam
Một là, pháp luật về bảo vệ môi trường:
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tín dụng xanh (Điều 149) và trái phiếu xanh (Điều 150). Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh (Điều 154, Điều 155, Điều 156, Điều 157). Đặc biệt, theo quy định tại khoản 1 của Điều 154 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các dự án đầu tư để được xem xét cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh bắt buộc phải chứng minh đáp ứng tiêu chí môi trường (Khoản 1, Điều 154: Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường quy định tại khoản 1 Điều 149 hoặc khoản 2 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường và theo quy định tại Nghị định này được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 154 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì “Việc xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh được thực hiện theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có nhu cầu xác nhận để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định tại Nghị định này” (Khoản 3, Điều 154: việc xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có nhu cầu xác nhận để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định tại Nghị định này.). Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn một số quốc gia, khu vực quy định việc xác nhận để giảm thiểu rủi ro về môi trường và tài chính, hạn chế việc tẩy xanh, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư. Chưa có quốc gia, khu vực nào quy định xác nhận để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh như tại khoản 3 Điều 154 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ có liên quan đến dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh ở Việt Nam rất đa dạng (ưu đãi về thuế, đất đai, lãi suất…), và thường được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Hai là, pháp luật về tín dụng, trái phiếu:
Hiện nay, có một số văn bản pháp luật như: về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP), trái phiếu do Chính phủ phát hành (Nghị định số 95/2018/NĐ-CP) (Tại Điều 21 về trái phiếu xanh) và trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành (Nghị định số 93/2018/NĐ-CP). Tuy nhiên, để áp dụng được các quy định về tín dụng xanh, tài chính xanh đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải tham chiếu cùng lúc nhiều văn bản pháp luật, một số thuật ngữ còn thiếu thống nhất giữa các văn bản (như dự án xanh trong Nghị định số 95/2018/NĐ-CP và dự án đáp ứng tiêu chí môi trường để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; trái phiếu chính quyền địa phương xanh trong Nghị định số 93/2018/NĐ-CP và trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương phát hành trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
Ba là, pháp luật liên quan đến tổ chức xác nhận:
Đối chiếu các tổ chức đáp ứng đủ yêu cầu có thể tham gia xác nhận từ kinh nghiệm quốc tế với quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2020 của Việt Nam cho thấy một số loại hình tổ chức có tiềm năng tham gia vào việc xác nhận bao gồm: tổ chức kiểm toán độc lập; tổ chức xếp hạng tín nhiệm; tổ chức đánh giá sự phù hợp; tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định về việc xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh trong các văn bản pháp luật có liên quan về các loại hình kinh doanh nêu trên (Tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định tại Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập; Thông tư 69/2015/TT-BTC về Khuôn khổ Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; (ii) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm theo quy định tại Nghị định 88/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 09 năm 2014 của Chính phủ quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; (iii) Tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp). Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu, tham vấn và rà soát các văn bản pháp luật về đánh giá sự phù hợp cho thấy việc giao cho các tổ chức nêu trên thực hiện xác nhận để hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước là không phù hợp cũng như thiếu căn cứ pháp lý.
Bốn là, pháp luật liên quan đến ưu đãi, hỗ trợ cho các dự án đầu tư cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 133 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP: “Ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất trực tiếp cho chủ đầu tư sau khi tất toán các khoản tín dụng trung, dài hạn để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường theo Phụ lục XXX ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và dự án được cấp tín dụng xanh tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài Việt Nam. Chủ đầu tư cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh dự án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hiệu quả, chính xác về đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì việc hỗ trợ lãi suất sẽ được xem xét, quyết định kể từ ngày 01/01/2026. Theo quy định về trái phiếu xanh tại Điều 157 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì chỉ có khoản ưu đãi, hỗ trợ về giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán và chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương phát hành được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm (Khoản 8, Điều 157 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
Mục đích của việc “xác nhận” là để áp dụng đối với các chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có nhu cầu hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay chưa có khoản ưu đãi, hỗ trợ cụ thể của Nhà nước đối với loại hình dự án này, dẫn đến khó xác định thời điểm xác nhận, hiệu lực của việc xác nhận, quy trình kiểm tra, giám sát, đánh giá và xử lý vi phạm nếu việc xác nhận không đúng, không chính xác. Dự thảo Danh mục phân loại xanh được xây dựng mới chỉ đề cập tới khía cạnh kỹ thuật nhằm nhận diện các dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường để được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh mà chưa bao quát được các khía cạnh tài chính của một dự án xanh (quản lý nguồn tiền thu được, chế độ báo cáo, xử phạt trong lĩnh vực tín dụng, trái phiếu....).
Danh mục phân loại xanh trong một số chiến lược, đề án, dự thảo văn bản có liên quan
Hiện nay, có một số chiến lược, kế hoạch, đề án do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã giao một số nhiệm vụ về danh mục phân loại xanh cho các bộ, ngành có liên quan như: Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trong đó đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Huy động nguồn lực, điều phối các nguồn tài trợ trong và ngoài nước, nguồn tài chính khí hậu; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia; xác định những nhiệm vụ, dự án tăng trưởng xanh trọng điểm; xây dựng “Lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh gắn kết với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng trung hòa các-bon”; “các bộ, ngành chủ trì xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh theo ngành và lĩnh vực quản lý, đảm bảo thống nhất với hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia”. Đặc biệt, căn cứ theo Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22 tháng 07 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang dự thảo một số văn bản về nội dung này như dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế xanh Quốc gia8; Nghị định về cơ chế thử nghiệm cho kinh tế tuần hoàn cũng đề xuất nội dung thử nghiệm chính sách về phân loại xanh (Công văn số 9547/BKHĐT-KHGDTNMT ngày 14 tháng 11 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lấy ý kiến về ban hành Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia.).
Kiến nghị của một số cơ quan, tổ chức
Ngày 07 tháng 12 năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được Văn bản số 9575/VPCP-DMDN của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo tình hình doanh nghiệp tháng 11 năm 2023, trong đó yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xem xét về kiến nghị của Ban IV tại Báo cáo số 17/Ban IV ngày 01 tháng 11 năm 2023 về việc Chính phủ sớm ban hành Nghị định về phân loại xanh, tín dụng xanh/tài chính xanh.
Tiếp đó, ngày 05 tháng 5 năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được Phiếu chuyển số 1079/PC-CPCP của Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Văn phòng Chính phủ về việc chuyển Văn bản số 16/CV-HHDNĐTNT ngày 17 tháng 4 năm 2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong đó, các khuyến nghị cho thấy việc hoàn thiện và ban hành Danh mục phân loại xanh là vấn đề cấp bách, cần gấp rút triển khai để Việt Nam có đầy đủ khung pháp lý phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Đồng thời cũng cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng, trái phiếu xanh.
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng các vướng mắc, bất cập về tín dụng xanh, trái phiếu xanh tại Việt Nam và phân tích các bài học kinh nghiệm quốc tế, đồng thời căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 149 (Khoản 5 Điều 149 “Chính phủ ban hành lộ trình thực hiện và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh”), khoản 5 Điều 150 (Khoản 5 Điều 150 “Chính phủ quy định chi tiết Điều này”) Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và kiến nghị của một số tổ chức cho thấy:
Chưa có quốc gia nào trên thế giới thực hiện việc xác nhận để hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ như quy định tại khoản 3 Điều 154 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, mục đích chính của việc xác nhận là để giảm thiểu nguy cơ rủi ro về tẩy xanh, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Việc xác nhận để hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước thường được áp dụng bởi các văn bản pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ (cụ thể như đất đai, thuế, phí, lãi suất …). Việc xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh rất đa dạng, tuỳ thuộc vào loại hình tín dụng hoặc trái phiếu do khác nhau về đối tượng, thời điểm, loại hình ưu đãi, hỗ trợ, quy mô, quy trình, thủ tục.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định Thủ tướng Chính phủ không quy định được đầy đủ các vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Hệ thống pháp luật, quản lý nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh ở Việt Nam chưa đồng bộ như kinh nghiệm và khuyến nghị của quốc tế; một số nhiệm vụ xây dựng các văn bản pháp luật tại các chiến lược, đề án, Dự thảo có thể dẫn đến trùng lặp, không hiệu quả. Do vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xin báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành tiêu chí môi trường, danh mục phân loại xanh để làm căn cứ pháp lý cho tổ chức, cá nhân xác định dự án đầu tư trong hoạt động cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh theo quy định tại Điều 149, Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các Điều 154, 155, 156 và Điều 157 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Đồng thời, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan căn cứ vào Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khoản 5 Điều 149, khoản 5 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tổ chức, quy định pháp luật về tín dụng xanh, trái phiếu xanh; đặc biệt nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh sau khi tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh được Thủ tướng Chính phủ ban hành để quản lý đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế về tín dụng xanh, trái phiếu xanh; đồng thời việc ban hành Nghị định để bảo đảm quy định đầy đủ trình tự, thủ tục để giải quyết thủ tục hành chính về xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động, tổ chức thực hiện xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh và các nội dung có liên quan đến ưu đãi, hỗ trợ tín dụng xanh, trái phiếu xanh, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý và pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.