Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các thành phố lớn tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm, nhưng đây là một vấn đề phức tạp, đặc biệt với điều kiện thực tiễn của thành phố đang trong quá trình đô thị hoá mạnh mẽ. Để giải quyết ô nhiễm không khí của đặc biệt là tại các đô thị lớn, cần có sự chung tay, hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và ý thức từ cộng đồng.
Từ năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021, tiếp theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 891/QĐ-BTNMT ngày 29/4/2022 về Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ các địa phương, Bộ cũng đã xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí (văn bản hướng dẫn kỹ thuật số 3051/BTNMT-TCMT ngày 07/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Đồng thời, Bộ đã rất nỗ lực theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất lượng môi trường không khí nói chung và Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nói riêng tại các Bộ, ngành và địa phương.
Hệ thống các văn bản pháp luật cho quản lý chất lượng môi trường không khí đã được xây dựng và hoàn thiện đồng bộ để tổ chức triển khai thực hiện từ cấp Trung ương đến địa phương, cơ sở, cụ thể là: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT; Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh số 3051/BTNMT-TCMT ngày 07/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thực trạng tồn tại và hạn chế
Ô nhiễm không khí là vấn đề hiện hữu của Việt Nam, mà trọng tâm là 02 khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc (xung quanh thành phố Hà Nội) và phía Nam (xung quanh khu vực thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả theo dõi diễn biến chất lượng không khí do Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thực hiện trong nhiều năm gần đây (có tham khảo số liệu từ trạm quan trắc không khí tự động liên tục do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện) cho thấy, ô nhiễm không khí, mà cụ thể là ô nhiễm do bụi mịn PM 2.5 tại khu vực đã xuất hiện thường xuyên, với mức độ ô nhiễm có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng hơn (trừ 02 năm covid là 2021 và 2022, chất lượng môi trường không khí có dấu hiệu được cải thiện). Ô nhiễm có tính quy luật theo mùa (từ khoảng tháng 10 - 11 của năm trước, kèo dài tới tháng 4 năm sau) và tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông và tập trung nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày, mức độ ô nhiễm cũng giao động, tập trung vào 6 - 8h sáng và 17 - 19h chiều.
Vấn đề nổi cộm từ trước và đến nay vẫn chưa được cải thiện tại các đô thị lớn (đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) là phát sinh bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí rất lớn từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ô tô, xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy đang lưu hành) và từ các công trình xây dựng, các công trình thi công sửa chữa đường giao thông, thoát nước nội đô, cải tạo mặt đường và vỉa hè. Tại 02 thành phố lớn (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), mặc dù phạm vi, số lượng và mật độ các nguồn phát sinh khí thải của Thành phố Hồ Chí Minh lớn hơn thành phố Hà Nội, nhưng mức độ ô nhiễm của khu vực thành phố Hà Nội lớn hơn do điều kiện khí hậu, thời tiết. Về thông số ô nhiễm, hiện nay các kết quả theo dõi cho thấy, ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi mịn (PM 2.5), đối với các thông số khác NO2, O3, CO, SO2 đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT.
Tại khu vực nông thôn, miền núi, chất lượng môi trường không khí khá sạch, tuy nhiên, một số khu vực nông thôn cục bộ đã bị ảnh hưởng bởi các hoạt động làng nghề, hoạt động tiểu thủ công nghiệp, khai thác khoáng sản và các hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp, chất thải.
Nguyên nhân của vấn đề
Tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, đang phải chịu áp lực rất lớn từ quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động xây dựng, sự gia tăng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quá nhanh làm tăng áp lực lớn đến chất lượng môi trường không khí, đến kết quả của công tác quản lý môi trường không khí. Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành còn thấp và chưa có quy định quản lý quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải của xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy đang lưu hành. Việc chấp hành chưa nghiêm các quy định về BVMT tại các công trình xây dựng, công trình giao thông đô thị, công trình công ích...
Nhiều địa phương chưa xây dựng hoặc đang xây dựng, ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Một số địa phương có sự lúng túng trong tổ chức xây dựng và ban hành Kế hoạch. Tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 16 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Nguyên nhân là do các địa phương cho rằng việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh cần có thời gian và kinh phí, tuy nhiên với nguồn lực kinh phí khá hạn chế, cơ chế phê duyệt kinh phí khác nhau đối với từng địa phương.
Tình trạng đốt chất thải, rác thải tại các địa phương; đốt nương làm rẫy tại một số tỉnh vùng núi phía Bắc; đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vẫn diễn ra tại một số khu vực ngoại ô thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận gây ra tình trạng khói mù, ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải, dân sinh và sức khỏe của người dân. Nguyên nhân do công tác quản lý, giám sát môi trường tại địa phương chưa nghiêm, ngoài ra do cơ quan quản lý chuyên ngành chưa có biện pháp hữu hiệu hướng dẫn người dân tái sử dụng, xử lý rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp đúng cách. Bản thân người nông dân không tìm được biện pháp xử lý nào nên mới sử dụng biện pháp mà từ lâu nay họ vẫn làm là đốt tại ruộng.
Một nguyên nhân rất quan trọng là do điều kiện thời tiết và khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến nồng độ PM2.5. Trong những ngày lặng gió, bụi không thể phân tán và tích tụ lại, gây ra ô nhiễm cao. Đặc biệt vào mùa đông, hiện tượng nghịch nhiệt khiến không khí bị chặn lại ở gần mặt đất, làm tăng nồng độ PM2.5.
Giải pháp trong thời gian tới
Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các thành phố lớn tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm, nhưng đây là một vấn đề phức tạp, đặc biệt với điều kiện thực tiễn của thành phố đang trong quá trình đô thị hoá mạnh mẽ. Để giải quyết ô nhiễm không khí của đặc biệt là tại các đô thị lớn, cần có sự chung tay, hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và ý thức từ cộng đồng.
Tổ chức triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai lập kế hoạch xây dựng Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2026 - 2030.
Tăng cường kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí trong lĩnh vực được giao quản lý, đặc biệt là lĩnh vực giao thông vận tải (tập trung kiểm soát khí thải của phương tiện ô tô, xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy đang lưu hành), xây dựng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về xả khí thải, bụi và các hành vi gây ô nhiễm môi trường không khí.
Các địa phương tổ chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; thực hiện kiểm kê nguồn thải; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm gây tác động đến sức khỏe cộng đồng; tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn.
- Xây dựng, thiết lập mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn, đảm bảo cho việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được xu thế, diễn biến chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí, bụi; thống kê, đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí, từ các cơ sở công nghiệp; tập trung hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất có lò đốt, ống khói xả thải trên địa bàn thành phố thực hiện đúng quy định, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường không khí nói riêng. Xây dựng và sớm đưa nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường không khí vào chương trình đào tạo tại các cấp học.
Tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu và có cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh trong công tác kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.