Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Chủ động thanh tra, phát hiện vi phạm về tài nguyên và môi trường

09:00 10/02/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Công tác thanh tra ngành TN&MT hướng đến việc chủ động kiểm tra để kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường. Công tác thanh tra không chỉ kiểm tra tuân pháp luật mà còn giúp phản ánh nhu cầu cuộc sống với cơ quan quản lý Nhà nước.

Rút ngắn 40 -50% thời gian thanh, kiểm tra trực tiếp 

Theo ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT, trong năm 2024, Bộ đã tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới toàn diện về công tác thanh  tra; đồng thời bám sát ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và thực tiễn quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, trong đó, chú trọng đến đề xuất từ thực tiễn tại các địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ có các giải pháp đổi mới ngay từ quá trình xây dựng định hướng Chương trình thanh tra cho đến xây dựng và triển khai Kế hoạch thanh tra hàng năm phải đảm bảo trọng tâm, trọng điểm có tính khả thi cao, tránh chồng chéo, bảo đảm kịp tiến độ, chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật. Đặc biệt, với tinh thần hạn chế thời gian thanh tra trực tiếp tại địa phương. 

Từ những đổi mới trong xây dựng Kế hoạch và triển khai công thanh tra, kiểm tra này, Kế hoạch chi tiết triển khai của từng đoàn thanh tra, kiểm tra đảm bảo đúng đối tượng, đúng nội dung và rút ngắn được khoảng 40 -50% thời gian trực tiếp làm việc tại địa phương hoặc tại địa bàn thanh tra, kiểm tra. Đồng thời đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả; thời gian ban hành kết luận thanh tra đảm bảo theo yêu cầu.

Kết quả trong năm 2024, toàn ngành (theo số liệu tổng hợp của Bộ và của 23/63 Sở) đã tiến hành 591 cuộc thanh tra, kiểm tra, đối với 1.682 tổ chức, cá nhân. Ban hành 540 quyết định xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân với số tiền 113.921 triệu đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 6.749 triệu đồng. 

Lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ TN&MT tiếp công dân định kỳ tháng 1/2025

Chú trọng công tác đối thoại, hòa giải trong giải quyết đơn thư

Về công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT cho biết, trong thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là trong lĩnh vực đất đai tuy có giảm nhưng vẫn chiếm số lượng lớn, nhiều vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. 

Theo đó, Bộ đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, thúc đẩy rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Qua đó góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội. Công tác phối hợp trong tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo giữa Bộ với các Bộ ngành, giữa Bộ với địa phương và với các cơ quan tư pháp được thực hiện tương đối hiệu quả. 

Đặc biệt, những vụ việc công dân thường xuyên đến Bộ, Lãnh đạo Bộ đã tiếp, kịp thời có văn bản, giao Thanh tra Bộ trực tiếp làm việc trao đổi với địa phương. Nhiều địa phương đã chủ động có văn bản hoặc trực tiếp làm việc với Bộ để trao đổi, xin ý kiến về các vướng mắc trong giải quyết vụ việc phức tạp, tạo sự đồng thuận cao trong tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai. 

Kết quả năm 2024, toàn ngành đã tiếp 1.419 lượt người với 1.602 người, trong đó có 42 lượt đoàn đông người với 269 người; nhận được 8.905 lượt đơn thư khiếu nại tố cáo (có 3.841 đơn không đủ điều kiện xử lý, chiếm 43,1% số đơn nhận được), số đơn đủ điều kiện xử lý là 5.064 đơn tương ứng 4.750 vụ việc.

Trong quá trình giải quyết, luôn chú trọng công tác đối thoại, hòa giải và tuyên truyền chính sách pháp luật để công dân hiểu và tự nguyện rút đơn khiếu nại, do đó số vụ việc đã đình chỉ giải quyết khiếu nại lên tới 53% số vụ việc đã giải quyết thuộc thẩm quyền.

Tuy nhiên, nên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ngành cũng còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để như: còn tình trạng chưa xác định đúng đối tượng; nội dung thanh tra, kiểm tra chưa sát thực tiễn, chưa tập trung vào các vấn đề bức xúc xã hội. Đặc biệt, nhiều vụ việc chỉ được triển khai khi các vi phạm đã được các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện và đăng tin hoặc do Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ chỉ đạo. 

Bên cạnh đó, kết quả thanh tra đã góp phần hiệu quả vào việc giải quyết các bức xúc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí để đảm bảo pháp luật được thượng tôn, phát hiện những kẽ hở, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện. Tuy nhiên, kết quả trên chưa thật sự có sự chuyển biến mạnh mẽ để bảo đảm thực thi chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; 

Ngoài ra, một số nội dung sai phạm về pháp luật tài nguyên môi trường lặp đi, lặp lại trên nhiều địa phương, trong thời gian dài và đã được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn chưa có giải pháp để giải quyết triệt để; Việc khắc phục sai phạm qua kiến nghị về thanh tra, kiểm tra chưa triệt để, việc tổ chức thực hiện nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra còn chậm, phải đôn đốc nhiều lần ...

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới trong công tác thanh tra, kiểm tra

Để công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường nói riêng đạt được những hiệu quả đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ cho rằng, trong thời gian tới, đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ, các địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ như xây dựng kế hoạch và triển khai đảm bảo chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện về tài nguyên và môi trường như: Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023...

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới trong công tác thanh tra, kiểm tra như Bộ đã thực hiện năm 2023, 2024 trong toàn Ngành. Các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở cần tiếp tục quan tâm và chủ động nắm bắt đầy đủ thông tin, dữ liệu để đề xuất thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường và theo ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Thủ trưởng các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát các Đoàn thanh tra, kiểm tra đảm bảo các cuộc thanh tra, kiểm tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, nhất là việc tuân thủ các quy định của pháp luật về việc ban hành báo cáo, kết luận thanh tra, kiểm tra; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra; chấp hành nghiêm các quy định về công tác tổng hợp báo cáo.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 623/NQUBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh.

Ngoài ra, duy trì trực tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan thực hiện việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu về công tác thanh tra, kiểm tra; thiết lập cơ chế trao đổi thông tin để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa Bộ, Ngành và địa phương trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Trường Giang

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Đất đai, khoáng sản, môi trường – những lĩnh vực thanh tra quan trọng năm 2025

Để chuẩn bị cho công tác thanh tra năm 2025, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2025 của Bộ TN&MT.

Phấn đấu chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) đạt trên 55 vào năm 2030

Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch số 744-KH/BCSĐTNMT về việc thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết số 111/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình hành động của ngành TN&MT thực hiện Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ

Bộ TN&MT vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện hai Nghị quyết quan trọng của Chính phủ. Đó là: Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.

Người đang online: 4

Lượt truy cập: 103,496

Chung nhan Tin Nhiem Mang