Năm 2024, các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao và theo tinh thần của Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và chỉ thị số 25/CT-BTT ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương; đã tích cực hợp tác với các đối tác phát triển triển khai các kế hoạch, chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp với nhu cầu thực tế.
Đặc biệt, với vai trò là Trưởng nhóm tài nguyên nước của ASEAN tại Việt Nam, đã tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác ASEAN về tài nguyên nước như tham gia hội nghị, hội thảo và đóng góp ý kiến chuyên môn cho các hoạt động trong nhóm.
Trong hợp tác quốc tế theo cơ chế song phương và đa phương, năm 2024, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã hoàn thành tốt các hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các cơ chế hợp tác vùng; phối hhợp với các quốc gia thành viên và Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức thành công Phiên họp Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 31 tại Luông Prabang, Lào (tháng 11/2024); hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, bao gồm nâng cấp các trạm dự báo, cảnh báo, tham vấn các công trình thủy điện dòng chính, chia sẻ thông tin số liệu vận hành các công trình thủy điện trên dòng chính, dòng nhánh; tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Mi-an-ma trong chia sẻ thông tin số liệu và thực hiện các Nghiên cứu chung giữa cơ chế hợp tác Mê Công – Lan Thương và hợp tác Uỷ hội sông Mê Công quốc tế.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành làm trưởng đoàn tham dự Phiên họp Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 30 (tháng 11/2024)Bên cạnh đó, Văn phòng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao với vai trò đầu mối hợp tác Mê Công-Lan Thương. Đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện và thực hiện Kế hoạch hành động 5 năm hợp tác tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương giai đoạn 2023-2027, tổ chức thực hiện Nghiên cứu chung giữa Ủy hội sông Mê Công quốc tế và Trung Quốc về sự thay đổi điều kiện thủy văn trên lưu vực sông Mê Công – Lan Thương và chiến lược thích ứng.
Ngoài ra, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tham gia các hoạt động hợp tác tài nguyên nước trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng, Quan hệ Đối tác Mê Công-Mỹ; Hợp tác Mê Công-Hàn Quốc, Hợp tác Mê Công-Nhật Bản, Mê Công- Sông Hằng, ACMECS; Tiếp tục duy trì hoạt động thường xuyên thông báo tình hình xả nước của các công trình thuỷ điện trên sông Sê San và Srêpốk cho phía Campuchia.
Đối với hợp tác với Lào trong lĩnh vực tài nguyên nước, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam xuyên trao đổi phối hợp với Lào trong việc chia sẻ thông tin về kế hoạch phát triển thủy điện dòng chính; theo dõi, giám sát tác động triển khai và các biện pháp giảm thiểu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.
Các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước cũng tích cực triển khai có hiệu quả, tích cực các nội dung hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới, Hà Lan, Phần Lan, Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v. Ngoài ra, tích cực tìm kiếm, mở rộng xây dựng quan hệ với các đối tác mới có tiềm năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, đồng thời có lợi ích trong việc hỗ trợ phát triển, quản lý sử dụng và khai thác bền vững tài nguyên nước như Pháp, Úc, Hoa Kỳ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc…, tích cực mở rộng mạng lưới với các đối tác mới như Unesco, Unicef…