Để tiềm năng tài nguyên biển được khai thác mạnh mẽ hơn nữa, trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển, Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất 3 định hướng quan trọng: Nâng cao quản lý, điều tra tài nguyên; Khuyến khích đầu tư; Huy động và đầu tư nguồn lực.
* Hoàn thiện chính sách, nâng cao năng lực quản lý
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Đông Nam Bộ có diện tích tự nhiên là 1.982,56 km2, dân số 1.167.938 người, mật độ 589 người/km2. Tỉnh có đường bờ biển dài khoảng 130,7 km (chưa tính Côn Đảo) với diện tích thềm lục địa rộng gần 100.000 km2.
Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tỉnh luôn chú trọng và quyết liệt về công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh
Theo đó, về xây dựng chính sách pháp luật, thời gian qua, tỉnh đã tích cực tham gia với Bộ TN&MT trong việc xây dựng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cũng như các văn bản kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Đồng thời, tỉnh cũng ban hành Quy chế quản lý hành lang bảo vệ bờ biển nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ của tỉnh. Bên cạnh đó, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về phát triển bền vững kinh tế biển, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như tổ chức thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo,
Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu chính sách quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn như: Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ; Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chiến lược “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”... để tổ chức thực hiện trên địa bàn.
Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trong đó về tổ chức điều tra cơ bản biển và hải đảo, tỉnh đã tổ chức các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển để hoàn thành công tác Lập hồ sơ tài nguyên hải đảo, xây dựng cơ sở dữ liệu biển và hải đảo trên địa bàn.
Về triển khai các quy hoạch biển, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng phương án sử dụng biển và vùng bờ để tích hợp vào trong Quy hoạch tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1926/QĐ-TTCP ngày 16/12/2023.
Về giao khu vực biển, tỉnh đã phối hợp với Bộ TN&MT quyết định giao khu vực biển cho 7 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích giao là 1.303,74 ha, thu tiền sử dụng khu vực biển về ngân sách 232.169.500.000 đồng…
Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tỉnh đã nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và đã đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong phát triển các ngành kinh tế biển; từng bước hình thành được các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển đảo; cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế biển có sự chuyển biến tích cực theo đúng định hướng phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Để đạt được những kết quả này do phương thức quản lý tổng hợp biển và hải đảo đã bước đầu được tạo lập trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, các tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…
Bà Rịa – Vũng Tàu có tiềm năng lớn về tài nguyên biển (ảnh minh họa)
* 3 giải pháp định hướng
Nhìn nhận thẳng thắn, kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây đã có dấu hiệu chậm lại. Vẫn còn tình trạng xung đột phát triển giữa các ngành kinh tếtrên cùng một địa bàn lãnh thổ nhưng chưa được giải quyết triệt để. Sự phát triển một số ngành, lĩnh vực vẫn chủ yếu dựa trên cơ sở mở rộng quy mô, chưa thật sự chuyển dịch phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, bền vững.
Ngoài ra, hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn tới.
Để giải quyết vấn đề này, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định 3 giải pháp định hướng trong thời gian tới.
Thứ nhất là nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ; hoàn thành công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; thực hiện tốt công tác giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhận chìm ở biển; xử lý kịp thời sự cố môi trường trên biển và vùng bờ, nhất là sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển; giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trên biển.
Thứ hai, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước để triển khai kịp thời cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biển phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư các ngành kinh tế biển; chủ động gắn thu hút đầu tư với cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế biển. Đồng thời, xác định và triển khai lộ trình tăng trưởng kinh tế cacbon thấp nhờ chuyển giao công nghệ, sử dụng các cơ chế phát triển sạch, tìm kiếm tài trợ quốc tế cho các chương trình quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, huy động và đầu tư nguồn lực tương xứng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý biển cũng như đáp ứng được yêu cầu khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ tốt môi trường biển và phát triển hiệu quả kinh tế biển của tỉnh. Ưu tiên nguồn lực trong việc đầu tư cho khoa học - công nghệ biển của tỉnh, nhất là ưu tiên vào lĩnh vực hải dương học, gắn khoa học và công nghệ với phát triển du lịch biển, tham quan học tập và giáo dục cộng đồng; ứng dụng công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng phục vụ khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; sớm đầu tư dự án Khu Khoa học và công nghệ biển tại thành phố Vũng Tàu.