Biến đổi khí hậu có thể có tác động đến sản xuất lương thực trên toàn thế giới. Câu hỏi đặt ra là liệu thế giới có thể điều chỉnh hệ thống lương thực của mình để thích ứng với biến đổi khí hậu hay không? Những thay đổi đó là gì và liệu những tác động tiêu cực đến năng suất có thể được bù đắp không?
4 cách để thích ứng với sản xuất cây trồng
Để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới ngành trồng trọt, nông dân có thể áp dụng 4 cách sau:
Đầu tiên là thay đổi loại cây trồng. Đây có thể là một loại cây trồng hoàn toàn khác, ví dụ như ngô thay vì lúa mì; hoặc một giống khác của một loại cây trồng cụ thể. Hiện nay, các nhà khoa học đã lai tạo nhiều "giống" khác nhau với các đặc điểm khác nhau và khả năng phát triển tốt ứng theo các điều kiện khác nhau. Trong đó, một số giống được lai tạo có khả năng chịu hạn tốt hơn những giống khác; ngoài ra, một số giống được lai tạo để rút ngắn thời gian trưởng thành và thu hoạch.
Thứ hai, nông dân có thể thay đổi nơi gieo hạt giống. Khi nhiệt độ tăng hoặc giảm, địa điểm gieo trồng có thể dịch chuyển về phía Bắc hoặc phía Nam theo hướng nhiệt độ tối ưu hơn. Ở các vùng núi, các khu vực gieo trồng có thể dịch chuyển lên hoặc xuống dốc tuỳ theo mùa và điều kiện thời tiết. Hoạt động nông nghiệp cũng có thể chuyển sang các vùng khô hơn hoặc ẩm ướt, tùy thuộc vào điều kiện địa phương.
Một cách khác thể triển khai là thay đổi thời điểm trồng và thu hoạch. Nông dân có thể bắt đầu gieo hạt sớm hơn hoặc muộn hơn tùy thuộc vào thời điểm mùa xuân đến. Điều tương tự cũng áp dụng cho các loại cây trồng mùa đông.
Cuối cùng, nông dân có thể thay đổi cách quản lý cây trồng. Cây trồng cần lượng nước, chất dinh dưỡng phù hợp và cần được chăm sóc, bảo vệ khỏi sâu bệnh. Việc sử dụng hệ thống tưới tiêu, phân bón và thuốc trừ sâu có thể giúp giảm thiểu một số tác động của biến đổi khí hậu, để cây trồng phát triển tốt hơn.
Ngành trồng trọt chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. (Ảnh: ezfloinjection.com)
Tăng cường khả năng cung cấp dữ liệu ở những nơi bị ảnh hưởng
Một thách thức trong việc đánh giá tác động của quá trình thích ứng là vấn đề thiếu dữ liệu và nghiên cứu mang tính đại diện. Chỉ một phần nhỏ các nghiên cứu xem xét tác động của biến đổi khí hậu và các chiến lược thích ứng được thực hiện ở Châu Phi cận Sahara và Nam Á. Đầu tư vào nghiên cứu nông nghiệp ở những khu vực này sẽ đóng vai trò quan trọng vì đây là nơi chịu tác động nghiêm trọng nhất của khí hậu.
Những thay đổi về ngày trồng trọt và việc lựa chọn các giống cây trồng tốt nhất có thể giúp bù đắp phần nào áp lực khí hậu ở các quốc gia gần đường xích đạo hơn.
Một nghiên cứu về nông nghiệp ở Tây Phi phát hiện ra rằng năng suất cây trồng có thể giảm trung bình 6% do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc thích nghi thông qua thay đổi ngày gieo hạt và lựa chọn các giống cây trồng tốt hơn có thể bù đắp cho những sự suy giảm này, giúp năng suất tăng 13%.
Một nghiên cứu khác tập trung vào vựa lúa mì lớn của Punjab ở Ấn Độ nhận thấy sự suy giảm năng suất lúa mì cũng có thể được chuyển thành năng suất tăng bằng cách điều chỉnh ngày trồng và sử dụng các giống cây trồng cải tiến.
Tuy nhiên, một số quốc gia, đối với các loại cây trồng cụ thể như ngô hoặc kê, các chiến lược này vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề. Chúng có thể bù đắp một số sự suy giảm năng suất nhưng không phải tất cả.
Tăng cường tiếp cận thủy lợi và phân bón
Năng suất cây trồng toàn cầu đã tăng đáng kể trong nửa thế kỷ qua. Các giống cây trồng được cải tiến là một trong những động lực lớn, nhưng tăng cường tiếp cận thủy lợi, phân bón và các đầu vào khác cũng rất quan trọng.
Điều này vẫn sẽ đúng trong điều kiện khí hậu thay đổi.
Một đánh giá về tác động của khí hậu đến năng suất của Rezaei và cộng sự năm 2023 chỉ ra quản lý thủy lợi và chất dinh dưỡng, tức là sử dụng và hiệu quả phân bón, sẽ là các lựa chọn thích ứng hiệu quả nhất.
Ở những khu vực thiếu nước do biến đổi khí hậu, nhu cầu tưới tiêu sẽ cao hơn. Tuy nhiên, một điểm quan trọng là năng suất cây trồng ở nhiều quốc gia đã bị hạn chế do khả năng tiếp cận thủy lợi và phân bón kém.
Nông dân ở các quốc gia phát triển có có năng suất cây trồng cao hơn nhiều. Một lý do cho điều này nhờ khả năng tiếp cận và sử dụng phân bón. Trong khi đó, một số quốc gia nghèo nhất thế giới, đặc biệt là trên khắp Châu Phi cận Sahara, sử dụng ít phân bón hơn 100 lần so vớ các quốc gia giàu có hơn. Nhiều quốc gia cũng không có quyền tiếp cận các nguồn dinh dưỡng bổ sung.
Dữ liệu về khả năng tiếp cận thủy lợi cũng không đầy đủ. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn về tỷ lệ thủy lợi dọc theo khu vực vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cụ thể, hơn 75% đất nông nghiệp ở Bangladesh và 40% ở Ấn Độ được tưới tiêu. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Ethiopia, Nigeria và Niger chưa đến 1%. Tất nhiên, nhu cầu thủy lợi trên toàn thế giới không đồng đều. Các quốc gia ở vĩ độ cao hơn, chẳng hạn như Vương quốc Anh, có nhiều mưa hơn và không phải phụ thuộc nhiều vào thủy lợi.