Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Bình Định: Xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên

08:00 21/01/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Nhằm thực hiện đồng bộ, chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường đối với các di sản thiên nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với các di sản thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường tuyên truyền

Theo quy định về di sản thiên nhiên của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 05 di sản thiên nhiên đã được công nhận, gồm: Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn (tại xã An Toàn, huyện An Lão), Thắng cảnh Gành Ráng (tại Phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), Di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà (tại huyện Phù Cát), Di tích danh thắng Hầm Hô (tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Thành Tà Kơn (tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh).

Chủ tịch tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với ngành chức năng liên quan hướng dẫn các Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, trình cấp thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, chủ trì xây dựng dự án phục hồi môi trường đối với các di sản thiên nhiên bị ô nhiễm, suy thoái môi trường, trình UBND tỉnh phê duyệt đối với di sản thiên nhiên cấp tỉnh hoặc đề xuất trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với di sản thiên nhiên cấp quốc gia; chủ động đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời nhằm giới hạn tổng lượng xả thải vào môi trường di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 21 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP trong trường hợp có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường di sản thiên nhiên.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về vai trò, giá trị di sản thiên nhiên và các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, xây dựng dự án xác lập, công nhận di sản thiên nhiên khác (nếu có) theo quy định; đồng thời chủ trì hướng dẫn, giám sát, kiểm tra công tác quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên của các Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về vai trò, giá trị di sản thiên nhiên và các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường đối với các di sản thiên nhiên thuộc lĩnh vực quản lý; quản lý, bảo vệ diện tích rừng thuộc khu di sản thiên nhiên theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, hướng dẫn, giám sát các Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên trong việc xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; rà soát, sắp xếp ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật; tổ chức điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên định kỳ, cập nhật kết quả điều tra vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định…

Thắng cảnh Ghềnh Ráng (Ảnh minh họa)

Bảo tồn và sử dụng bền vững các di sản thiên nhiên 

UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đối với di sản thiên nhiên. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các di sản thiên nhiên; phối hợp rà soát, sắp xếp ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành trong việc thành lập ban quản lý hoặc tổ chức quản lý di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản và di sản văn hóa.

Các Ban quản lý và tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên chủ động xây dựng hoặc cập nhật và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định. Cùng với đó, huy động nguồn lực để thực hiện quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật, các quy chế, kế hoạch đã được phê duyệt. Tổ chức điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên định kỳ, báo cáo UBND tỉnh và cập nhật kết quả điều tra vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; đồng thời rà soát, chủ động thực hiện các trình tự, thủ tục đề nghị công nhận danh hiệu quốc tế (nếu có) đối với di sản thiên nhiên đang quản lý theo quy định.

K.Linh

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
6 xu hướng khai khoáng bền vững trong năm 2025

6 xu hướng khai khoáng bền vững trong năm 2025

Khi các ngành công nghiệp toàn cầu nỗ lực hướng tới mục tiêu thân thiện với môi trường, ngành khai khoáng cũng có những bước chuyển đổi để phù hợp với xu thế. Theo đó, các công ty khai khoáng đang áp dụng những chiến lược sáng tạo để thúc đấy ngành công nghiệp bền vững.
EPA yêu cầu các lò đốt rác thải đô thị giám sát khí thải độc hại

EPA yêu cầu các lò đốt rác thải đô thị giám sát khí thải độc hại

Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) sắp tới sẽ yêu cầu các lò đốt rác thải đô thị thực hiện giám sát khí thải nguy hại.
EPR – Nhiều điểm mới được sửa đổi phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp

EPR – Nhiều điểm mới được sửa đổi phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Chính phủ đã ban hành 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, có nhiều quy định mới về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) mà doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu cần lưu ý.

Người đang online: 98

Lượt truy cập: 47,253

Chung nhan Tin Nhiem Mang