Các khu đô thị đóng góp 70% khí thải CO2 và tiêu tốn 75% năng lượng toàn cầu. Tỷ lệ này dự kiến tiếp tục tăng do quá trình đô thị hoá nhanh chóng. Theo dự đoán, đếnnăm 2050, hơn 2/3 dân số toàn cầu, tương ứng với khoảng 6,5 tỷ người, sẽ sống tại đô thị, tạo áp lực lớn lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm tăng nhu cầu về năng lượng và trầm trọng thêm “dấu chân môi trường” của các thành phố.
Để hướng tới tương lai bền vững với khả năng chống chịu trước các tác động của khí hậu, thế giới cần có các giải pháp để chuyển những khu “rừng bê tông” thành các hệ sinh thái đô thị bền vững. Một trong những yếu tố “thay đổi cuộc chơi”, sẽ đóng góp rất nhiều vào nỗ lực này là công nghệ khí hậu.
Cuộc cách mạng xây dựng
Công nghệ khí hậu là chìa khoá để xây dựng các thành phố đáng sống, có khả năng chống chịu cao và bền vững. Trong thời gian từ năm 2020-2021, các khoản đầu tư cho công nghệ khí hậu đã tăng lên 56 tỷ USD. Dù vậy, các chuyên gia ước tính rằng chi tiêu toàn cầu cho các nỗ lực chuyển dịch, như cải tạo các toà nhà, có thể lên tới 275 nghìn tỷ USD trong thời gian từ năm 2021-2050. Để lấp đầy khoảng trống tài chính, thế giới cần có các giải pháp công nghệ khí hậu để thúc đẩy khử carbon trong môi trường đô thị.
"Việc khử cacbon trong ngành xây dựng không chỉ là một cơ hội đầu tư mang tính bước ngoặt mà còn là nỗ lực quan trọng nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, qua đó bảo vệ tương lai cho thế hệ mai sau. Công nghệ khí hậu là kịch bản có lợi cuối cùng”, ông Michael Beckerman, Giám đốc điều hành nhóm đầu tư công nghệ sạch CREtech Climate Venture Coalition, cho biết.
Stonly Blue, Đối tác quản lý và Đồng sáng lập tại quỹ đầu tư giai đoạn đầu Third Sphere, nói thêm: "Một trong những điều đáng ngạc nhiên nhất mà chúng tôi học được sau 10 năm hoạt động trong lĩnh vực này là các khoản đầu tư khí hậu tốt không giống như 'các công ty khí hậu'. Công nghệ hoạt động như một công ty tuyệt vời, phát triển nhanh và được khách hàng ưa chuộng. Nhưng nếu bạn tìm hiểu một chút, bạn sẽ thấy rằng những công công nghệ này đang tạo ra một hoặc nhiều lợi ích cho hành tinh với mỗi USD doanh thu mà chúng mang lại, chẳng hạn như công nghệ tránh phát thải khí nhà kính (GHG) hoặc cải thiện khả năng phục hồi."
Vậy chúng ta bắt đầu từ đâu? Đầu tiên là cần hiểu về carbon tích hợp – tổng lượng khí thải GHG được tạo ra để sản xuất vật liệu xây dựng. Lượng khí thải này chiếm 80-90% lượng khí thải hàng năm của một nhà phát triển bất động sản.
Đến nay, có nhiều công ty về khí hậu đang hợp tác với các nhà phát triển bất động sản để đánh giấ lượng khí thải carbon trong danh mục đầu tư bất động sản của họ, boa gồm Tangible Material. Trong đó, ông Anneli Tostar, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành của Tangible, giải thích rằng: "Việc ngày càng công nhận vật liệu xây dựng là tác nhân đáng kể gây ra lượng khí thải GHG toàn cầu, chiếm 11%, đã dẫn đến sự gia tăng sự chú ý của cơ quan quản lý".
Do đó, từ Vancouver (Canada) đến New Jersey (Mỹ) và thậm chí cả London (Anh), các quy định mới đang được triển khai để giải quyết tác động môi trường của vật liệu xây dựng. Điều này buộc các nhà phát triển phải giảm lượng khí thải carbon của họ để đáp ứng các tiêu chuẩn xây dựng.
Ứng dụng công nghệ khí hậu sẽ giúp xây dựng các thành phố xanh hơn. (Ảnh: Zauben)
Tận dụng vật liệu tái chế
Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tính đến năm 2050, khoảng 60% toà nhà trên toàn thế giới sẽ được xây dựng. Đây là cơ hội để triển khai các giải pháp thân thiện với môi trường, hướng tới xây dựng thành phố thông minh, bền vững và có khả năng chống chịu tốt.
Để làm được việc này, tận dụng vật liệu tái chế là một giải pháp khả thi. Ví dụ, gỗ tái chế có thể làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon của gỗ và nhu cầu về gỗ mới. Điều này không chỉ bảo tồn rừng mà còn giảm thiểu chất thải. Thách thức nằm ở việc tái chế hiệu quả lượng lớn vật liệu. Urban Machine, một công ty công nghệ khí hậu, sử dụng trí tuệ nhân tạo và rô bốt để loại bỏ các chốt lớn khỏi gỗ, cho phép tái sử dụng trong các công trình xây dựng mới.
"Chúng tôi đang thực hiện sứ mệnh tái chế gỗ từ chất thải xây dựng và phá dỡ để có thể sử dụng để xây dựng lại. Khi các tòa nhà của chúng ta cũ đi, chúng cung cấp nguồn gỗ nguyên sinh cao cấp duy nhất. Vật liệu này phải được tái sử dụng để làm nhà ở cho cư dân thay vì bị đốt hoặc chôn lấp", Eric Law, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành của nhà sản xuất Urban Machine cho biết.
Công nghệ xanh tiên tiến
Để khử cacbon cho đô thị, cần ứng dụng thêm các vật liệu xây dựng tiên tiến, tấm pin mặt trời, mái nhà xanh và công nghệ khí hậu dựa trên thiên nhiên. Những tiến bộ này giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng và tạo ra không gian thúc đẩy sức khỏe và hạnh phúc. Theo Hội đồng Xây dựng Xanh Hoa Kỳ, các tòa nhà được chứng nhận xanh được thiết kế để tiết kiệm năng lượng hơn 25-30% so với các tòa nhà thông thường. Việc tích hợp thiết kế sinh học, đưa các yếu tố thiên nhiên vào không gian đô thị, sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống ở thành phố.
"Việc tích hợp nhiều giải pháp dựa vào thiên nhiên hơn trong xây dựng các thành phố đóng vai trò quan trọng khi dân số đô thị và nhu cầu tương ứng của họ về thực phẩm, nước và khả năng sinh sống sẽ tăng lên trong những năm tới. Việc tăng cường nguồn vốn để thực hiện điều này sẽ đòi hỏi các giải pháp đồng thiết kế với sự kết hợp của các bên liên quan trong các tổ chức cộng đồng, thành phố, nhà điều hành khu vực tư nhân,…", Mitch Rubin, Giám đốc Đổi mới tại nhà đầu tư công nghệ khí hậu phi lợi nhuận Elemental Impact giải thích.
Các tấm pin năng lượng mặt trời sinh học và mái nhà xanh của Zauben giúp các tòa nhà mát hơn và giảm mức sử dụng năng lượng cho điều hòa không khí, cắt giảm chi phí năng lượng tới 25%. Công nghệ thủy canh này nhẹ hơn 66% so với hệ thống mái xanh truyền thống và có thể làm mát bề mặt mái nhà từ 30-40 độ C. Công nghệ này chống lại hiệu ứng "đảo nhiệt" khiến các thành phố nóng hơn các vùng nông thôn lân cận.