Ông Vũ Sỹ Kiên, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất cho biết, sau 5 tháng triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, với các quy định mới của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, bước đầu cho thấy các chính sách mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đang tạo được sự đồng thuận của đa số người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự thống nhất của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, từng bước đi vào cuộc sống để góp phần giải phóng nguồn lực đất đai, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
6 đổi mới về bồi thường, hỗ trợ tái định cư
Ông Vũ Sỹ Kiên, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất cho biết, thể chế hóa Nghị quyết 18 và khắc phục những tồn tại được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người có đất thu hồi, Luật Đất đai năm 2024 tiếp tục kế thừa các quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định mới.
Cụ thể, thứ nhất, nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất (với 04 hình thức), hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất thu hồi và quỹ đất của từng địa phương. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; người được bồi thường về đất cũng dễ lựa chọn và góp phần đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án.
Thứ hai, Luật đã cụ thể hóa nguyên tắc trong công tác tái định cư để người dân “có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định cụ thể các tiêu chí của khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư…ưu tiên tái định cư tại chỗ; khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án. Đặc biệt là đổi mới quy định về giá đất tính tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thúc đẩy tiến độ bàn giao mặt bằng trong trường hợp phải thu hồi đất ở, di dời, tái định cư.
Thứ ba, sửa đổi quy định về thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất để đẩy việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đi trước một bước, đối với trường hợp phải bố trí tái định cư thì chỉ được ban hành quyết định thu hồi đất sau khi đã bàn giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người có đất thu hồi; bên cạnh đó cũng có quy định mở đối với một số trường hợp được phép quyết định thu hồi đất nếu được người có đất bị thu hồi đồng ý và đã nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở hoặc đã được bố trí tạm cư.
Thứ tư, quy định lần này đã có sửa đổi về điều kiện hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo hướng bỏ điều kiện “trong độ tuổi lao động” đối với “cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp” để đảm bảo quyền và lợi ích cho người có đất thu hồi, phù hợp với quy định của pháp luật về lao động, việc làm.
Thứ năm, sửa quy định về thời hạn chi trả bồi thường, hỗ trợ trong vòng 30 ngày kể từ ngày quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phải có kế hoạch cụ thể, gắn trách nhiệm của nhà đầu tư thực hiện dự án để đảm bảo việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước.
Thứ sáu, bỏ quy định về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải trình Thủ tướng Chính phủ; quy định cụ thể và mở rộng về thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với sự tham gia của đại diện HĐND, MTTQ Việt Nam, đại diện của người sử dụng đất có đất thu hồi… để có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đảm bảo sự khách quan, minh bạch, sự tham gia của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp; các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo người có đất thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi đất… và người phải di dời, tái định cư phải có chỗ ở, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.
Để hướng dẫn cụ thể, Nghị định số 88 đã quy định chi tiết về nội dung phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trình tự và nội dung thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền lập, thẩm định, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bên cạnh đó Nghị định cũng quy định việc bồi thường về đất theo từng loại đất cụ thể; các trường hợp khác được bồi thường về đất và điều kiện được bồi thường về đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất trước 01/7/2014, đất có vi phạm pháp luật về đất đai trước 01/7/2014; đất giao không đúng thẩm quyền; việc bồi thường đối với các trường hợp khác theo từng loại đất, từng đối tượng sử dụng, từng thời điểm sử dụng đất đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Luật Đất đai năm 2024.
Nghị định cũng quy định cụ thể việc bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất; bồi thường, hỗ trợ do phải di dời mồ mả; bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại. Đặc biệt là các khoản hỗ trợ như: Hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ di dời vật nuôi, hỗ trợ để tháo dỡ…
Đặc biệt, Nghị định quy định về bố trí tái định cư, trường hợp người có đất thu hồi có nhu cầu tái định cư tại chỗ thông qua quy định hoán đổi vị trí đất ở về phía sau, thuận lợi cho người dân không phải di chuyển chỗ ở, nhanh chóng bàn giao mặt bằng mà Nhà nước không phải bố trí khu tái định cư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng theo tuyến như giao thông, thủy lợi; quy định chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; và một số quy định chuyển tiếp nhằm đảm bảo sự liên tục và ổn định trong việc áp dụng pháp luật, tạo sự đồng thuận cao của người có đất thu hồi.
Các địa phương cần tiếp tục ban hành đầy đủ các văn bản quy định nội dung chi tiết liên quan tới nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được giao theo thẩm quyềnNhiều nội dung giao UBND cấp tỉnh quy định
Cũng theo ông Vũ Sĩ Kiên, Luật Đất đai 2024 giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết 5 nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như: Một là, đơn giá bồi thường thiệt hại về nhà, nhà ở, công trình xây dựng trên đất; hai là, đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi và mức bồi thường cụ thể về thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác mà không thể di chuyển được; ba là, mức bồi thường chi phí di chuyển tài sản; bốn là, mức hỗ trợ cụ thể về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm; năm là, quy định thời gian và mức hỗ trợ cụ thể trong thời gian chờ bố trí tái định cư, quy định chi tiết về cơ chế thưởng và suất tái định cư tối thiểu và việc hỗ trợ để giao đất ở có thu tiền sử dụng đất hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở cho các hộ gia đình còn thiếu theo quy định.
Tiếp đó, tại Nghị định số 88/2024/NĐ-CP, Chính phủ cũng giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết 12 nội dung, như: Thứ nhất, quy định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở cho phù hợp với quỹ đất, quỹ nhà và tình hình thực tế địa phương; Thứ hai, mức bồi thường cụ thể khi bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất; Thứ ba, mức bồi thường, hỗ trợ do phải di dời mồ mả cho phù hợp với tập quán và thực tế tại địa phương; Thứ tư, mức bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước nằm trong phạm vi thu hồi đất phải tháo dỡ; Thứ năm, xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại; Thứ sáu, xác định mức bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn; Thứ bảy, quy định các trường hợp, biện pháp, mức hỗ trợ di dời đối với từng loại vật nuôi; Thứ tám, quy định các trường hợp, biện pháp, mức hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời tài sản; Thứ chín, mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; Thứ mười, mức hỗ trợ tái định cư; Mười một, quy định việc hỗ trợ thuê nhà ở, giao đất ở, bán nhà ở, hỗ trợ bằng tiền để tự lo chỗ ở cho người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước nằm trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ; Mười hai, quy định mức chi đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Theo thống kê đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024, cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản được Luật Đất đai giao về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (từ 2/5 nội dung trở lên), trong đó có 28 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Tây Ninh, Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng, Bình Dương); có 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản được Nghị định số 88 giao (từ 8/12 nội dung trở lên), trong đó có 31 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong (Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, TP Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắc Nông, Bình Dương, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Bạc Liêu, Hậu Giang và Cà Mau).
Qua theo dõi nắm tình hình ở các địa phương có thể thấy sau 5 tháng triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, với các quy định mới của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, bước đầu cho thấy các chính sách mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã tạo được sự đồng thuận của đa số người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự thống nhất của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, từng bước đi vào cuộc sống để góp phần giải phóng nguồn lực đất đai, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, cũng có vướng mắc, tồn tại khi triển khai chính sách ở một số địa phương, nguyên nhân bước đầu được nhận diện, do: còn có sự băn khoăn khi triển khai quy định mới và so sánh với quy định cũ có nhiều đổi mới hơn về thẩm quyền, rút ngắn thủ tục, đặc biệt là các thủ tục xác nhận, quy định ưu tiên về tái định cư (lo lắng có thể có sự so bì với các trường hợp trước đây); việc bố trí trước quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, tạm cư; một số trường hợp còn chuyển tiếp…
Để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại nêu trên, tại Hội nghị phổ biến các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 do Bộ TN&MT tổ chức ngày 5-6/9/2024 tại Hà Nội và khi Đoàn Công tác của Bộ TN&MT làm việc với các địa phương, Lãnh đạo Bộ TN&MT và Cục đã trao đổi, làm rõ, phân tích cụ thể các vấn đề về quy định, thực tiễn, kinh nghiệm triển khai ở các địa phương nhằm thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Cần ban hành đầy đủ các văn bản được giao theo thẩm quyền
Để những chính sách, quy định này đi vào cuộc sống, ông Kiên cho rằng, trước hết các địa phương cần tiếp tục ban hành đầy đủ các văn bản quy định nội dung chi tiết được giao theo thẩm quyền; tiếp đến là việc kịp thời thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất theo quy định tại khoản 1 Điều 14 và khoản 15 Điều 112 của Nghị định số 102/2024/NĐ-CP trước ngày 01 tháng 8 năm 2025; ban hành quy chế phối hợp thực hiện giữa Trung tâm Phát triển quỹ đất với cơ quan có liên quan tại địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 14 của Nghị định số 102/2024/NĐ-CP; kiện toàn các đơn vị làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, nhân lực); cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác thu hồi đất; bố trí kinh phí đầy đủ; chuẩn bị quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để đảm bảo công tác tái định cư đi trước một bước theo tinh thần của Nghị quyết 18.
Đặc biệt cần phải có kế hoạch để chủ động, căn cứ Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng kế hoạch cụ thể danh mục các dự án cần thu hồi đất phục vụ kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, kế hoạch đến từng địa bàn cấp huyện (lưu ý các địa bàn có dự án trọng điểm) để bố trí kinh phí, kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và chủ động kế hoạch tái định cư, di dời công trình trên đất (nếu có).
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách, quy định này tới mọi tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.