Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường bất động sản lành mạnh

09:19 03/12/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Theo Vụ Đất đai (Bộ TN&MT), các điểm mới có thể làm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản gồm: Đổi mới về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phương thức tiếp cận đất đai; quy định cụ thể hơn quyền của người sử dụng đất; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất; đơn giản hóa thủ tục hành chính.

So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai. Đặc biệt sẽ góp phần minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

Cụ thể, thứ nhất là đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Luật đã đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo đó, quy định quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ xác định diện tích một số loại đất gồm: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh.

Đối với các loại đất còn lại đã phân cấp cho cấp tỉnh để tạo ra sự chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế xã hội tại địa phương; kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được lập lồng ghép và phê duyệt cùng với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã giảm bớt quy trình lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai tại các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án bất động sản.

Việc tiếp cận quyền sử dụng đất của nhà đầu tư trong các lĩnh vực có xu hướng mở rộng hơn, tạo ra môi trường công khai, minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, quy định rõ ràng về phương thức tiếp cận đất đai, Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể các phương thức tiếp cận đất đai đối với các dự án rất đa dạng, linh hoạt phụ thuộc vào tình hình thực tế triển khai.

Bên cạnh những phương thức mang tính hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư như: giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, còn có những phương thức mang nguyên tắc thị trường, dựa trên sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, đảm bảo tính công bằng, minh bạch như: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, hay phương thức tạo sự chủ động cho doanh nghiệp nhưt hoả thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc cho phép người đang có quyền sử dụng đất thực hiện các dự án bất động sản. Cho phép giao đất, cho thuê đất theo tiến độ của dự án đầu tư, theo tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Với quy định của Luật sẽ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại địa phương, đặc biệt là các dự án mới có sử dụng đất, cân bằng chính sách an sinh xã hội với phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong việc khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai 2024 về việc tiếp cận quyền sử dụng đất của nhà đầu tư trong các lĩnh vực có xu hướng mở rộng hơn, tạo ra môi trường công khai, minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, có đất để thực hiện các dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật Nhà nước.

Thứ ba, quy định cụ thể hơn quyền của người sử dụng đất, một trong những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai 2024 để thể chế tinh thần Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 về “thương mại hóa quyền sử dụng đất” là cho phép người sử dụng đất được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm được bán tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm khi có đủ các điều kiện theo quy định; cho phép người sử dụng đất được sử dụng kết hợp đa mục đích, cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì được hưởng các quyền và nghĩa vụ như cá nhân trong nước; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Trường hợp tổ chức nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản mà bên chuyển nhượng dự án và bên nhận chuyển nhượng dự án đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Thứ tư, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất, Luật đã quy định Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được xây dựng tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác. Điều này sẽ góp phần công khai, minh bạch giúp cho tổ chức, cá nhân sẽ có các thông tin chính thống để dễ dàng tiếp cận với đất đai.

Thứ năm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất đai, Luật đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho chính quyền địa phương để chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bỏ khâu trung gian trong quản lý sử dụng đất như bỏ quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ban quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý khu công nghệ cao, Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất.

Đồng thời, Luật cũng quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện các bước công việc trong thực hiện thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp, quy định đối với trường hợp người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất thì không phải làm thủ tục để được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, như vậy sẽ rút ngắn nhiều thời gian để được tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân...

Thùy An

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Hà Nội: Kiến nghị 3 phương án xử lý dự án chậm tiến độ sử dụng đất

Hà Nội: Kiến nghị 3 phương án xử lý dự án chậm tiến độ sử dụng đất

Để giải quyết dứt điểm các dự án chậm triển khai trên địa bàn Thành phố, sớm đưa đất vào sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường 3 phương án giải quyết.

Ban hành quy định kỹ thuật lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh

Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/12 thay thể Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT ngày 12/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Quy định mới về quy trình quy trình kỹ thuật xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai

Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư số 25/2024/TT-BTNMT quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/1/2025.

Người đang online: 121

Lượt truy cập: 42,279

Chung nhan Tin Nhiem Mang