Chiều ngày 29/8, tại Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và kết nối trực tuyến với điểm cầu tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, Hòa Bình là tỉnh miền núi, nước là tài nguyên, là nguồn lực đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; sự suy thoái về chất lượng nước, gia tăng vùng nước bị ô nhiễm,... đã và đang là thách thức cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm gần đây và còn được dự báo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong các năm tiếp theo nếu không được quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, đầu tư đúng mức.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm phát biểu chủ trì Hội nghị
Theo ông Quách Tất Liêm, để tổ chức thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023 kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 1078/QĐ-UBND ngày 20/6/2024 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện rà soát, xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật tài nguyên nước; tuyên truyền, tập huấn Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
Thông tin tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15. Để quy định chi tiết thi hành Luật, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đồng thời, ngày 16/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành 03 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật (Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản TNN và Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất). Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, ngày 01/7/2024.
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến, Luật Tài nguyên nước 2023 đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước “chuyển dần từ phương thức quản lý hành chính sang quản lý hành chính kết hợp công cụ kinh tế” trong bối cảnh tài nguyên nước Việt Nam được đánh giá đang đứng trước nhiều thách thức.
Trong đó, Luật quy định một số điểm mới cụ thể về: phục hồi nguồn nước; ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; xây dựng kế hoạch sử dụng nước trên cơ sở kịch bản nguồn nước do Bộ TNMT công bố; điều chỉnh bỏ vùng cấm 3 và hỗn hợp đã công bố theo luật 2012; đăng ký khai thác nước mặt, nước dưới đất (với tất cả quy mô); hành lang bảo vệ TNN (được kế thừa các mốc, hành lang thủy lợi, đê, giao thông thủy); cập nhật kết quả điều tra cơ bản vào hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) TNN quốc gia;
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến phát biểu tại Hội nghị
Quy định cụ thể quy trình kiểm tra tài nguyên nước; quy định cụ thể quy trình chuyển đổi, di chuyển trạm quan trắc nước dưới đất; Ban hành danh mục hồ chứa phải có quy chế phối hợp; Công trình trọng điểm phải được Chính phủ ban hành danh mục và có bảo vệ theo quy định; Điều tra cơ bản về bảo vệ nguồn nước, chất lượng nước, phục hồi nguồn nưỡc đã quy định được sử dụng ngân sách bảo vệ môi trường; quy định cụ thể hệ thống CSDL TNN theo quy định Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; An ninh nguồn nước thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập; Hạch toán tài nguyên nước, chỉ số an ninh nguồn nước, bổ sung nhân tạo nước dưới đất và một số nhệm vụ khác.
Tại Hội nghị, trên cơ sở các quy định của Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, các báo cáo viên của phòng chuyên môn thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước đã phổ biến trách nghiệm của các cấp, ngành ở địa phương; trách nhiệm của các tổ chức khai thác, sử dụng nước trong việc chấp hành các quy định của Giấy phép khai thác và quy định pháp luật về tài nguyên nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Trong đó, nhiệm vụ, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh gồm: Ban hành các văn bản quản lý theo thẩm quyền; chỉ đạo cơ quan có liên quan sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các nội dung về bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước thuộc nội dung điều tra cơ bản tài nguyên nước; cập nhật phương án khai thác, sử dụng vào quy hoạch tỉnh theo quy định Luật quy hoạch và Luật TNN; công bố chức năng nguồn nước nội tỉnh; Ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, lấn chiếm; Ban hành danh mục hồ chứa phải có quy chế phối hợp; chỉ đạo lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước do Bộ TNMT công bố ; Ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; đăng ký khai thác nước mặt; lập hành lang, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; Chỉ đạo Sở TNMT, cơ quan liên quan cung cấp, cập nhật dữ liệu điều tra cơ bản vào CSDL TNN quốc gia; công bố sức chịu tải nguồn nước nội tỉnh; cấp phép khai thác TNN; Thanh tra TNN, kiểm tra TNN ;…
UBND cấp huyện có nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất (trừ khai thác hộ gia đình); quản lý mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác .
UBND cấp xã có nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất hộ gia đình; Tiếp nhận, quản lý mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác.
Về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước gồm:
Hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện kê khai khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt (khoản 4, Điều 52, Luật TNN số 28/2023/QH15). Việc kê khai thực hiện từ 01/7/2026 (khoản 4, Điều 85 Luật TNN số 28/2023/QH15).
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thực hiện đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước có quy mô nhỏ và vừa (khoản 2 Điều 8 Nghị định 54/2024/NĐ-CP). Hoàn thành thủ tục đăng ký chậm nhất là ngày 30/6/2026 (trường hợp đào hồ, ao, kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan và sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ) và trước 30/6/2027 (đối với công trình thủy lợi đã xây dựng, khai thác trước 01/01/2013 và công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan).
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải thực hiện lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định nếu chưa có giấy phép.
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật tài nguyên nước 2023 và quy định của giấy phép, cụ thể như sau: Bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng; Quan trắc để giám sát hoạt động khai thác tài nguyên nước đối với các thông số mực nước, lưu lượng, chất lượng nước (đối với công trình cấp nước sinh hoạt); Lắp đặt thiết bị, kết nối và truyền thông tin, dữ liệu về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; Thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Nộp báo cáo hoạt động khai thác nước hàng năm. Đối với công trình là hồ chứa phải tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; …
Trên cơ sở những nội dung được trình bày tại Hội nghị, các báo cáo viên cũng trao đổi, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các đại biểu trong quá trình nghiên cứu, triển khai các Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật tại địa phương; đặc biệt là những nội dung về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và những vấn đề trong thực tiễn khi áp dụng triển khai thực hiện hệ thống pháp luật tài nguyên nước tại địa phương.