Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Họp Hội đồng thẩm định kịch bản nguồn nước lưu vực sông Mã và lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng

09:00 27/12/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Chiều 26/12, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định kịch bản nguồn nước hai lưu vực sông Mã và lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng. Tham dự cuộc họp có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước; đại diện các đơn vị khai thác, sử dụng nước trên các lưu vực sông trên.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TN&MT tổ chức nhiều cuộc họp để nghiên cứu, thống nhất các phương pháp tiếp cận, xây dựng Kịch bản nguồn nước cho 2 lưu vực sông Mã và lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng. Đến nay, dự thảo kịch bản nguồn nước trên 2 lưu vực sông này đã hoàn thiện.

Vì vậy, Cục tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định này để lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý, các đơn vị có khai thác sử dụng nước trên 2 lưu vực sông làm cơ sở đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ sản phẩm trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu

Theo ông Châu Trần Vĩnh, kịch bản nguồn nước cho 2 lưu vực sông Mã và lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng là cơ sở để các ngành khai thác, sử dụng nước và các địa phương trong lưu vực sông xây dựng, điều chỉnh kế hoạch khai thác, sử dụng nước, từ đó chủ động cơ cấu mùa vụ, cây trồng, lịch sản xuất… chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước, dư thừa nước từ sớm, từ xa và giảm thiểu thiệt hại.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước - Đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo kịch bản nguồn nước cho lưu vực sông Mã và lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng cho biết, Kịch bản nguồn nước trên 2 lưu vực sông này được xây dựng dựa trên hiện trạng nguồn nước mặt, nước dưới đất, hiện trạng tích trữ nước trong các hồ chứa trên lưu vực, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nhận định xu thế diễn biến lượng mưa, lượng dòng chảy, mực nước trong các tầng chứa nước và thông tin, số liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh trực thuộc trung ương trên lưu vực và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước lớn, quan trọng trên 2 lưu vực sông cung cấp.

Về nội dung, Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên 2 lưu vực sông được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, gồm những nội dung chính sau: hiện trạng nguồn nước mưa, nước mặt; Hiện trạng nguồn nước dưới đất; Hiện trạng tích nước của các hồ chứa; Dự báo xu thế diễn biến mưa, dòng chảy, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa nước lớn, quan trọng; mực nước trong các tầng chứa nước trong kỳ công bố kịch bản nguồn nước; nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trong kỳ công bố kịch bản nguồn nước; trạng thái của nguồn nước trên lưu vực sông.

Ông Nguyễn Anh Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định và Kiểm định tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước báo cáo

Đối với lưu vực sông Mã, ông Nguyễn Anh Tú - Phó giám đốc Trung tâm Thẩm định và Kiểm định tài nguyên nước (Cục Quản lý tài nguyên nước) cho biết, trên cơ sở kết quả dự báo xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Mã, nhu cầu sử dụng nước, yêu cầu về nguồn nước trên lưu vực phục vụ cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực trong kỳ công bố kịch bản, về tổng thể nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng, nguồn nước trên các lưu vực sông, tiểu lưu vực sông Mã cơ bản ở "trạng thái bình thường", lượng nước có thể khai thác đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt; đảm bảo đầy đủ lượng nước cho các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, nguồn nước trên lưu vực trong kỳ công bố kịch bản vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Một số tiểu vùng, tiểu lưu vực, một số xã, huyện thuộc các địa phương như: Điện Biện, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ; nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ thiếu nước là thiếu các công trình khai thác nước, công trình, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, đối với việc sử dụng nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và phát điện mặc dù năm 2025, nguồn nước ở "trạng thái bình thường", tuy nhiên, đối với hồ Hủa Na, Cửa Đạt, trường hợp có yêu cầu gia tăng nhu cầu nước cho phát điện (sau khi đã đáp ứng đủ các nhu cầu nước khác) hoặc gia tăng lượng nước tưới nông nghiệp trong các tháng 2, 3 (thời kỳ đổ ải vụ Đông Xuân) với tổng nhu cầu nước lớn hơn nhu cầu nước của năm 2019 (năm có nhu cầu nước lớn nhất trong giai đoạn 2018-2024), nguồn nước của 2 hồ chứa có Hủa Na, Cửa Đạt có nguy cơ không đáp ứng đủ lượng nước cho các nhu cầu dùng nước ở hạ du cho các tháng cuối mùa cạn, mực nước hồ Cửa Đạt có nguy cơ hạ thấp về dưới ngưỡng an toàn trong các tháng tiếp theo mùa cạn năm 2025...

Bà Giang Thanh Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Kinh tế tài nguyên nước (Cục Quản lý tài nguyên nước) báo cáo

Đối với hồ Trung Sơn, trong trường hợp gia tăng phát điện trong tháng 1 và 2 hoặc tháng 4, 5 nắng nóng cao điểm (lớn hơn nhu cầu nước cấp so với kế hoạch sử dụng nước mùa cạn năm 2025) thì mực nước hồ Trung Sơn có nguy cơ hạ thấp dưới ngưỡng an toàn trong các tháng tiếp theo và có nguy cơ không đảm bảo khoảng mực nước quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa ở các tháng tiếp theo.

Đối với lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, bà Giang Thanh Bình - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin - Kinh tế tài nguyên nước (Cục Quản lý tài nguyên nước) cho biết, trên cơ sở hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến nguồn nước, khí tượng, thuỷ văn trên lưu vực sông, đặc thù khai thác, sử dụng nước của các ngành sử dụng nước trên lưu vực, hiện trạng tích nước của các hồ chứa thủy lợi quan trọng và năng lực lấy nước của các công trình thủy lợi vừa và nhỏ không thay đổi so với năm 2024 thì nhận định khả năng nguồn nước trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng trong mùa cạn 2024 - 2025 ở “trạng thái bình thường”.

Tuy nhiên, một số vùng, tiểu lưu vực sông vẫn còn có nguy cơ xuất hiện tình trạng thiếu nước với quy mô nhỏ, mang tính cục bộ và bên cạnh nguyên nhân thiếu hụt lượng mưa, lượng dòng chảy thì nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ có khả năng thiếu nước ở các tiểu vùng là năng lực lấy nước và số lượng của các công trình khai thác, công trình, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ.

Quang cảnh cuộc họp

Đặc biệt, tại một số xã thuộc huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn); một số xã thuộc các huyện Hòa An, Nguyên Bình, Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa, TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ và nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ có khả năng thiếu nước ở các tiểu vùng là năng lực lấy nước và số lượng các công trình khai thác, công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, tại 7 xã Lũng Nặm, Tổng Cọt, Nội Thôn, Cải Viên, Thượng Thôn, Mã Ba, Hồng Sỹ (vùng Lục khu cũ) của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt do địa hình cao, lượng mưa ít, không có sông, suối cung cấp nước.

Dựa vào kịch bản nguồn nước, Bộ TN&MT đưa ra khuyến nghị để cảnh báo, định hướng, xây dựng phương án và thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các Bộ, ngành, địa phương trên lưu vực sông Mã và lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả tính toán xây dựng kịch bản nguồn nước lưu vực sông Mã và sông Bằng Giang - Kỳ Cùng của đơn vị chủ trì xây dựng. Các thành viên Hội đồng đã góp ý chi tiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung kịch bản nguồn nước trên 2 lưu vực sông. Hội đồng cũng nhất trí thông qua dự thảo kịch bản sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên hội đồng trước khi trình phê duyệt.

Minh Khang

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Kéo dài thời gian tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia

Kéo dài thời gian tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia

Ngày 27/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1383/QĐ-TTg ngày 04/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025.

Ra mắt Trung tâm thông tin và dữ liệu Mê Công

Nhằm nâng cao vai trò của sông Mê Công đối với sự phát triển của khu vực Đông Nam Á, cũng như tầm quan trọng trong hợp tác quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới; mới đây, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã chính thức khai trương Trung tâm thông tin và dữ liệu Mô Công.

Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng Cơ chế bổ sung nước ngầm được quản lý

Đây là chia sẻ của bà Maria Mäkinen, Trung tâm Phát triển Kinh tế, Giao thông và Môi trường Tây Nam Phần Lan tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bổ cập nước dưới đất” do Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức ngày 11/12.

Người đang online: 1

Lượt truy cập: 42,279

Chung nhan Tin Nhiem Mang