Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Mùa khô năm 2025, nhiều khu vực có nguy cơ thiếu nước cục bộ

14:19 16/01/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Theo nhận định của Cục Quản lý tài nguyên nước, mùa khô năm 2025, một số khu vực trên cả nước sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ do thiếu hụt lượng mưa và lượng dòng chảy ít do năng lực lấy nước của các công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình và lưu vực sông Cửu Long. Đồng thời Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã hoàn thiện việc xây dựng 6 kịch bản nguồn nước trên 6 lưu vực sông (Bằng Giang-Kỳ Cùng; Mã; Hương; Sê San; Srêpôk; Đồng Nai), dự kiến trình Bộ TN&MT công bố trong tháng 1/2025.

Thông tin về kịch bản nguồn nước ở 6 lưu vực sông trên, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, để xây dựng kịch bản nguồn nước cho 6 lưu vực sông, Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan đã tổng hợp số liệu nguồn nước của 133 hồ chứa thủy điện và 1.505 hồ chứa thủy lợi lớn, quan trọng; số liệu quan trắc mực nước các tầng chứa nước; nhu cầu nước cho phát điện, nhu cầu nước của các ngành và sinh hoạt; dự báo xu thế diễn biến nguồn nước của các hồ chứa quan trọng, nguồn nước trên các tiểu lưu vực sông, trong tầng chứa nước dưới đất...

Qua đánh giá số liệu về nguồn nước đến tích trữ tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đến 15/12/2024, Cục Quản lý tài nguyên nước đã nhận định một số lưu vực có nguy cơ thiếu nước (lưu vực sông Sê San và lưu vực sông Srepok), tuy nhiên từ khoảng cuối tháng 12 đã có sự gia tăng lượng mưa trên lưu vực.

Đến ngày 1/1/2025, lượng nước đến các hồ chứa trên hầu hết 6 lưu vực sông trên đã tăng đáng kể. Tuy vậy, về tổng thể, đến nay nhận định khả năng nguồn nước trên 6 lưu vực sông trong mùa cạn năm 2025 vẫn ở "Trạng thái bình thường." Tuy nhiên, từng lưu vực sông lại đối mặt với các vấn đề riêng.

Cụ thể, đối với lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, trên một số tiểu lưu vực sông vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ (tiểu lưu vực sông Bắc Giang và tiểu vùng Mo Pia thuộc tiểu lưu vực sông Kỳ Cùng). Nguyên nhân chính của thực trạng này là do thiếu hụt lượng mưa, lượng dòng chảy, năng lực lấy nước của các công trình và số lượng các công trình khai thác, công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ.

Nguy cơ thiếu nước cục bộ tại nhiều khu vực trong mùa khô năm 2025

Đối với lưu vực sông Mã, một số khu vực thuộc các địa phương (như Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa) vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ. Nguyên nhân chính là do thiếu các công trình khai thác, tích trữ nước, hệ thống công trình thủy lợi.

Đối với lưu vực sông Hương, một số khu vực có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ (đặc biệt vào tháng 5, tháng 6 năm 2025) do năng lực lấy nước và số lượng các công trình khai thác nước còn thiếu, chưa đồng bộ; thiếu nguồn cấp nước (khu vực đồng bằng ven biển ngoài đầm Cầu Hai và Phá Tam Giang).

Ngoài ra, vào các tháng cao điểm về sử dụng nước cho nông nghiệp và thủy điện (tháng 6, tháng 7), nguồn nước của 3 hồ chứa Tả Trạch, Bình Điền và Hương Điền vẫn có nguy cơ không đáp ứng đầy đủ lượng nước cho các nhu cầu dùng nước, nên vẫn có nguy cơ hạn hán, thiếu nước vào các tháng cuối mùa cạn.

Tương tự, đối với lưu vực sông Đồng Nai, về tổng thể nguồn nước trên lưu vực đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội; đảm bảo đầy đủ lượng nước cho các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nguồn nước trên một số tiểu lưu vực thượng sông Đồng Nai và lưu vực sông Bé vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Một số khu vực ở Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Thuận vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ ở các tiểu vùng do năng lực lấy nước và số lượng các công trình khai thác, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu.

Đối với lưu vực sông Sê San, tính đến 1/1/2025, nguồn nước các hồ chứa thủy điện trên dòng chính cơ bản đáp ứng cho nhu cầu phát điện và xả dòng chảy về hạ du. Một số khu vực do chưa có hệ thống cấp nước chủ động từ các hồ chứa thủy lợi, nên vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ vào các tháng cuối mùa cạn.

Riêng lưu vực sông Srepok, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước lưu ý nếu nhu cầu nước phục vụ phát điện tăng cao như năm 2022, hoặc các nhà máy điện trên lưu vực được điều động phát điện với sản lượng lớn, thiếu hụt các nguồn điện khác vào các tháng có nguy cơ xảy ra nắng nóng kéo dài (các tháng 4, 5, 6/2025); kết hợp với việc phải bảo đảm yêu cầu xả dòng chảy về hạ du theo quy trình vận hành liên hồ chứa, thì nguồn nước tích trữ tại các hồ có nguy cơ bị thiếu hụt, không đáp ứng đủ nước cho nhu cầu phát điện, xả dòng chảy tối thiểu về hạ du.

Ngoài ra, hiện nay, diện tích được tưới bởi các hệ thống công trình thủy lợi trên lưu vực chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích cần tưới. Như vậy, phần lớn diện tích còn lại chưa chủ động được nguồn nước mà phải dựa vào nguồn nước mưa, nước ngầm và sông suối tự nhiên dẫn đến một số khu vực sẽ có nguy cơ thiếu nước cục bộ khi xảy ra nắng nóng và không có mưa.

Việt Anh

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các đập, hồ chứa, của các công trình thủy lợi, thủy điện

Công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các đập, hồ chứa, của các công trình thủy lợi, thủy điện

Ngày 15/1/2025, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã ký ban hành Quyết định số 188/QĐ-BTNMT về việc công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các đập, hồ chứa, của các công trình thủy lợi, thủy điện.
Kéo dài thời gian tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia

Kéo dài thời gian tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia

Ngày 27/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1383/QĐ-TTg ngày 04/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025.

Ra mắt Trung tâm thông tin và dữ liệu Mê Công

Nhằm nâng cao vai trò của sông Mê Công đối với sự phát triển của khu vực Đông Nam Á, cũng như tầm quan trọng trong hợp tác quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới; mới đây, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã chính thức khai trương Trung tâm thông tin và dữ liệu Mô Công.

Người đang online: 103

Lượt truy cập: 47,253

Chung nhan Tin Nhiem Mang