Sign In
Bộ tài nguyên và môi trường

Ministry of natural resources and environment

Phổ biến, tuyên truyền pháp luật tài nguyên nước cho doanh nghiệp

09:00 03/12/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc Phòng) phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa tổ chức Lớp bồi dưỡng, tuyên truyền các quy định mới của Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường cho các cán bộ làm công tác chuyên môn trong Tổng công ty.

Luật Tài nguyên nước năm 2023 có nhiều quy định mới. Do vậy, việc bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, hướng dẫn Luật Tài nguyên nước cho các cán bộ chuyên môn của các đơn vị thành viên Tổng công ty là rất cần thiết nhằm cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cũng như trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật áp dụng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên.

Đại diện Tổng công ty Đông Bắc cũng yêu cầu các đại biểu tham dự Lớp bồi dưỡng tích cực cập nhật, tiếp thu đầy đủ nội dung được các chuyên gia trình bày nếu có vấn đề chưa rõ hoặc cần thảo luận thì đăng ký, xin ý kiến chuyên gia để được giải đáp, làm rõ nhằm nâng cao nhận thức, vận dụng các quy định pháp luật về tài nguyên nước, môi trường vào thực tiễn tại cơ quan, đơn vị, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật.

Quang cảnh buổi tập huấn

Tại Lớp bồi dưỡng, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Quốc Vỹ, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông BắcTrung Bộ giới thiệu chuyên đề chính sách pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến khai thác, sử dụng nước cho thủy điện, nhiệt điện được quy định tại Luật tài nguyên nước 2023; và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.

Trong đó, tập trung vào những nội dung như: Quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Quy định về quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Quy định dòng chảy tối thiểu sau đập, hồ chứa; Quy định hành lang, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hồ chứa); Điều hòa phân phối tài nguyên nước; Quy trình vận hành hồ, liên hồ chứa; Dịch vụ tài nguyên nước; Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước, chủ hồ chứa, nhiệt điện;…

Về quy định việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chứa (Điều 45, 50 Luật TNN), ông Nguyễn Quốc Vỹ cho biết, việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Đảo đảm đa mục tiêu, chủ động tích trữ nước, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển nguồn nước.

Ông Nguyễn Quốc Vỹ, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Bắc Trung Bộ giới thiệu chuyên đề chính sách pháp luật về tài nguyên nước

Cùng với đó, việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu: Phải bảo đảm yêu cầu về dòng chảy tối thiểu trên sông, suối (hồ chứa, đập); Thiết kế và bố trí tổng thể công trình đầu mối phải có các hạng mục công trình để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, xả nước gia tăng về hạ du khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Sử dụng dung tích chết của hồ chứa trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. Việc khai thác tài nguyên nước cho thủy điện phải bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, trừ trường hợp khai thác nước với quy mô nhỏ; tham gia cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm các yêu cầu về an toàn đập, hồ chứa.

Về lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan và công khai thông tin (Điều 3 và Điều 4, Nghị định 54/2024/NĐ-CP), theo ông Nguyễn Quốc Vỹ, đối tượng phải thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư, bao gồm: Hồ chứa, đập dâng xây dựng trên sông, suối, kênh, mương, rạch; Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch khác với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan; Công trình khai thác sử dụng nước mặt từ 300.000 m3/ngày đêm trở lên cho: sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất (bao gồm cả khai thác nước cho mục đích làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt); thi công xây dựng công trình;  công trình khai thác nước mặt khác từ 10m3/s cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; Công trình khai thác nước dưới đất có quy mô khai thác nước từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên.

Đối với thủy điện, nhiệt điện, những trường hợp không phải kê khai, cấp phép, đăng ký khai thác tài nguyên nước (Điều 7, Nghị định 54/2024/NĐ-CP) được quy định như sau: (i) Khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW; (ii) Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác để sử dụng nước cho mục đích làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), thi công xây dựng công trình có quy mô không vượt quá 100 m³/ngày đêm; (iii) Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền có quy mô không vượt quá 10.000 m³/ngày đêm (bao gồm cả làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt).

Tuy nhiên, các trường hợp khai thác nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện thì phải thực hiện cấp phép theo quy định. Trong đó, thời điểm cấp phép là trước khi xây dựng công trình khai thác nước.

Tại Lớp bồi dưỡng, trên cơ sở các nội dung được giới thiệu, báo cáo viên của Cục Quản lý tài nguyên nước và các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao năng lực, kinh nghiệm đảm bảo công tác thực thi pháp luật về tài nguyên nước được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Minh Khang

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Kéo dài thời gian tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia

Kéo dài thời gian tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia

Ngày 27/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1383/QĐ-TTg ngày 04/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025.

Ra mắt Trung tâm thông tin và dữ liệu Mê Công

Nhằm nâng cao vai trò của sông Mê Công đối với sự phát triển của khu vực Đông Nam Á, cũng như tầm quan trọng trong hợp tác quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới; mới đây, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã chính thức khai trương Trung tâm thông tin và dữ liệu Mô Công.

Họp Hội đồng thẩm định kịch bản nguồn nước lưu vực sông Mã và lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng

Chiều 26/12, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định kịch bản nguồn nước hai lưu vực sông Mã và lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng. Tham dự cuộc họp có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước; đại diện các đơn vị khai thác, sử dụng nước trên các lưu vực sông trên.

Người đang online: 125

Lượt truy cập: 42,279

Chung nhan Tin Nhiem Mang