Thực hiện nhiệm vụ “Vận hành hệ thống Sentinel Asia giám sát thiên tai trên lãnh thổ Việt Nam”, Cục Viễn thám quốc gia đã chủ động thực hiện các công đoạn chuẩn bị dữ liệu nền (bản đồ nền, ảnh trước thiên tai, lập sơ đồ quản lý, lưu trữ...) nhằm sẵn sàng dữ liệu phục vụ sản xuất bản đồ giám sát nhanh hiện trạng và diễn biến ngập lụt và lập báo cáo giám sát trong trường hợp có thiên tai xảy ra.
Năm 2024, Cục Viễn thám quốc gia được giao vận hành hệ thống Sentinel Asia giám sát thiên tai trên lãnh thổ Việt Nam. Cục đã tiến hành kích hoạt hệ thống với yêu cầu cung cấp dữ liệu chụp ảnh từ vệ tinh quan trắc khẩn cấp từ tổ chức hỗ trợ giám sát thiên tai Châu Á –Thái Bình Dương (Sentinel Asia) phục vụ công tác giám sát nhanh tình hình mưa lớn gây ngập lụt tại: khu vực thành phố Hải Phòng; thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh); khu vực đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); khu vực thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang); khu vực Tp. Hà Nội; khu vực các tỉnh Đông Bắc bị ảnh hưởng do bão và mưa lớn; khu vực các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do bão và mưa lớn. Toàn bộ các sản phẩm giám sát ngập lụt do bão và mưa lớn gây ra đã được đóng gói và bàn giao kịp thời đến Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trong và sau mỗi đợt thiên tai bão lũ xảy ra.
Bên cạnh đó, CụcViễn thám quốc gia đã triển khai khảo sát thực tế và thực hiện các nội dung, nhiệm vụ phục vụ giám sát ô nhiễm môi trường nước khu vực Bắc Hưng Hải trên cơ sở sử dụng dữ liệu viễn thám kết hợp khảo sát thực địa và bay chụp ảnh từ máy bay không người lái (UAV). Kết quả đã xây dựng được Cơ sở dữ liệu phục vụ giám sát ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Nhiệm vụ đã hoàn thành và báo cáo kết quả gửi Bộ vào tháng 8/2024.
Năm qua, Cục cũng đã triển khai nhiệm vụ đánh giá diện tích rừng khu vực 05 tỉnh Tây Nguyên theo yêu cầu của Bộ; triển khai các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác phục vụ báo cáo Bộ bao gồm: Báo cáo nhanh hiện trạng lớp phủ rừng Tây Nguyên; Báo cáo nhanh khu vực lấn biển tỉnh Quảng Bình và hoàn thiện quy trình giám sát nhanh thiên tai nhằm đáp ứng yêu cầu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trạm thu ảnh viễn thám
Hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia đang thu nhận dữ liệu viễn thám từ các vệ tinh VNREDSAT-1 (độ phân giải 2,5m), SPOT6 (độ phân giải 1,5m), KOMSAT-3A (độ phân giải 0,5m), đây là dữ liệu có thể phục vụ tốt hầu hết các ứng dụng với nhiều mức độ khác nhau của địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia sẽ đi vào vận hành trong năm 2025, bảo đảm cung cấp nhu cầu cơ bản cho nhu cầu của các tỉnh, thành phố để khai thác, sử dụng dữ liệu này.
Theo ông Trần Tuấn Ngọc, thời gian qua, công nghệ viễn thám đã trở nên phổ biến với các ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là đối với ngành tài nguyên môi trường. Công nghệ viễn thám đã phục vụ đắc lực cho các hoạt động điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, giám sát với hầu hết các lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên môi trường. Việc ứng dụng công nghệ viễn thám để thay thế các công nghệ truyền thống khác góp phần làm giảm chi phí, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, trên diện rộng, hoặc các đối tượng cụ thể đáp ứng ngay và hỗ trợ việc ra quyết định của các cấp quản lý.
Năm 2025, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia sẽ đi vào vận hành, bảo đảm cung cấp nhu cầu cơ bản cho nhu cầu của các tỉnh, thành phố để khai thác, sử dụng dữ liệu này để đẩy mạnh ứng dụng viễn thám ở địa phương, Cục Viễn thám quốc mong muốn các Sở TN&MT đăng nhập vào cơ sở dữ liệu viễn thám sau khi đi vào vận hành để khai thác dữ liệu, sản phẩm viễn thám sẵn có trong Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn có thể sử dụng, ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ công tác quản lý, thực hiện các đề án, dự án nhiệm vụ chuyên môn.
Cục Viễn thám quốc gia sẽ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về ứng dụng viễn thám cho cán bộ các Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục sẽ tiếp tục tổ chức các khóa học chuyên sâu về ứng dụng viễn thám trong quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, quản lý rừng, tín chỉ các bon rừng. Vì vậy, các Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục để cử cán bộ tham dự các khóa học. Xây dựng các nhiệm vụ cụ thể về ứng dụng viễn thám trên cơ sở nhu cầu cấp bách, đặc thù điều kiện tự nhiên, mức độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương phục vụ công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, giám sát, kiểm tra và hỗ trợ ra quyết định của các cấp chính quyền địa phương.
Cục Viễn thám quốc gia sẵn sàng vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương; chuyển giao công nghệ, sản phẩm, kết quả các nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ đào tạo cán bộ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.