Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý TPHCM (HCMGIS) đã chủ trì thực hiện thành công nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Xây dựng kiến trúc tổng thể, chi tiết hệ thống GIS, viễn thám về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng” nhằm tạo sự liên thông, đồng bộ, thống nhất các dữ liệu, ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng, tạo thuận lợi cho việc quản lý đô thị ở các Sở ngành, quận huyện, phục vụ xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số quản lý chuyên ngành trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ThS. Phạm Đức Thịnh (chủ nhiệm nhiệm vụ), nhóm thực hiện không chỉ tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá các tiêu chuẩn và công nghệ mở quốc tế, chính phủ điện tử và các Bộ ngành liên quan về GIS và viễn thám để từ đó lựa chọn các tiêu chuẩn cũng như công nghệ tối ưu nhất; mà còn rà soát hiện trạng tại các quận huyện cũng như các Sở ngành liên quan để áp dụng xây dựng kiến trúc tổng thể, chi tiết hệ thống GIS, viễn thám về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng.
Kiến trúc ứng dụng của hệ thống GIS và viễn thám trong quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng được chia làm 7 tầng khác nhau: Kênh truy cập, Cổng thông tin điện tử, Ứng dụng, Dịch vụ dùng chung, Dữ liệu, Hạ tầng, Nền tảng liên quan.
Dựa trên yêu cầu của kiến trúc nghiệp vụ, các thành phần ứng dụng được đề xuất cho hệ thống GIS, viễn thám về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng được phân thành 3 nhóm ứng dụng gồm: nhóm các ứng dụng nghiệp vụ (quản lý văn bản quy phạm pháp luật; quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý giá đất; quản lý thống kê, kiểm kê đất đai; quản lý thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; quản lý thông tin thuế; quản lý công trình xây dựng; quản lý cơ sở dữ liệu GIS, viễn thám…), nhóm các ứng dụng báo cáo thống kê, nhóm các ứng dụng hỗ trợ (theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai; quản trị dữ liệu; cảnh báo, hỗ trợ ngăn chặn; quản lý người dùng; quản lý chữ ký số; hỗ trợ kiểm soát chất lượng và xác định khối lượng, giá trị sản phẩm cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng…)
Mô hình khái quát về kiến trúc tổng thể GIS và viễn thám ngành quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng
ThS. Phạm Đức Thịnh cho biết, kiến trúc chi tiết hệ thống ứng dụng GIS và viễn thám được thiết kế tuân thủ mô hình tăng trưởng chính phủ số và tham khảo các kiến trúc chính phủ điện tử hoặc do các Bộ ngành liên quan ban hành.
Kiến trúc bao gồm: kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc ứng dụng, kiến trúc dữ liệu, kiến trúc công nghệ, kiến trúc an toàn thông tin. Kiến trúc nêu ra được điểm mạnh tích hợp GIS và Viễn thám vào ứng dụng, thể hiện xu hướng triển khai kiến trúc trên các nền tảng như điện toán đám mây (cloud), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (GeoAI) vào công tác xử lý, phân tích dữ liệu. Hệ thống GIS và viễn thám được triển khai trên nền tảng dịch vụ web tuân thủ theo các tiêu chuẩn an ninh an toàn thông tin và các tiêu chuẩn xây dựng hệ thống. Từng đối tượng người dùng sẽ có thể kết nối với hệ thống thông qua các loại kết nối khác nhau tùy vào vị trí và quyền hạn truy cập. Các cơ quan, đơn vị liên quan đến vận hành, liên thông dữ liệu, cập nhật và khai thác dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn Thành phố có thể ứng dụng và áp dụng mô hình kiến trúc này để tham khảo và triển khai cho đơn vị.
Về kế hoạch chuyển đổi áp dụng kiến trúc tổng thể, ThS. Phạm Đức Thịnh chia sẻ, lộ trình triển khai kiến trúc cho hệ thống GIS và viễn thám có thể chia làm 4 giai đoạn (6-12 tháng/giai đoạn) tương ứng với những thay đổi về nghiệp vụ, công nghệ.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện kiến trúc tổng thể, chi tiết hệ thống GIS, viễn thám về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng phục vụ cho việc xây dựng các nhiệm vụ thành phần trong Đề án ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Kết quả của nghiên cứu không chỉ hỗ trợ các cơ quan, đơn vị lựa chọn giải pháp kỹ thuật, phương án thực hiện nhằm tiết kiệm nguồn lực và chi phí thực hiện, hệ thống còn là minh chứng cho khả năng liên thông quản lý giữa ba lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng, và xa hơn nữa là mở rộng việc ứng dụng GIS, viễn thám trong các đơn vị, ngành có tính liên thông về nghiệp vụ, dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung.