Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã đạt được một kết quả đột phá khi thông qua quy định chung về một thị trường tín chỉ các-bon toàn cầu, mở ra hy vọng mới cho ngành này.
Thị trường tín chỉ các-bon từng được coi là một công cụ triển vọng để chuyển nguồn tài chính cho các hoạt động vì khí hậu tới cộng đồng dễ bị tổn thương và bảo tồn thiên nhiên. Việc mua bán tín chỉ các-bon được xây dựng để đạt được những thứng lợi nhanh chóng, hiệu quả về kinh phí đối với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Năm 2022, nhu cầu về một thị trường tín chỉ các-bon đã tăng vọt khi các công ty đồng loạt đưa ra cam kết bù trừ các-bon để thực hiện mục tiêu về môi trường. Khi ấy, quy mô thị trường đã nhanh chóng vượt mốc 2 tỷ USD. Tuy nhiên, xu hướng này không kéo dài.
Chỉ trong 2 năm sau đó, các tổ chức thị trường các-bon đang chật vật tìm đường tồn tại, nhiều công ty lỗ hàng triệu USD/năm và phải cắt giảm việc làm. Nhiều bê bối liên quan các khoản tín dụng về môi trường, liên quan tới một nhà phát triển dự án các-bon hàng đầu có hành vi gian lận, và sự thiếu minh bạch trong cơ chế bù trừ các-bon đã khiến giá trị thị trường giảm hơn một nửa.
Theo đó, những kết quả tại COP29 đã đem lại hy vọng mới cho thị trường các-bon.
Quy định mới vể thị trường các-bon
Tại Azerbaijan, các chính phủ đã nhất trí thiết lập thị trường tín chỉ các-bon, cách các quốc gia xây dựng quy định, giao dịch và đăng ký tín chỉ các-bon. Thỏa thuận đạt được sau nhiều năm bế tắc trong đàm phán liên quan tới các mục thuộc Điều 6 Thoả thuận Paris.
Với việc thông qua quy định chung về thị trường tín chỉ các-bon, các quốc gia phát thải cao như Đức và Nhật Bản có thể mua tín chỉ các-bon để bù trừ và giảm phát thải từ các chương trình phi các-bon ở những nước đang phát triển, như chương trình năng lượng tái tạo, bảo vệ rừng nhiệt đới hoặc trồng cây. Các tín chỉ này sẽ được tính vào mục tiêu của riêng của các nước.
Việc giao dịch có thể bắt đầu sớm nhất là vào năm 2025, sau khi các cơ quan kỹ thuật thống nhất về các quy định chi tiết cụ thể hơn.
Nếu hoạt động tốt, thị trường sẽ tài trợ cho mục tiêu dễ đạt được là giảm thiểu biến đổi khí hậu trong khi vẫn đảm bảo lượng khí thải được giới hạn theo thỏa thuận Paris. Có sự quan tâm đặc biệt lớn đến việc loại bỏ carbon, với nhiều công ty công nghệ lớn mua tín dụng và cố gắng mở rộng thị trường. Sau một số lần khởi đầu sai lầm, các nhà đàm phán và quan sát viên cho biết đây là cơ hội cuối cùng để làm đúng.
"Thị trường các-bon quốc tế đã đứng trước nguy cơ sụp đổ hai lần trong hai thập kỷ. Nguyên nhân là do sự mắt uy tín. Tại Baku, việc vận hành giao dịch các bon quốc tế theo Thoả thuận Paris sẽ đem lại hy vọng mới cho thị trường này",ông Axel Michaelowa, chuyên gia về thị trường carbon tại Đại học Zurich cho biết.
"Chúng là một công cụ mạnh mẽ để đẩy nhanh quá trình phổ biến công nghệ carbon thấp trên toàn thế giới. Thị trường carbon Paris hiện đã sẵn sàng triển khai vào năm 2025. Nó có thể đẩy nhanh quá trình giảm thiểu và do đó giúp thu hẹp khoảng cách phát thải lớn khiến chúng ta không đạt được mục tiêu 1,5 độ C", ông nói thêm.
Quy định mới về thị trường tín chỉ các-bon đã được đồng thuận tại COP29. (Ảnh: Reuters)
Vẫn còn lo ngại
Trước thềm COP28 tại Dubai năm ngoái, các khu rừng châu Phi đã được bán cho một công ty UAE ít người biết đến, do một thành viên của hoàng gia Dubai giám sát, để hỗ trợ quá trình bù đắp các-bon. Hoạt động này làm dấy lên lo ngại về một "cuộc cạnh tranh mới" đối với các nguồn tài nguyên có thể sản xuất tín chỉ các-bon của lục địa này.
Quy mô và tác động tiềm tàng ở các thị trường cấp quốc gia cũng không rõ ràng. Trong đó, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc có bao nhiêu quốc gia phát triển khác sẽ mua tín chỉ các-bon từ các quốc gia đang phát triển.
Một vấn đề khác được quan tâm đó là tính toàn vẹn của môi trường. Đây là một trong những vấn đề làm suy yếu niềm tin của các chuyên gia vào tín chỉ các-bon. Một nghiên cứu mới trên Nature Communications được công bố trong tuần đầu tiên của COP29 chỉ ra chưa đến 16% tín chỉ các-bon được cấp tương đương với lượng khí thái được cắt giảm. Ngay sau khi chính phủ phê duyệt hệ thống giao dịch các-bon theo Thoả thuận Paris, các nhà quan sát cảnh báo các quy tắc không đủ nghiêm ngặt để tránh các vấn đề tương tự.
Tiến sĩ Lambert Schneider, đồng tác giả và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Oeko, cho biết những vấn đề này sẽ làm suy yếu thỏa thuận Paris.
"Các bằng chứng hiện có cho thấy nhiều khoản tín chỉ các-bon không được hỗ trợ bởi bất kỳ khoản cắt giảm phát thải thực tế nào. Nếu các vấn đề về chất lượng này vẫn còn tiếp diễn, điều này có thể làm suy yếu nỗ lực của chúng ta trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu. Điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết vấn đề toàn vẹn của thị trường", ông nói.
"Hiện tại, chúng tôi thấy các đề xuất sẽ ghi nhận sự hấp thụ CO2 tự nhiên của rừng. Nhưng những hoạt động này vẫn diễn ra chứ không phải do bất kỳ sự can thiệp nào của con người. Nếu những khoản tín dụng này được người mua sử dụng để tiếp tục phát thải nhiều hơn, điều này sẽ kéo theo lượng các-bon cao hơn bị thải ra khí quyển”, ông nói thêm.
Nỗ lực giải quyết vấn đề
Đã có những nỗ lực để làm minh bạch hơn các tiêu chuẩn trong lĩnh vực tín chỉ các-bon. Các nỗ lực này có thể trở thành một phần của thị trường Liên hợp quốc. Verra, tổ chức về tiêu chuẩn tín chỉ các-bon hàng đầu, đã bị điều tra về các khoản bù trừ thông qua rừng nhiệt đới của họ. Kết quả điều tra chỉ ra, khoản bù trừ các-bon này hầu như vô giá trị. Theo đó, tổ chức đang giới thiệu một hệ thống mới để tạo ra các khoản tín chỉ các-bon. Mandy Rambharos, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận này cho biết, họ quyết tâm làm đúng và giải quyết các vấn đề gần đây.
“Chúng tôi đã đầu tư hàng triệu USD mà không có bất kỳ đảm bảo nào về lợi nhuận trong phương pháp tín chỉ các-bon rừng nhiệt đới mới. Tất cả đều được thực hiện với rủi ro. Chúng tôi cần chịu trách nhiệm về một số sai sót đã xảy ra. Nhưng tôi cũng muốn nói rằng, không chỉ riêng Verra, ý tưởng phát triển thị trường các-bon là đưa nguồn tài chính khí hậu đến đúng nơi”, bà nói.
Tháng 11 này, một sáng kiến về tính toàn vẹn của tín dụng carbon – ICVCM – đã phê duyệt ba phương pháp về rừng nhiệt đới chất lượng cao, bao gồm các quy tắc mới của Verra. Trong đó, người mua có thể được đảm bảo rừng các khoản tín chỉ này đại diện cho việc giảm phát thải thực sự.
Các khoản tín dụng như thế này có thể trở thành một phần của các thỏa thuận các-bon giữa các quốc gia. Các chuyên gia cho biết để đảm bảo thành công của thị trường này, cần đảm bảo các thỏa thuận thật sự có lợi về môi trường.