Để bắt kịp xu thế khoa học công nghệ mới, ngành đo đạc bản đồ đã có những "bước tiến" xa so với thời điểm vài thập niên trước đây. Nhiều công nghệ mới mang tính cách mạng đã ra đời góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả trong công tác đo đạc, điều tra cơ bản.
Phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, 30 năm qua, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã thực hiện thành công hàng trăm đề tài nghiên cứu, tạo nền tảng khoa học, dữ liệu quan trọng cho sự phát triển của ngành đo đạc bản đồ, địa chính. Nhiều kết quả nghiên cứu của Viện đã được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn giúp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tạo ra công cụ và giải pháp hữu hiệu cho nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Bức tranh tổng quan về những thành tựu khoa học công nghệ của Viện gắn liền với 3 giai đoạn phát triển. Theo đó, từ những năm đầu thành lập, giai đoạn 1994-2004, Viện đã chú trọng triển khai các đề tài nghiên cứu tạo nền móng cho sự phát triển lâu dài. Ở cấp Nhà nước, có 2 đề tài nổi bật là: "Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng hạ tầng kỹ thuật thông tin địa lý phục vụ hợp tác giải quyết một số vấn đề cơ bản về khoa học Trái đất trên lãnh thổ Việt Nam, khu vực và toàn cầu" và "Nghiên cứu xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu quản lý đất đai cấp tỉnh" và 51 đề tài cấp bộ, ngành được triển khai.
Các kết quả nổi bật trong giai đoạn này tập trung vào việc cung cấp các luận cứ khoa học, quy trình công nghệ phục vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ và địa chính. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu không gian như mô hình số độ cao DEM, hệ thống thông tin địa lý phục vụ phòng chống lũ lụt, khắc phục hạn chế của bản đồ địa hình.
Bước sang thập kỷ thứ 2, giai đoạn 2005-2014, Viện triển khai 1 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, 47 đề tài cấp Bộ và 21 đề tài cấp cơ sở. Nhiều đề tài có kết quả ý nghĩa thực tiễn cao. Một trong những thành tựu quan trọng là việc đề xuất và ứng dụng nhiều phương pháp, quy trình kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ như: Ứng dụng công nghệ tiên tiến (LiDAR, GPS động), tích hợp dữ liệu đa ngành, xây dựng cơ sở dữ liệu. Những kết quả này đã được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất.
Tiếp đến giai đoạn 2015-2024, các công trình nghiên cứu khoa học của Viện tiếp tục được phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; tính ứng dụng của các nghiên cứu được nâng lên rõ rệt.
Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ trao bằng Tiến sĩ đợt I năm 2024
Ở cấp nhà nước, Viện thực hiện 2 đề tài cấp quốc gia về ứng dụng viễn thám, địa tin học quản lý biến động tài nguyên, cung cấp công cụ giám sát sử dụng đất, hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát tài nguyên đất, tiêu chí đánh giá suy thoái rừng ngập mặn. Kết quả nổi bật là chuyển giao mô hình giám sát biến động tài nguyên đất cho Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, xây dựng bản đồ chất lượng và suy thoái rừng ngập mặn qua các thời kỳ tại Quảng Ninh và Cà Mau, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phục hồi.
Cùng trong giai đoạn này Viện đã triển khai ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại trong công tác điều tra cơ bản TN&MT. Cụ thể như việc sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (GeoAI), GIS, viễn thám, thiết kế, chế tạo thiết bị thu nhận (GNSS, quan trắc tiếng ồn, UAV, USV…) và các phần mềm đi kèm để giám sát hiện trạng tài nguyên đất, nước; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ UAV, Georadar, LiDAR mobile mapping trong đo đạc và thành lập bản đồ, tổng quát hóa bản đồ.
Sự cống hiến cho nghiên cứu khoa học của lĩnh vực đo đạc và bản đồ thời gian qua đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT tặng nhiều bằng khen: Như cụm công trình về nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trọng quốc gia đã được bình xét là 1 trong 10 sự kiện của ngành TN&MT năm 2014. Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng mô hình quản lý biến động tài nguyên; hoàn thiện công cụ quản lý và nâng cao năng lực giám sát biến động sử dụng đất” đạt giải xuất sắc tại Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020.
Đặc biệt, năm 2021, Công trình “Bộ sách khoa học kỹ thuật phục vụ đào tạo tiến sỹ ngành kỹ thuật đo đạc và bản đồ” của PGS.TSKH Hà Minh Hòa đã đạt giải A trong đợt xét giải thưởng KH&CN ngành TN&MT lần thứ nhất và sau đó, công trình đã được vinh danh trong sách Vàng Việt Nam năm 2021.
Việt Nam – Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học về đo đạc bản đồ và thông tin địa lý
Thúc đẩy tiềm lực khoa học công nghệ đo đạc bản đồ
Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ thế giới, lĩnh vực đo đạc và bản đồ đã có những thay đổi đáng kể trong việc tạo lập, duy trì hạ tầng kỹ thuật hiện đại và thu nhận, xử lý, cung cấp các sản phẩm, dữ liệu đo đạc và bản đồ với độ chính xác cao. Vì vậy, phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ là yêu cầu quan trọng để đảm bảo sự phát triển của lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Đồng thời, khoa học và công nghệ cũng đã được xác định là then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện thế giới đang áp dụng những thành tựu to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Chính vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, trong giai đoạn tới, định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ sẽ tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các thành tựu mới của công nghệ ảnh số, công nghệ bay quét LiDAR, công nghệ viễn thám, công nghệ GIS, công nghệ GNSS để hiện đại hóa quy trình xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập, cập nhật bản đồ địa hình quốc gia đảm bảo dữ liệu nền địa lý phải được cung cấp chính xác, đầy đủ và kịp thời; nghiên cứu ứng dụng công nghệ GNSS động để xác định vị trí tọa độ, độ cao chính xác cho đo đạc bản đồ, các ngành và cộng đồng xã hội; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS trong lưu trữ và xử lý khối lượng lớn dữ liệu không gian địa lý thu nhận từ nhiều nguồn khác nhau theo thời gian thực phục vụ thành lập bản đồ 3D, 4D.
Cùng với đó, Viện cũng sẽ nghiên cứu để xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, trong đó, trọng tâm là nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến việc thu nhận, lưu trữ, cập nhật, tích hợp và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân, cộng đồng trong việc phát triển các dịch vụ liên quan đến dữ liệu không gian địa lý, tạo ra các sản phẩm đa dạng phục vụ xã hội; nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; nghiên cứu phát triển ứng dụng, khai thác hiệu quả hạ tầng dữ liệu không gian địa lý…