Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các Văn bản: số 7210/BTNMT-VCLCSTNMT ngày 16/10/2024 và số 7802/BTNMT-VCLCSTNMT ngày 07/11/2024 gửi các Bộ, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đề nghị góp ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, phân tích thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan, tổ chức liên quan; nghiên cứu rà soát, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh”.
Sự cần thiết ban hành dự thảo Quyết định
Từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bước đầu thiết lập "Danh mục dự án xanh" và xây dựng tài liệu hướng dẫn công tác thống kê, báo cáo tín dụng xanh để phân loại các hoạt động kinh tế/dự án xanh làm cơ sở để cấp tín dụng xanh và phát hành thí điểm trái phiếu xanh.
Cho đến nay, thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số chủ thể phát hành trái phiếu đã phát hành thí điểm trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp, đặc biệt, phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời.
Tuy nhiên, các danh mục dự án xanh và hướng dẫn trên đều không có cơ sở phân loại theo các mục tiêu, lợi ích môi trường và không dựa trên các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường của Việt Nam và thông lệ quốc tế; thiếu cơ sở pháp lý nên việc sử dụng mới mang mục đích tham khảo hoặc dùng để thống kê.
Vì vậy, việc xây dựng danh mục phân loại xanh (danh mục sắp xếp các loại hình dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường đáp ứng các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường) gắn với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể là cần thiết đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân phát hành trái phiếu và các bên liên quan để quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả việc cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu
Với ý nghĩa đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Bố cục của dự thảo Quyết định
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, bao gồm: 06 điều và 02 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định, bao gồm:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Điều 2. Giải thích từ ngữ. Điều 3. Tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Điều 4. Xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh. Điều 5. Tổ chức thực hiện. Điều 6. Điều khoản thi hành.
Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định gồm:
- Phụ lục I quy định Danh mục phân loại xanh, bao gồm các thông tin về 07 lĩnh vực, 50 loại hình dự án đầu tư tương ứng với các mã ngành kinh tế của dự án đầu tư; mục tiêu bảo vệ môi trường, lợi ích môi trường của dự án đầu tư và chỉ tiêu sàng lọc để làm căn cứ xác định, xác nhận dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường để cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh
- Phụ lục II quy định về Mẫu báo cáo thuyết minh dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh.
Về nội dung cụ thể của dự thảo Quyết định:
- Đối với phạm vi, đối tượng điều chỉnh (Điều 1): dự thảo chỉnh sửa về kỹ thuật để làm rõ hơn phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Quyết định.
- Về giải thích từ ngữ (Điều 2): dự thảo bỏ thuật ngữ “dự án chuyển đổi xanh”, chỉnh sửa kỹ thuật về các thuật ngữ “danh mục phân loại xanh”, “chỉ tiêu” chuyển thành “chỉ tiêu sàng lọc”.
- Về tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (Điều 3): dự thảo chỉnh sửa nội dung quy định về tiêu chí theo hướng thay thế quy định về “không gây hại đáng kể đến các mục tiêu bảo vệ môi trường khác” bằng quy định trực tiếp về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh và tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được phát hành trái phiếu xanh, cụ thể như sau:
1. Tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư để làm căn cứ thực hiện các hoạt động cấp tín dụng xanh theo quy định của pháp luật, bao gồm:
a) Có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trừ các dự án đầu tư được miễn thủ tục môi trường theo quy định của pháp luật;
b) Có mục tiêu bảo vệ môi trường, lợi ích môi trường quy định tại cột (4) và đáp ứng các yêu cầu quy định tại cột số (6) của Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.
2. Tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư để làm căn cứ thực hiện các hoạt động phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật, bao gồm:
a) Đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Có mục tiêu bảo vệ môi trường, lợi ích môi trường quy định tại cột (5) và đáp ứng các yêu cầu quy định tại cột số (6) của Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.
- Về việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh (Điều 4):
Dự thảo bỏ quy định về tổ chức xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh thông qua tổ chức độc lập (Điều 6 dự thảo Quyết định tại Tờ trình 88/TTr-BTNMT); bỏ quy định xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh đối với dự án chuyển đổi xanh (Điều 7 dự thảo Quyết định tại Tờ trình 88/TTr-BTNMT); bỏ quy định về giấy xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh (Điều 8 của dự thảo Quyết định tại Tờ trình 88/TTr-BTNMT). Thay bằng 01 quy định xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh (Điều 4 của dự thảo Quyết định). Cụ thể như sau:
1. Hồ sơ chứng minh dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh bao gồm:
a) Báo cáo thuyết minh dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này;
b) Văn bản chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá, thiết bị, công nghệ, dịch vụ đáp ứng các ngưỡng và chỉ tiêu môi trường được thực hiện bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường và pháp luật khác có liên quan đối với các dự án đã vận hành hoạt động;
c) Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hoặc văn bản tương đương (nếu có) và các tài liệu kỹ thuật của dự án quy định tại mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyếty định này;
d) Văn bản, tài liệu khác theo yêu cầu của pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ và pháp luật khác có liên quan.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ vào quy định tại Điều 3 khoản 1 Điều này để thực hiện các hoạt động liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật.
Khuyến khích tham vấn ý kiến của cơ quan, tổ chức có chức năng về môi trường, kỹ thuật và tài chính liên quan đến dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh trong quá trình thực hiện các hoạt động cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
3. Trường hợp chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có nhu cầu và đề nghị xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật, việc xác nhận được thực hiện như sau:
a) Cơ quan, tổ chức cấp ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh căn cứ vào quy định tại Điều 3 và khoản 1 Điều này quyết định hình thức, trình tự, thủ tục thực hiện việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh để làm căn cứ hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật;
b) Hình thức, trình tự, thủ tục xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh quy định tại điểm a khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ về cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh và pháp luật khác có liên quan.
- Về Phụ lục I. Danh mục phân loại xanh
+ Tổng số lĩnh vực thuộc Danh mục phân loại xanh hiện nay là 07 lĩnh vực (giảm tên lĩnh vực chuyển đổi xanh, đưa các dự án trực thuộc nhóm này về lĩnh vực chuyên ngành);
+ Giảm số lượng dự án từ 80 dự án xuống còn 50 dự án do cấu trúc lại một số dự án để đảm bảo tuân thủ đúng mã ngành trong phân ngành kinh tế Việt Nam, không mở mã ngành mới; có bổ sung thêm một số dự án mới có đầy đủ căn cứ pháp lý, thông số kỹ thuật và thực tiễn có nhu cầu;
+ Chỉnh sửa lại cách thức thể hiện thông tin về tiêu chí môi trường trong phụ lục theo hướng tách riêng tiêu chí cho tín dụng, tiêu chí cho trái phiếu;
+ Cập nhật, bổ sung các chỉ tiêu sàng lọc theo góp ý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cập nhật các văn bản pháp lý, thông số kỹ thuật mới được nêu trong các Luật, Nghị định, Thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới được ban hành.
Báo cáo về phương án xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh
Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về phương án xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh, cụ thể như sau:
Phương án 1: Cơ quan, tổ chức cấp ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh căn cứ vào tiêu chí môi trường và hồ sơ chứng minh dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh quyết định hình thức, trình tự, thủ tục thực hiện việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh để làm căn cứ hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Theo phương án này thì các cơ quan, tổ chức có chức năng cấp ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh sẽ quyết định hình thức, trình tự, thủ tục thực hiện việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh theo quy định về ưu đãi, hỗ trợ do Nhà nước ban hành.
Ưu điểm: Phương án này có một số thuận lợi như sau: (1) không phát sinh thủ tục hành chính do xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh chỉ là một nội dung trong quy trình cấp ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh; (2) có tính khả thi vì Dự thảo Quyết định đã quy định cụ thể tiêu chí môi trường cho các dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh; có hướng dẫn về hồ sơ, tài liệu để thực hiện việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh; (3) thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát sau xác nhận và tiến hành các chế tài xử lý nếu dự án không đáp ứng tiêu chí phân loại dự án xanh như cam kết. Đặc biệt, phù hợp với thực tế hiện nay chưa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước cho tín dụng xanh, trái phiếu xanh; loại hình, tính chất ưu đãi, hỗ trợ trong tương lai rất đa dạng, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và định hướng phát triển của Nhà nước ở từng giai đoạn; (4) có thể lồng ghép hình thức, trình tự, thủ tục xác nhận vào quy trình thực hiện thủ tục hành chính để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, làm giảm phát sinh thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp.
Hạn chế, khó khăn: Phương án này có khó khăn là việc xác nhận để hưởng ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh chưa được quy định đầy đủ. Tuy nhiên, phương án này lại phù hợp với thực tiễn vì chưa có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầy đủ, rõ ràng về tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
Phương án 2: Xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh thông qua tổ chức độc lập đáp ứng đủ điều kiện do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố
Xác nhận thông qua tổ chức độc lập là doanh nghiệp hoặc tổ chức hoạt động hợp pháp ở Việt Nam đáp ứng điều kiện được quy định chi tiết trong dự thảo Quyết định. Theo đó, các tổ chức đáp ứng điều kiện dưới đây gửi hồ sơ đăng ký về Bộ Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, công bố, cụ thể:
a) Về quy định điều kiện đối với Tổ chức xác nhận:
- Có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO/IEC 17029:2020 Đánh giá sự phù hợp - Nguyên tắc chung và yêu cầu đối với tổ chức xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận hoặc Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17029:2019.
- Có quy trình, chính sách và hệ thống kiểm soát nội bộ về hoạt động xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh đảm bảo tính độc lập, khách quan theo tiêu chuẩn hoặc chuẩn mực quy định tại điểm a khoản này.
- Có ít nhất 05 cán bộ có trình độ từ đại học trở lên về môi trường, trong đó có ít nhất 01 cán bộ có kinh nghiệm từ 03 năm trở lên về việc lập hồ sơ môi trường cho mỗi lĩnh vực mà tổ chức có nhu cầu tham gia xác nhận.
- Người đại diện pháp luật hoặc người được ủy quyền ký giấy xác nhận phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đăng ký thực hiện xác nhận.
- Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ tư vấn, lập hồ sơ về môi trường của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực được quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này hoặc đã thực hiện xác nhận dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
b) Về quy trình đăng ký và công bố tổ chức xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh:
- Tổ chức có nhu cầu thực hiện hoạt động xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh gửi hồ sơ gồm đơn đăng ký và các tài liệu chứng minh đáp ứng đủ điều kiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường (Hồ sơ đăng ký được quy định cụ thể tại Phụ lục II của dự thảo Quyết định).
- Căn cứ vào hồ sơ nhận được, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát, công bố bằng Quyết định về việc công bố tổ chức đáp ứng điều kiện thực hiện hoạt động xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh và cập nhật danh sách các tổ chức xác nhận trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ chưa đảm bảo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản trả lời tổ chức đăng ký hoạt động xác nhận và nêu rõ lý do.
Về ưu điểm: Việc thực hiện xác nhận thông qua tổ chức độc lập được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sẽ có nhiều điểm thuận lợi như: (1) phù hợp với thông lệ quốc tế, đúng với quan hệ thị trường; (2) không trái hoặc vượt quá nhiệm vụ được giao trong pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan; (3) huy động được tổ chức đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam cam kết là thành viên có thể tham gia thực hiện xác nhận; các tổ chức trong nước đáp ứng các tiêu chí tương đương sẽ được tham gia.
Do đó, tính đa dạng và cạnh tranh về năng lực, uy tín trong xác nhận sẽ được hình thành; tăng cường vai trò của nhà nước đối với việc quản lý xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh thông qua giám sát năng lực của các tổ chức tham gia xác nhận (rà soát hồ sơ năng lực và công bố danh sách các tổ chức đủ điều kiện thực hiện xác nhận, giám sát hàng năm thông qua cơ chế báo cáo). Phương án này có ưu điểm trong việc tạo điều kiện cho các tổ chức có đủ năng lực, đáp ứng điều kiện, được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đủ điều kiện sẽ thực hiện dịch vụ xác nhận dự án (thông qua ký hợp đồng với chủ dự án có nhu cầu xác nhận là dự án thuộc Danh mục xanh).
Hạn chế, khó khăn: Phương án này sẽ phát sinh thủ tục hành chính về công nhận tổ chức đủ điều kiện để tham gia xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh vì cơ quan, tổ chức muốn tham gia xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh phải có trách nhiệm lập hồ sơ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để đánh giá, công bố. Hoạt động này là một thủ tục hành chính (do liên quan đến doanh nghiệp và cơ quan nhà nước).
Tổ chức xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh có thể liên kết với chủ đầu tư dự án để xác nhận đối với những dự án lợi dụng danh nghĩa xanh nhưng bản chất lại tiềm ẩn những tác động xấu đến môi trường. Khi dự án được tổ chức xác nhận là dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh, đồng nghĩa dự án này sẽ được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Như vậy, trong trường hợp dự án được xác nhận là dự án đầu tư thuộc Danh mục xanh nhưng trên thực tế dự án không phải là dự án xanh thì các vấn đề liên quan đến ưu đãi, hỗ trợ đã được thực hiện sẽ rất khó khăn để thu hồi, có thể gây thất thoát ngân sách của Nhà nước.
Phạm vi Dự thảo Quyết định không thể quy định các nội dung có liên quan đến cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm (nếu có) đối với hoạt động xác nhận của tổ chức đủ điều kiện. Do đó, tiềm ẩn rủi ro rất cao cho việc xác nhận sai, xác nhận không đúng đối tượng dẫn đến hệ quả của thị trường tài chính.
Lựa chọn phương án xác nhận phù hợp
Theo quy định tại khoản 3 Điều 154 Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ thì việc xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh được thực hiện theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có nhu cầu xác nhận để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cụ thể:
Đối với tín dụng xanh: Ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất trực tiếp cho dự án được cấp tín dụng xanh tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài Việt Nam. Chủ đầu tư cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh dự án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hiệu quả, chính xác về đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất (khoản 5 Điều 133 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP).
Đối với trái phiếu xanh: Chủ thể phát hành trái phiếu xanh, nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng các chính sách ưu đãi sau: a) Được hưởng các ưu đãi giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán và chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác theo quy định của pháp luật; b) Dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương phát hành được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm (khoản 8 Điều 157 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP).
Ngoài các quy định trên, hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có nhu cầu xác nhận để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước.
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng các vướng mắc, bất cập về tín dụng xanh, trái phiếu xanh tại Việt Nam và phân tích các bài học kinh nghiệm quốc tế, đồng thời căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 149 khoản 5 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và kiến nghị của một số tổ chức, nhận định về những thuận lợi và khó khăn đối với các phương án xác nhận cho thấy Quy định việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh như Dự thảo Quyết định là có tính khả thi và phù hợp hơn so với phương án xác nhận được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình 88/TTr-BTNMT.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án xác nhận là “Cơ quan, tổ chức cấp ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh căn cứ vào tiêu chí môi trường và hồ sơ chứng minh dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh quyết định hình thức, trình tự, thủ tục thực hiện việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh để làm căn cứ hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật” (Phương án 1) là phù hợp, có tính khả thi, áp dụng được luôn để tạo tiền đề cho phát triển thị trường tài chính xanh, tín dụng xanh.